Đậu bắp không chỉ là món ăn mà còn là vị thuốc quý, vừa giúp làm đẹp vừa điều trị bệnh.
Nội dung chính ⇒
Ăn đậu bắp có gây nhức mỏi và khí hư bạch đới không?
Theo lương y Nguyễn Công Đức thì ăn đậu bắp không gây nhức mỏi và cũng không gây khí hư bạch đới (ở phụ nữ).
Tác hại của đậu bắp
Có một số điều cần lưu ý là:
- Mỗi ngày chỉ nên ăn 100 g trở lại, không nên ăn sống (mà nên luộc, hấp cơm, nấu canh, kho, xào…).
- Những người bị đông máu, tỳ vị hư hàn, hay sợ lạnh… không nên dùng.
- Người hay bị khó tiêu, no hơi, tiêu chảy cũng không nên ăn (vì sẽ không tiêu hóa được các chất dinh dưỡng có trong đậu bắp).
- Nên tự trồng để tránh mua nhầm đậu bắp bị phun thuốc quá nhiều (vì đây là loại trái dễ bị phun thuốc). Nếu không thể tự trồng thì bạn nên mua ở chỗ uy tín và rửa kỹ với nước (hoặc nước muối, nước vo gạo).
Quả đậu bắp có trị được bệnh xương khớp không?
Kinh nghiệm dân gian cho thấy những người hay ăn đậu bắp tự trồng tại nhà (đã nấu chín) thường ít bị nhức mỏi hơn. Bên cạnh đó, dân gian cũng có nhiều bài thuốc điều trị đau nhức xương khớp từ quả đậu bắp.
Tuy nhiên, hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có công trình nghiên cứu thực nghiệm nào chứng minh tác dụng này của quả đậu bắp. Theo chuyên viên vật lý trị liệu – ông Bạch Đình Trung Kiên – thì đậu bắp không thể “bôi trơn” xương khớp bằng chất nhầy của nó (như dân gian vẫn hay giải thích).
Mặc dù vậy, các thành phần có trong quả đậu bắp vẫn có những tác dụng nhất định đối với sức khỏe xương khớp, giúp ngừa loãng xương (vì đậu bắp chứa nhiều Can xi, Ma giê, vitamin B9 (tức axit folic) và vitamin K).
Như vậy, với người bình thường thì thỉnh thoảng ăn 100 g đậu bắp đã nấu chín sẽ giúp xương chắc khỏe hơn. Tuy nhiên, với bệnh nhân đang mắc các bệnh về xương khớp thì nên hỏi ý kiến bác sĩ xem dạng bệnh mà mình mắc phải có thể dùng đậu bắp không (vì bệnh xương khớp có nhiều dạng khác nhau và có những dạng, những thể trạng không nên dùng đậu bắp).
Quả đậu bắp điều trị được tiểu đường không?
Nói đến tiểu đường thì không thể bỏ qua các cây thuốc nam chuyên điều trị bệnh này như cam thảo đất (giúp giảm đường huyết và phòng ngừa biến chứng), lá dứa thơm (tức lá nếp, giúp hạ đường huyết)…
Ngoài các vị thuốc thực thụ thì nhiều loại thực phẩm cũng có tác dụng hạ đường huyết rất tốt. Cụ thể, theo nguồn tin được đăng trên tạp chí International Journal of herbal medicine thì trong quả đậu bắp có chứa nhiều chất giúp hạ đường huyết. Vì vậy, các nhà khoa học gợi ý rằng người bị tiểu đường có thể ăn đậu bắp 3 lần mỗi tuần để cải thiện tình trạng bệnh.
Liều lượng dân gian thường dùng: 100 g đậu bắp luộc mỗi ngày.
Bài thuốc điều trị tiểu đường type 2 (đái tháo đường) và bệnh Gout từ quả đậu bắp
Đây là bài thuốc được lương y Nguyễn Công Đức giới thiệu và rất tâm đắc vì nó giúp ổn định đường huyết, cải thiện bệnh Gút mà không cần uống thêm thuốc khác.
- Thành phần: lá sa kê vừa rụng (2 lá, nặng khoảng 100 g, loại lá vàng, vừa rụng chưa kịp khô hay rụng xong đã khô cũng được), quả đậu bắp tươi (100 g, thái nhỏ) và lá ổi (20 g lá tươi, xé nhỏ).
- Cách dùng: nấu với 2 lít nước cho đến khi nước rút còn 1 lít thì chắt ra, chia thành nhiều lần uống trong ngày.
Quả đậu bắp cung cấp bao nhiêu calo và có giúp giảm cân không?
Đậu bắp có thể giúp giảm cân vì nó cung cấp ít năng lượng (chỉ 35 calo/ 100 g quả tươi). Hơn nữa, hàm lượng chất béo trong quả đậu bắp cũng rất thấp: chỉ 0,1 g/ 100 g quả tươi.
Vì vậy, bạn có thể thêm đậu bắp vào khẩu phần ăn để hỗ trợ giảm cân bằng cách luộc hoặc nấu canh (mỗi tuần ăn 3 lần, mỗi lần ăn 100 g, không nên dùng quá 500 g mỗi ngày).
Ngoài ra, đậu bắp còn chứa nhiều chất xơ, giúp nhuận tràng và giảm mụn do táo bón. Ngoài ra, ăn đậu bắp còn giúp sáng mắt (nhờ chứa nhiều vitamin A) và làm chậm lão hóa (nhờ chứa nhiều vitamin C).
Phụ nữ mang thai có nên ăn đậu bắp không?
Phụ nữ mang thai có thể ăn đậu bắp nhưng mỗi ngày chỉ nên ăn 100 g đậu bắp đã luộc (nấu chín), mỗi tuần ăn 3 lần (không nên ăn quá nửa kg mỗi ngày vì đậu bắp gây nhuận tràng và lợi tiểu, nếu tác động mạnh quá thì sẽ ảnh hưởng đến thai nhi).
Tác dụng của đậu bắp đối với phụ nữ mang thai và thai nhi: Nếu ăn đúng cách và đúng liều lượng thì đậu bắp sẽ giúp ngừa táo bón ở bà bầu và cung cấp axit folic giúp thai nhi phát triển tốt, thông minh.
Lưu ý: Đậu bắp là một trong những loại quả dễ bị nhiễm thuốc sâu nhất (vì cây này rất dễ bị sâu). Vì vậy, đa phần người trồng phun thuốc xong là sau 1 ngày sẽ bẻ luôn (vì qua 1 ngày là trái đậu bắp sẽ già).
Vì vậy, để an toàn thì bạn nên tự trồng, bạn nhé! (hoặc mua ở những nơi uy tín, đã được kiểm định). Ngoài ra, khi ăn thì bạn cũng nên ngâm rửa bằng nước muối (hoặc nước vo gạo) rồi mới rửa lại bằng nước lã nhé!
Đậu bắp có tác dụng gì trong Đông y?
Theo y học cổ truyền, quả đậu bắp có tác dụng thanh nhiệt, làm dịu, nhuận tràng và lợi tiểu.
Xem thêm: Video về tác dụng điều trị bệnh của quả đậu bắp (của lương y Nguyễn Công Đức)
Tư liệu tổng hợp
- Đậu bắp, https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%ADu_b%E1%BA%AFp
- Đậu bắp và công dụng hạ đường huyết của cây đậu bắp, https://caythuoc.org/cong-dung-ha-duong-huyet-cua-cay-dau-bap.html
- Đậu bắp và bài thuốc giúp xương chắc khỏe, giảm đau nhức xương khớp, https://caythuoc.org/dau-bap-va-bai-thuoc-giup-xuong-chac-khoe-giam-dau-nhuc-xuong-khop.html
- Tác dụng và tác hại của đậu bắp, https://www.youtube.com/watch?v=yoloTnZJtmY
- Trái đậu bắp trị bệnh gì, https://www.youtube.com/watch?v=CYUeuI5097s&t=1s
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam (tập 1).