Quả Phật thủ không thể ăn trực tiếp được nhưng có thể chế biến thành mứt và làm thuốc chữa bệnh.
Nội dung chính ⇒
Hình dáng kỳ lạ
Thời gian gần Tết, các nhà vườn ở miền Bắc không chỉ chăm chút cho những cành đào, chậu quất mà còn nâng niu cả những quả Phật thủ vàng ươm.
Tự bao giờ, Phật thủ đã không thể thiếu trong mâm ngũ quả truyền thống của người miền Bắc, với ý nghĩa mang đến sự may mắn, thịnh vượng, trường tồn. Trong Phật giáo, quả Phật thủ cũng có ý nghĩa tâm linh riêng (truyền thuyết kể rằng một bàn tay của quan âm Diệu Thiện đã hóa thành cây Phật thủ).
Vì loại quả này có hình dáng như bàn tay nên người ta gọi nó là quả Bàn tay Phật (hay còn gọi là Phật thủ, Phật thủ phiến, Phật thủ cam, Buddha’s hand…).
Quả phật thủ có ăn được không?
Phật thủ ăn được nhưng không thể ăn trực tiếp mà phải qua chế biến, thường là làm mứt.
Lưu ý: Phật thủ được bán trên thị trường để chưng Tết, trang trí… đa phần đều đã bị phun hóa chất (có khi bị phun đến cả chục lần). Vì vậy, nếu mua để ăn hay làm thuốc thì bạn cần đặt trước nhà vườn hoặc chọn nơi uy tín.
Để làm mứt Phật thủ, các bạn lấy quả tươi, rửa sạch, thái nhỏ thành sợi dài, hình vuông hay hình hạt lựu tùy theo sở thích (với độ dày chừng 1 cm).
Tiếp theo, các bạn đem Phật thủ luộc cho chín mềm (trong khoảng 30 phút) rồi vớt ra riêng, sau đó cho thêm một ít nước và 650 g đường vào và đun riu riu, cứ thế cho đến khi thịt quả trong lại, ngấm đường và nước đường hơi sệt lại là vớt ra được.
Tuy nhiên, nếu muốn ăn mứt khô (cho dễ cầm tay) thì các bạn nên vớt ra rổ, để khoảng 1 ngày cho mứt ráo hẳn thì lấy thêm một ít đường rắc lên, áo thành một lớp bên ngoài, sau đó đợi cho mứt khô hẳn thì cất vào keo, lọ để dùng dần.
Quả Phật thủ có tác dụng gì, có thể chữa bệnh gì?
Theo y học cổ truyền, quả Phật thủ có vị cay the, hơi đắng chua, tính chất ôn (ấm) và có hai công năng cơ bản là:
1. Thông vào kinh Tỳ giúp kích thích tiêu hóa, làm mạnh tỳ, điều trị nôn mửa, biếng ăn, đầy bụng, đau bụng.
2. Thông vào kinh Phế giúp giảm ho, tan đờm.
Ngoài ra, tinh dầu có trong quả Phật thủ còn giúp kháng khuẩn, kháng nấm, làm tăng hiệu quả tiêu hóa thức ăn và giúp tăng cân (qua kết quả thí nghiệm trên chuột) (2).
Cách dùng: Lựa chọn những quả chín vàng, sạch và an toàn rồi thái mỏng thành các lát dày chừng 3 cm, sau đó phơi âm can cho khô (phơi trong bóng mát, chỗ có gió để tránh hao hụt tinh dầu). Mỗi lần dùng, lấy 3 – 6 g rồi tán bột uống (cũng có thể hãm như trà) (2).
Một số bài thuốc khác từ quả Phật thủ
1. Điều trị viêm họng, bồi bổ gan, lá lách, dạ dày
Mỗi ngày, lấy 5 – 15 g Phật thủ đã phơi khô, cho thêm 100 ml nước rồi chưng cách thủy và uống (3).
2. Điều trị biếng ăn, hay buồn nôn và ho đờm dai dẳng
Mỗi ngày, lấy 3 – 10 g quả khô (đã thái lát) rồi hãm uống như trà (nên dùng vỏ quả sẽ tốt hơn) (3).
3. Điều trị viêm dạ dày mãn tính
Mỗi ngày, lấy 10 – 15 g quả tươi, xắt nhỏ, đem hãm như trà và uống (nếu không dùng quả thì dùng hoa, lá hoặc rễ để thay thế cũng được) (3).
4. Giúp dễ tiêu, thông gan, giảm ho đờm và đau trướng trong lồng ngực
Lấy quả tươi thái lát, phơi âm can (phơi gió cho khô) rồi đem ngâm rượu (tỉ lệ 30 g quả : 1 kg rượu), sau vài ngày thì đảo rượu này một lần và khoảng 10 ngày sau thì vớt bỏ cặn, phần rượu thuốc thì để dùng dần (mỗi lần chỉ uống 15 g rượu) (4).
5. Chữa bệnh đau bụng kinh
Lấy 30 g quả tươi (thái nhỏ), 30 g rượu gạo, 6 g gừng tươi và 6 đương quy (thái nhỏ), tất cả cùng nấu lấy nước uống (lưu ý nấu bằng lửa vừa và đậy nắp kín để tránh bay hơi tinh dầu) (4).
6. Giải rượu
Lấy 30 g quả tươi, rửa sạch, thái nhỏ rồi nấu lấy nước uống.
Đặc điểm cây trồng
Cây Phật thủ có tên khoa học là Citrus medica var. sarcodactylis, thuộc họ Cam chanh (1). Đây là loài cây không có thân chính mà chỉ có các nhành mọc nghiêng ngả, vì vậy, khi trồng, người ta phải lấy cây làm giá chống đỡ.
Cây Phật thủ chủ yếu được trồng để lấy quả bán vào dịp Tết và thời gian sinh trưởng của quả cũng rất dài, có thể kéo dài đến 9, 10 tháng mới chín. Quả Phật thủ lúc còn sống có màu xanh lá cây, khi chín thì chuyển dần sang màu vàng và có thể để trưng khá lâu mà không bị hỏng.
Lưu ý
1. Quả Phật thủ thường được phun rất nhiều thuốc hóa học trong quá trình trồng trọt, vì vậy, cần chọn loại quả an toàn khi dùng làm thức ăn, làm thuốc.
2. Sau khi phơi khô, dược liệu rất dễ bị ẩm mốc, vì vậy, cần lưu ý trong bảo quản và sử dụng.
3. Những người âm hư không được dùng.
4. Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.
***
Trong một lần đi Phú Quốc, tôi may mắn được thấy quả Phật thủ. Thật ra, lúc ấy, tôi không biết trong ngôi chùa ấy có trưng quả Phật thủ. Lúc đứng bên ngoài cửa (chờ người khác lạy xong để vào lạy), tôi nghe một mùi hương thật thơm (thơm như hương vani, hương vỏ quýt nhưng dễ chịu hơn và thanh thoát hơn). Thế là tôi rón rén đi vào bằng cửa phụ và lần theo mùi hương thì thấy mấy quả Phật thủ bày trên dĩa (chưa cúng). Tôi cầm thử, ngửi thử: Thật là thơm! Hèn gì người miền Bắc thích trưng quả Phật thủ trên mâm ngũ quả như vậy! Vỏ của nó cứng, da hơi sần như da bưởi nhưng toàn quả rất nhẹ (vì bên trong không có múi mà chỉ có lớp xốp).
Tôi chợt nhớ về năm lớp 7, năm ấy học văn, học đến bài viết về Hà Nội thì có hình vẽ mâm ngũ quả của người miền Bắc. Lúc ấy, cô giáo ra bài tập cho chúng tôi, đó là hãy vẽ lại mâm ngũ quả ấy. Tôi về vẽ và nghĩ: ôi, cái quả gì xấu thế này. Lúc ấy, tôi chưa biết tên của nó là “Phật thủ” nhưng rất ấn tượng vì nó lạ và xấu nhất mâm. Những ý nghĩ non nớt ấy cứ theo tôi nhiều năm, đến khi tôi xem hình quả Phật thủ trên tivi và đến khi tận tay cầm nó thì chao ôi, nó làm tôi như thức tỉnh. Ở đâu mà lại có loại quả thơm như vậy!
Xem thêm: Công dụng của quả Phật thủ
Xem thêm: Chanh dây có tác dụng gì trong chữa bệnh, nấu ăn và làm đẹp?
Tư liệu tổng hợp
- Phật thủ có tác dụng gì, có ăn được không?, https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%ADt_th%E1%BB%A7
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, trang 748.
- Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, 2004, trang 518.
- Mẫn Đào, 999 bài thuốc ngâm rượu, NXB Văn hóa dân tộc, trang 278.