Rau đắng biển là loại rau ăn quen thuộc ở miền quê, có lá nhỏ, trơn nhẵn, dày và mọng nước.

Trong y học cổ truyền, rau đắng biển được biết đến với nhiều công dụng như:
1. Điều trị mụn nhọt, ghẻ lở
Hái một nắm rau đắng biển (tươi), rửa sạch, giã nát rồi đắp lên (các này giúp giảm sưng viêm và làm mát da).
2. Điều trị sưng khớp, bong gân
Nhổ một nắm rau đắng biển (nhổ cả rễ), rửa sạch rồi để ráo và đem hơ trên lửa. Khi thấy rau héo mềm lại, bạn cho vào một cái bọc rồi cuộn gọn, lăn qua lăn lại cho rau nhĩn nhĩn nước, sau đó lấy ra và đắp lên chỗ sưng khớp, bong gân (lưu ý chỉ đắp khi rau âm ấm, nếu nóng quá thì phải đợi cho bớt nóng để tránh bỏng da).
Để thuốc không bị rơi rớt thì bạn nên lấy một miếng vải quấn nhẹ lại, khi bã thuốc khô thì ta thay phần thuốc mới (mỗi ngày đắp 2 lần). Đây là cách điều trị giúp làm ấm khớp và giảm sưng đau từ bên ngoài.
3. Điều trị rôm sảy và ghẻ
Lấy một hoặc hai nắm rau đắng biển (tươi), rửa sạch, cắt ngắn, nấu lấy nước rồi để nguội, hòa thêm chút nước cho loãng ra rồi tắm. Trong lúc tắm, bạn lấy rau ấy vò nát rồi chà nhẹ lên vùng da bị bệnh, như thế thì bệnh sẽ mau khỏi hơn.
4. Điều trị nhọt độc làm da sưng như da voi
Lấy rau tươi, rửa sạch, cắt nhỏ, nấu lấy nước rồi để nguội và rửa thường xuyên (kinh nghiệm dân gian Xrilanca).

Rau đắng biển có tên khoa học là gì?
Rau đắng biển có tên khoa học là Bacopa monnieri, thường được thu hái toàn cây làm thuốc (dùng tươi hoặc khô).
Vị thuốc rau đắng biển trong y học cổ truyền
Đúng như tên gọi, rau đắng biển có vị đắng (đắng hơn khổ qua) nên chỉ những người ăn đắng giỏi mới ăn được loại rau này.
Theo y học cổ truyền, rau đắng biển có tính mát và có nhiều công dụng như:
- Thanh nhiệt, điều trị đau mắt đỏ.
- Giúp lợi tiểu, tiêu thũng.
- Giải độc và kích thích tiêu hóa.
- Chống co thắt, tốt cho tim và hệ thần kinh (trợ thần kinh).
- Điều trị động kinh, điên rồ.
- Điều trị hen suyễn.
- Điều trị kiết lỵ có máu và mủ.
- Điều trị đòn ngã tổn thương, nhức mỏi tê bại.
Cách dùng: cắt nhỏ, nấu lấy nước uống từ 6 – 12 g mỗi ngày.
Những người không nên dùng rau đắng biển
- Phụ nữ mang thai không nên dùng.
- Trẻ nhỏ, bệnh nhân tim mạch, tiểu đường, người bị bệnh về tiêu hóa, tắc nghẽn đường tiết niệu, rối loạn tuyến giáp, phế thũng, hen suyễn… không nên dùng.
- Người sắp nhổ răng hoặc sắp phẫu thuật không nên dùng.
Khi dùng rau đắng biển cần lưu ý điều gì?
- Không dùng quá liều vì sẽ gây mệt mỏi, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa…
- Không dùng chung với các loại thuốc chống đông máu, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị tuyến giáp…
- Hỏi thêm ý kiến bác sĩ trước khi dùng làm thuốc.
Tư liệu tham khảo
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, trang 511.
- Rau đắng biển là cây gì, có tác dụng gì?, https://baonongsan.com/rau-dang-bien/