
Trong bài hát nổi tiếng “Còn thương rau đắng mọc sau hè” có câu: “Ai cách xa cội nguồn, một mình ngồi, nhớ lũy tre xanh, dạo quanh, khung trời kỷ niệm, chợt thèm rau đắng nấu canh“.
Rau đắng được nói đến ở đây là rau đắng đất (hay còn gọi là rau đắng lá vòng), có tên khoa học là Glinus oppositifolius.

Lưu ý: Rau đắng đất khác với rau đắng biển và khác với cây biển súc (cũng được gọi là rau đắng).


Tác dụng của rau đắng đất
Theo y học cổ truyền, rau đắng đất (rau đắng lá vòng) có vị đắng, tính mát và có các công dụng như:
- Kháng sinh.
- Kích thích tiêu hóa, lợi tiểu.
- Nhuận gan.
Cách dùng: lấy 20 g toàn cây rau đắng đất (đã phơi khô, thu hái tốt nhất là khi cây chưa ra hoa), cắt nhỏ rồi nấu lấy nước uống trong ngày (uống sau khi ăn 30 phút, mỗi ngày uống hai lần vào buổi sáng và chiều).
Các bài thuốc chữa bệnh từ rau đắng đất
Rau đắng đất còn được dùng trong các bài thuốc như:
1. Điều trị thoát vị đĩa đệm và nhức mỏi xương khớp
Cách dùng: Lấy nửa kg rau đắng đất (đã phơi khô, cắt ngắn), đem ngâm với 3 lít rượu trắng (rượu 40 độ). Sau một tháng, ta có thể bắt đầu uống rượu này, mỗi ngày uống hai lần.
Liều lượng: Mỗi lần uống nửa chung đến một chung nhỏ (uống sau khi ăn 30 phút).
Thông thường, sau một tháng uống rượu này thì bệnh sẽ thuyên giảm đáng kể.
Lưu ý: Người bị bệnh gan hoặc dị ứng rượu không nên dùng bài thuốc này.

2. Giúp thanh can giải độc (mát gan giải độc)
Cách dùng: Lấy 6 g rau đắng đất, 6 g muồng trâu, 5 g nhân trần, 6 g rễ cỏ tranh (tức vị thuốc bạch mao căn), 6 g cỏ xước, 5 g dành dành (tức vị thuốc chi tử), 6 g sài đất, 6 g toàn cây rau má, 6 g ké đầu ngựa, 3 g cam thảo Bắc, 6 g dây lá khổ qua và 8 g cành lá cỏ mực; tất cả cùng rửa sạch và nấu lấy nước uống.
3. Điều trị ghẻ, mụn nhọt
Lấy lá cây hoặc toàn cây tươi, rửa sạch bằng nước muối rồi giã nát, đắp lên.
4. Điều trị vàng da, tiêu hóa kém (chậm tiêu), da nổi u nhọt mề đay
Lấy một thúng dây cứt quạ và một thúng rau đắng đất (hoặc ít hơn cũng được nhưng tỉ lệ hai vị phải bằng nhau), cùng rửa sạch, nấu cho chín nhừ rồi vớt bỏ xác, sau đó lược lấy nước thuốc và tiếp tục nấu, cô đặc cho thành cao.
Cuối cùng, cho thêm mật ong hoặc đường (vừa đủ), nấu lên cho thành cao đặc rồi để dùng dần (bảo quản trong hũ thủy tinh và nên để trong ngăn mát tủ lạnh).
Cách dùng: mỗi lần múc một muỗng cà phê cao ấy, uống với nước (ngày uống 3 lần vào các buổi sáng, trưa và tối).
Tác hại của rau đắng đất
- Hiện chưa có thông tin về độ an toàn của rau đắng đất đối với bà bầu, vì vậy, các bà bầu cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
- Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng điều trị bệnh.
- Hiện nay, rất nhiều trang mạng nhầm lẫn rau đắng đất với rau đắng biển. Vì vậy, bạn cần chú ý phân biệt để dùng đúng thuốc nhé (lá rau đắng biển dày, mọng nước hơn rau đắng đất, nếu nhìn sơ qua thì có nét giống rau sam).
Tư liệu tham khảo
- Võ Văn Chi, Cây thuốc trị bệnh thông dụng, NXB Thanh Hóa, 2000.
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, trang 511.