Rau mồng tơi là loại rau quen thuộc, vừa giúp đẹp da lại vừa điều trị bệnh. Tuy nhiên, có một số lưu ý khi dùng loại rau này, bạn nhé!
Nội dung chính ⇒
1. Điều trị chứng lỗ mũi thở ra hơi nóng như lửa
Cách điều trị rất đơn giản: bạn lấy lá mồng tơi tươi (lượng vừa đủ), đem nấu canh với cua đồng (lấy cua ngâm rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước rồi đổ vào nồi canh), khi canh chín thì đổ ra tô và ăn vào buổi trưa là được (thường thì chỉ ăn một hoặc hai lần là khỏi bệnh).
2. Điều trị da khô nhăn, da nhám
Hái lá mồng tơi (chọn những lá non ở đầu ngọn, khoảng một nắm), rửa sạch rồi giã nát, sau đó vắt lấy nước và cho một tí muối vào, trộn đều rồi thoa vài lần lên da trước khi đi ngủ là được.
3. Điều trị nhức đầu do trúng nắng
Hái một nắm lá mồng tơi tươi, rửa sạch rồi giã nát nhuyễn cho sền sệt, sau đó đắp lên hai bên thái dương và đắp lên trán rồi dùng miếng vải bó lại để tránh rơi rớt, sau đó nằm nghỉ ngơi (cho chất thuốc từ lá hút cái nóng độc ra), khi thấy khô thì gỡ ra.
4. Điều trị mụn nhọt sưng tấy
Vào buổi sáng, lúc 8 giờ sáng, chọn lá mồng tơi không quá già cũng không quá non (và đang được nắng sáng chiếu xuống), sau đó dùng khăn sạch lau bụi bẩn rồi hái xuống, không cần rửa mà đem giã nát luôn, sau đó cho thêm một tí muối, trộn đều và đắp lên các nốt mụn nhọt sưng tấy (để khô thì rửa lại với nước).
5. Điều trị vú sưng nứt
Hái một nắm lá mồng tơi tươi, rửa cho thật sạch rồi giã nát cùng một tí muối, sau đó đắp lên chỗ sưng nứt (thường thì chỉ đắp vài lần là khỏi).
6. Điều trị chứng ngón tay bị độc sưng tấy
Lấy một ít lá mồng tơi giã cùng một ít muối rồi đắp lên.
Ăn rau mồng tơi có tác dụng gì?
Theo y học cổ truyền, rau mồng tơi có tính hàn và giúp lợi tiểu, nhuận tràng rất tốt. Vì vậy, nó thường được dùng như một món ăn làm thông đại tiện và điều trị táo bón.
Bên cạnh đó, rau mồng tơi còn có tác dụng hoạt thai, giúp dễ sinh. Vì vậy, phụ nữ mang thai giai đoạn đầu không nên ăn (để tránh sảy thai). Với phụ nữ sau sinh thì rau mồng tơi có tác dụng lợi sữa.
Ngoài ra, kết quả phân tích thành phần dinh dưỡng còn cho thấy rau mồng tơi giàu chất xơ, vitamin A và vitamin C (cùng các khoáng chất như Fe, Ca, Mg). Vì vậy, nó cũng giúp đẹp da và tăng sức đề kháng.
Lưu ý: không dùng rau sống (phải rửa sạch và nấu chín kỹ).
Ai không nên ăn rau mồng tơi? Tác hại của rau mồng tơi
- Người đang bị tiêu chảy, lạnh bụng… không nên ăn mồng tơi vì rau có tính mát, giúp nhuận tràng mạnh.
- Người bị Gút và sỏi thận không nên ăn vì sẽ làm cho tình trạng trầm trọng hơn.
- Phải nấu chín kỹ trước khi ăn và chỉ ăn trong ngày, không để qua đêm.
- Không nên nấu cùng thịt bò vì sẽ làm triệt tiêu chất dinh dưỡng lẫn nhau.
- Không ăn quá nhiều và nên chọn nguồn rau sạch (hoặc ăn rau tự trồng). Hiện nay, rau mồng tơi bán ở chợ rất khó đảm bảo về chất lượng (vì hay bị phun thuốc kích thích tăng trưởng).
Rau mồng tơi có tên khoa học là gì?
Rau mồng tơi có tên khoa học là Basella rubra, thuộc họ Mồng tơi.
Tư liệu tham khảo
- Rau mồng tơi thanh nhiệt, nhuận tràng, điều trị sưng tấy, https://caythuoc.org/rau-mong-toi-thanh-nhiet-nhuan-trang.html
- Tạ Duy Chân, Những phương thuốc hay – “Rau cỏ trị bệnh”, 1998.
- 5 lưu ý khi ăn rau mồng tơi, ai cũng nên biết kẻo rước bệnh, https://phunutoday.vn/5-luu-y-khi-an-rau-mong-toi-ai-cung-nen-biet-keo-ruoc-benh-d298764.html
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1.
Xem thêm: Rau má có tác dụng gì?
Từ khóa: mồng tơi có tác dụng gì?