Rau ngò gai (rau mùi tàu) là loại rau quen thuộc trong các món bún, phở, canh chua…
Mùi ngò gai làm nên hương vị đặc trưng, vừa kích thích vị giác, khứu giác lại vừa khử mùi: khử mùi cho món ăn và cả khoang miệng (sau khi ăn những món nhiều gia vị, dầu mỡ…).
Vì vậy, nhiều quán ăn thường xắt nhỏ rau ngò gai để nấu súp (cho thực khách húp vào cuối bữa ăn).
Nội dung chính ⇒
Cây ngò gai chữa bệnh gì?
Trong y học cổ truyền, rau ngò gai được biết đến với 4 công dụng chủ đạo là:
- Chuyên trục hàn tà (vì có tính ấm).
- Giúp khử mùi ô uế (nhờ hương thơm tự nhiên).
- Giải khí trướng, khử thấp nhiệt.
- Kích thích tiêu hóa.
Vì vậy, ngò gai được dùng trong nhiều bài thuốc ứng dụng như:
1. Điều trị hôi miệng, hơi thở nặng mùi
Hái 1 nắm lá ngò gai tươi, rửa sạch rồi cắt nhỏ, cho vào nồi, nấu lấy nước thật đặc rồi cho thêm một ít muối, sau đó dùng nước ấy để ngậm và súc miệng, khò họng (khoảng 3 – 4 lần mỗi ngày).
Theo kinh nghiệm dân gian thì chỉ cần thực hiện 6 ngày là hết hôi miệng.
2. Điều trị khó thở, thở mệt do khí trướng
Rau ngò gai có tác dụng giải khí trướng. Vì vậy, bạn có thể lấy nửa ký lá rau ngò gai tươi, rửa sạch, vảy cho ráo nước rồi để lá ở nơi có gió thổi cho khô héo tự nhiên.
Sau đó, lấy 40 g lá ấy, cắt nhỏ ra, nấu với 2 chén nước cho đến khi nước rút còn 1 chén nước lưng thì chia thành 2 lần uống trong ngày (uống lúc còn ấm, nếu nguội thì hâm lại hoặc để trong bình giữ nhiệt cho nước luôn ấm).
3. Điều trị đầy hơi
Lấy 10 – 16 g lá ngò gai tươi, rửa sạch, vò cho hơi nát rồi cho vào ấm, đổ nước sôi vào, hãm như trà và chia thành nhiều lần uống trong ngày.
4. Điều trị lạnh bụng, khó tiêu
Lấy 50 g lá ngò gai tươi (rửa sạch) và một ít củ gừng tươi (to bằng đốt ngón tay, thái lát mỏng rồi giã nát).
Sau đó, cùng cho hai thành phần trên vào ấm đất (hoặc ấm điện bằng sứ), đổ hai chén nước vào, nấu cho nước rút còn một chén lưng thì chia thành 2 lần uống trong ngày, mỗi lần uống cách nhau 3 giờ.
Tư liệu tham khảo
- Rau ngò gai có những tác dụng gì?, https://caythuoc.org/rau-ngo-gai-rau-mui-tau.html
- Tạ Duy Chân, Những phương thuốc hay – “Rau cỏ trị bệnh”, 1998.
Xem thêm: Rau húng quế có tác dụng gì?