Nếu bạn đang cần một loại rau lành tính giúp tăng cường thị lực thì hãy nghĩ ngay đến rau ngò rí (rau mùi).
Theo lương y Nguyễn Công Đức, đây là loại rau xanh quý giá, vừa giúp thải kim loại nặng dư thừa ra khỏi cơ thể lại vừa bổ mắt, khắc phục hiệu quả tình trạng mắt mờ, mắt khô (1).
Nội dung chính ⇒
Ngò rí (rau mùi) giúp thải kim loại nặng dư thừa
Được biết, nếu cơ thể chúng ta tích tụ quá nhiều kim loại nặng thì hệ miễn dịch sẽ bị suy giảm và dễ mắc phải các bệnh nguy hiểm như tim mạch, bệnh thận, ung thư… (với những người bị thừa chất sắt, nhất là những người bị viêm gan siêu vi C; bạn có thể thấy dấu hiệu rõ rệt vì quầng mắt của họ thường bị thâm đen và tay, chân cũng bị bầm đen (kể cả móng tay, móng chân)).
Tuy nhiên, có một điều đáng mừng là kết quả nghiên cứu cho thấy rau ngò rí có thể giúp cơ thể đào thải đến 80 % kim loại nặng khi dùng với liệu trình 42 ngày. Tuy nhiên, theo lương y Nguyễn Công Đức thì chúng ta chỉ cần dùng không quá 10 ngày là đã thấy hiệu quả (trong trường hợp cần dùng thêm, các bệnh nhân nên hỏi thêm ý kiến của thầy thuốc) (1).
Cách dùng như sau:
- Cách của lương y Nguyễn Công Đức: mỗi ngày, lấy 50 g rau tươi (bỏ rễ) rửa sạch, đem xay sinh tố rồi uống luôn xác (không dùng liên tục trong thời gian dài) (1).
- Cách dùng theo trang soha.vn: dùng rau ngò rí xay sinh tố cùng với nước ép bom (táo tây), bột lá mầm (loại nào cũng được) và cho thêm tí nước, sau đó uống (không uống liên tục quá 42 ngày) (6).
Không chỉ thế, với các bệnh nhân ung thư đang dùng hóa trị thì việc bổ sung thêm rau ngò rí cũng giúp giảm tình trạng thâm đen móng và ngón tay sau khi hóa trị, đồng thời cũng giúp da dẻ người bệnh hồng hào hơn (1).
Ngò rí (rau mùi) giúp bổ mắt, sáng mắt
Bạn biết đấy, cây rau ngò rí có hai ưu điểm đáng kể, đó là:
- Toàn cây có hương thơm dễ chịu vì có chứa tinh dầu thơm (với thành phần chính là coriandrol).
- Hàm lượng tiền vitamin A trong rau ngò rí cao gấp mười lần cà chua (2).
Chính vì vậy, ngò rí (rau mùi) được xem là loại rau số một giúp bổ mắt, bảo vệ mắt và giúp mắt sáng hơn. Nếu bổ sung rau ngò rí đúng cách, thị lực của bạn sẽ được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, dùng rau ngò rí còn giúp hạn chế rủi ro mắc bệnh đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng (3).
Theo báo Sức khỏe và đời sống, rau ngò rí còn có nhiều công dụng đáng chú ý như:
- Giúp tăng cường miễn dịch, kháng viêm.
- Giúp bảo vệ tim mạch.
- Hỗ trợ kiểm soát đường huyết.
- Giúp làm dịu thần kinh.
- Tốt cho người mất ngủ.
- Giúp xương chắc khỏe.
Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều ngò rí vì sẽ làm hao tổn cơ thể và gây nhức đầu, nôn mửa (kinh nghiệm cá nhân). Nhìn chung, bạn chỉ nên xem rau ngò rí như một loại rau gia vị, mỗi lần dùng vài cọng là được.
Trong làm đẹp, rau ngò rí cũng được biết đến là loại thảo dược lành tính giúp giảm mụn bọc, mụn trứng cá.
Cách dùng đơn giản như sau: lấy rau ngò rí xay nát, ép lấy nước (khoảng 1 muỗng) rồi cho thêm bột nghệ vào, trộn đều cho sệt sệt và thoa lên da (nên thoa vào buổi tối) (3).
Những ai không nên dùng rau ngò rí (rau mùi)
- Người bị viêm loét dạ dày tá tràng không nên dùng (1).
- Các bà bầu không nên dùng.
- Những người bị viêm phổi mãn tính và hen phế quản cũng không nên dùng.
- Những người cơ địa mẫn cảm, dễ dị ứng cần cẩn trọng khi dùng (3).
- Những người bị nhức và đau trong gót chân không nên dùng.
- Kiêng kị: Khi ăn ngò rí, không nên ăn cùng nội tạng động vật vì dễ bị ngộ độc. Ngoài ra, ta cũng không nên ăn quá nhiều vì dùng quá mức cho phép sẽ gây tác dụng phụ, làm tổn hại một số cơ quan trong cơ thể (7).
Thông tin thêm
1. Trong y học cổ truyền, rau ngò rí (rau mùi) có tác dụng gì?
Rau ngò rí (rau mùi) có vị cay nhẹ hơi the, hương thơm đặc trưng nhưng dễ chịu và có tính ôn.
Theo kinh nghiệm dân gian, rau ngò rí có tác dụng hạ sốt, giảm ho, làm tan đàm, giảm nhức đầu, giúp dễ tiêu hóa và lợi sữa.
Cách dùng: nấu lấy nước uống từ 10 – 20 g lá ngò rí mỗi ngày (không dùng liên tục trong thời gian dài) (4) (5).
2. Ăn rau ngò rí (rau mùi) mỗi ngày có tốt không?
Dù là loại rau nào cũng vậy, chúng ta chỉ nên dùng với lượng vừa phải, không nên dùng liên tục trong thời gian dài vì sẽ gây tác dụng phụ. Khi dùng làm thuốc, ta cũng phải dùng đúng liều cho phép, không vì gấp gáp, mong mau khỏi bệnh mà lạm dụng.
Mặt khác, theo thói quen, khi nấu canh hay hầm khổ qua, nấu cà ri, nấu lẩu, làm bánh mì thịt…, ta thường cho thêm một vài cọng rau ngò rí lên trên để vừa trang trí, vừa làm rau gia vị cho món ăn. Với các trường hợp này, liều lượng dùng thường không đáng kể.
Tắm nước mùi già vào ngày Tết là gì? Lưu ý khi tắm nước rau mùi
Nhiều gia đình ở miền Bắc có truyền thống tắm nước rau mùi vào ngày 30 Tết. Những cây được chọn là cây già, đã ra hoa, đậu quả và có hương thơm rõ rệt.
Sau khi mua về, ta rửa sạch, cho vào nồi và nấu cho sôi thì chắt lấy nước, pha loãng ra, để nguội lại rồi tắm. Hương thơm rau mùi giúp thư thái tinh thần, xả stress và gợi cho người tắm cảm giác được thanh tẩy hết những phiền muộn, ô trược, xui xẻo… trong năm vừa qua.
Tuy nhiên, có một số điều cần lưu ý khi tắm nước mùi già là không tắm khi đang no, không tắm cho trẻ em, không tắm cho những người có cơ địa nhạy cảm và những người bị thương, bị mắc các bệnh về da. Ngoài ra, ta cũng không nên tắm nước nấu quá đặc mà phải pha loãng ra (5).
Xem thêm: Ăn rau răm có ảnh hưởng đến sinh lý nam nữ không?
Tư liệu tổng hợp
- Những món ăn có lợi cho mắt, https://www.youtube.com/watch?v=041We7Bf3ts, ngày truy cập: 11/ 02/ 2021.
- Vì sao tắm nước lá mùi già vào cuối năm, báo dân sinh.
- Rau ngò rí có tác dụng gì, trang sức khỏe đời sống.
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 417.
- Tác dụng điều trị bệnh của rau ngò rí (rau mùi), https://caythuoc.org/tac-dung-dieu-tri-benh-cua-rau-ngo-ri-rau-mui.html
- Công dụng làm thuốc của rau mùi ngò rí, trang soha.
- Lưu ý khi ăn rau ngò rí, trang cafebiz.