Cây nhàu, trái nhàu trị bệnh gì? Hãy cùng chúng mình tìm hiểu nhé!
***
Nhiều người lớn tuổi ở quê mình thích ăn trái nhàu còn trẻ con thì sợ vì “nó ngai ngái hôi rình”, lại còn cay nồng nữa chứ.
Nội dung chính ⇒
1. Trái nhàu có tác dụng gì, dùng để làm gì?
Ngày nhỏ, mình ăn trái nhàu chín rất nhiều vì theo ông bà mình thì nó giúp lưu thông máu huyết, tốt cho trí não, hỗ trợ tiêu hóa, nhuận tràng lợi tiểu và chống đau mỏi.
Nếu không có trái nhàu chín, bạn cũng có thể lấy trái nhàu già có màu trắng đục (nhàu non có màu xanh, khi già màu trắng đục, lúc chín sẽ trắng trong), cắt khoanh có độ dày tầm 2 cm, đem phơi cho ráo mặt rồi ngâm với đường phèn.
Cụ thể: bạn cứ xếp một lớp nhàu thì một lớp đường phèn và đến lớp nhàu trên cùng thì bạn bỏ vào 3 lát gừng mỏng đã gọt sạch vỏ, sau đó mới bỏ thêm lớp đường phèn trên cùng. Tỉ lệ là 1 kg trái nhàu tươi ngâm với 400 g đường phèn, ngâm từ 20 đến 30 ngày có thể lấy ra dùng (mỗi lần dùng thì uống nửa chung nhỏ – loại chung mà ông bà ta hay dùng rót rượu).
2. Trái nhàu ăn như thế nào, ăn sống được không?
Với mình thì mình hái trái nhàu già, gần chín, đem bỏ vô hũ muối, đợi 2 đến 3 ngày cho chín mềm, tỏa ra mùi hương đặc trưng là có thể ăn.
Cách ăn này đặc biệt bởi vị cay tê đầu lưỡi, mặn mặn của muối và mùi hương không thể nào quên.
Lúc ông mình còn sống, ông hay bảo với mình rằng: cây nhàu trị nhức mỏi rất hay. Thời còn con nít thì biết gì nhức mỏi, vậy mà, thấy người lớn ăn thì mình cũng bắt chước ăn.
Thật ra, lúc đầu mình cũng không ăn được đâu. Mình chỉ thích ra cây, hái trái già, đem bỏ vô hũ muối cho người lớn ăn.
Mình nhớ mãi những ngày còn thơ, những buổi trưa nắng lên thì buồn buồn, chạy ra gốc cây nhàu chơi cho mát, rồi lụm mấy trái chín rụng, phủi sạch và chất vào hũ muối.
Lúc đầu, mình chỉ ăn được một ít, từ từ ăn được cả trái rồi ghiền lúc nào không hay. Con nít ở quê cái thời của mình là vậy: quanh nhà có trái gì thì ăn trái đó. Mọi thứ đều rất đơn giản. Vì vậy, bây giờ nhìn lại thì thấy nhớ nhiều lắm! Loại trái đơn sơ ngày nào với biết bao công dụng.
3. Trái nhàu trị mụn cóc
Gần đây, mình mới phát hiện một công dụng nữa từ trái nhàu chín, đó là điều trị mụn cóc (nổi ké). Hôm trước, ngón tay giữa của mình bị nổi ké, mặc dù không gây đau đớn nhưng nó cứ lớn lên, gây cộm cộm khó chịu. Mình dùng kềm hoặc lưỡi lam cắt da đi thì khi cắt vào chân mụn lại đau, chảy máu. Cắt được vài ngày, mụn cóc lại nổi lên, xù xì như cũ.
Lúc đó, mình định đi bắn laser để trị mụn cóc, nhưng rồi mẹ mình bảo cứ đi ra ngoài cây nhàu, kiếm trái chín, xong dùng tay cào cào nhẹ bề mặt mụn rồi lấy một chút nhàu chín đắp lên, để đến khi thấy miếng nhàu nó rút khô ráo thì gỡ bỏ. Mỗi ngày, đắp từ 2 đến 3 lần như thế, không cần đúng buổi sáng trưa chiều.
Vì vậy, mình rảnh khi nào thì đắp khi đó, đắp khoảng 2 ngày là đầu mụn cóc chai cứng lại. Lúc này, mình lấy cây kềm, rửa sạch rồi cắt đi phần chai cứng đó, đợi khoảng 2 tiếng sau thì lại lấy thịt trái nhàu chín đắp lên. Sau đó, ngày nào mình cũng đắp trái nhàu chín như thế (một vài lần).
Chưa đến 1 tuần, nốt mụn cóc biến mất và không mọc lại nữa.
4. Lá nhàu non hấp cá đuối, món ăn ngon tốt cho sức khỏe
Ngày nhỏ, mình hay được ăn món này nhưng khi lớn lên, những chỗ mình từng đến thì chưa thấy ai nấu. Món mình nhắc đến ở đây là món lá nhàu non hấp cá đuối – một món ăn rất bổ.
Đây là một món không dễ ăn khi lần đầu nếm thử vì lá nhàu có vị hơi đắng. Tuy nhiên, khi đã ăn quen thì bạn sẽ bị ghiền.
Và cũng như các bộ phận khác đã nêu ở trên, lá nhàu cũng rất tốt cho các bệnh đau nhức xương khớp (cũng như các vấn đề về hệ tiêu hóa). Ngoài ra, lá nhàu còn giúp làm mát cơ thể, điều hòa kinh nguyệt ở phụ nữ và tăng cường sức đề kháng.
Cách chế biến:
- Cá đuối và lượng rau dùng tùy thích nhé (ngày trước, ở nhà mình, mỗi khi mẹ mình mua được cá đuối thì sẽ ra trước nhà hái lá nhàu non, có bao nhiêu thì hái bấy nhiêu vào nấu).
- Bạn làm sạch cá đuối như khi chế biến các món ăn khác, sau đó, bạn ướp cá đuối với nước mắm, muối, đường, bột nêm theo khẩu vị gia đình.
- Bạn cắt vài tép sả, rửa sạch, đập cho giập giập rồi xếp một lớp ở dưới đáy nồi (hoặc xửng hấp, khuôn, tô sành, đồ đựng bằng thủy tinh… đều được), sau đó cho cá đuối (đã ướp) lên.
- Lấy lá nhàu, rửa sạch, cắt nhỏ rồi cho lên trên lớp cá, cho thêm 2 muỗng dầu ăn và 2 muỗng nước lọc vào.
- Lấy nồi hấp, đổ nước vào, bắt lửa lớn rồi cho cái xửng chứa nguyên liệu vào, đậy nắp lại. Bạn hấp cho đến khi thấy bắt đầu có hơi thoát ra khỏi nắp nồi thì hạ lửa vừa vừa, hấp trong thời gian 20 phút là món ăn đã hoàn thành.
- Nếu thích, bạn có thể cho thêm mỡ hành và sả phi lên cá để tăng mùi vị. Bạn cũng có thể thay cá đuối bằng lươn hoặc thịt bò, món này cũng rất bổ dưỡng, giúp phục hồi sức khỏe cho người bị suy nhược.
5. Nhánh và rễ cây nhàu trị bệnh gì?
Cành nhánh: Hồi còn nhỏ, nhà mình có mấy cây nhàu to ở trước nhà, lâu lâu lại thấy có người đến xin mấy cành về làm thuốc. Không biết họ sử dụng ra sao nhưng với ông mình thì cành cây nhàu sẽ được chặt nhỏ, phơi khô rồi kết hợp với một số loại cây khác quanh nhà như tầm gửi trên cây tràm gió, ngà voi, ngũ trảo, đậu săng…, tất cả đều được cắt nhỏ, phơi khô rồi lấy mỗi thứ một ít, cùng đem đi sắc uống. Đây là bài thuốc mà ông mình dùng để điều trị đau lưng cho cha mình sau mấy ngày mắc mưa hay ngâm mình dưới nước ngoài đồng.
Bây giờ, ông mình đã mất, vì vậy, mình cũng không thể chia sẽ chi tiết liều lượng bài thuốc như thế nào. Vì vậy, mình chỉ xin nêu ra ở đây để làm tư liệu tham khảo, đối chiếu cho những bạn yêu thích công dụng của cây nhàu.
Rễ: Còn với rễ cây nhàu thì cách dùng đơn giản hơn.
Cây nhàu to, bạn đào quanh gốc nó, cắt lấy vài cái rễ cần dùng (để cây vẫn có thể sống tiếp). Rễ cây nhàu khi chặt ra có màu vàng rất đẹp và sau khi đào xong thì mẹ mình sẽ chặt nhỏ, phơi khô rồi đem bỏ vào chảo, rang lên (không để cháy), sau đó đổ trực tiếp xuống đất cho nguội lại thì đem lên, cho vào keo để bảo quản (dân gian gọi là “sao vàng hạ thổ). Mỗi lần dùng, mẹ mình lấy một ít, hãm với nước sôi thành trà cho cha và ông uống. Hồi ấy, tụi con nít trong nhà cũng hay uống ké một ít vì trà này rất dễ uống.
Theo lời ông mình trà rễ nhàu giúp dễ tiêu hóa, điều trị đau mỏi cơ thể, đau nhức xương khớp, tốt cho người cao huyết áp và giúp ngủ ngon hơn.
Lưu ý
- Người huyết áp thấp không nên dùng nhàu.
- Không dùng cho phụ nữ có thai vì nhàu có công dụng hoạt huyết, có thể làm sẩy thai.
- Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc đông y trước khi dùng làm thuốc.
Các sách y học nói gì về công dụng làm thuốc của cây nhàu?
A. Theo công trình Từ điển cây thuốc Việt Nam của nhà nghiên cứu y học Võ Văn Chi thì:
- Cây nhàu có tên khoa học là Morinda citrifolia và có nhiều tên gọi khác nhau như: nhàu rừng, nhàu núi, nhàu lớn…
- Rễ cây thường được dùng làm thuốc nhiều nhất, phơi khô rồi mới dùng.
- Quả và lá cây thì dùng tươi.
1. Rễ cây nhàu điều trị bệnh gì?
Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Chi thì rễ cây nhàu có tác dụng:
- Hạ huyết áp, chữa bệnh cao huyết áp.
- Giúp nhuận tràng, chống táo bón và giúp lợi tiểu nhẹ.
- Làm êm dịu thần kinh giao cảm, chữa bệnh nhức lưng và nhức mỏi chân tay.
- Chữa bệnh sài uốn ván.
Cách dùng rễ cây nhàu làm thuốc chữa bệnh: lấy rễ cây, chặt nhỏ ra, phơi khô rồi mỗi lần uống thì lấy 30 g, nấu lấy nước uống.
2. Lá cây nhàu điều trị bệnh gì?
Theo y học cổ truyền thì lá cây nhàu giúp:
- Tăng sức lực, bồi bổ cơ thể (nấu canh ăn).
- Hạ sốt, chữa trị cảm sốt.
- Điều kinh.
- Chữa kiết lỵ, tiêu chảy.
Cách dùng lá nhàu làm thuốc chữa bệnh như sau: mỗi ngày, hái từ 8 – 10 g lá nhàu tươi, xắt nhỏ ra rồi nấu lấy nước uống.
Dùng ngoài da: Để giúp vết thương mau lên da non, bạn có thể hái một ít lá nhàu tươi, rửa sạch rồi giã nát, sau đó vắt lấy nước, thoa lên vết thương (vết loét).
3. Rượu nhàu có tác dụng gì? Cách ngâm rượu nhàu
Rượu từ rễ cây nhàu hoặc trái nhàu non đều có công dụng điều trị đau mỏi lưng, nhức mỏi chân tay.
Cách ngâm như sau: Lấy nửa kg rễ cây nhàu (đã thái mỏng, phơi khô, sao vàng) hoặc trái nhàu non (thái mỏng, không cần phơi khô), đem ngâm với 2 lít rượu trắng (rượu 40 – 45 độ), sau 1 tháng là có thể dùng. Mỗi ngày, trong bữa ăn, bạn uống 1 chung rượu nhỏ là được (lưu ý người bị bệnh gan không được uống).
4. Cách dùng rễ cây nhàu trị cao huyết áp
Với bệnh cao huyết áp thì bạn nhổ rễ nhàu lên, rửa sạch, chặt mỏng rồi phơi khô. Mỗi ngày, bạn lấy khoảng 30 – 40 g, nấu lấy nước uống (như uống trà).
Sau nửa tháng, bệnh sẽ thuyên giảm. Lúc này, bạn giảm liều lượng xuống dần, uống khoảng vài ba tháng là sẽ khỏi bệnh.
Hiển nhiên, trong quá trình dùng thuốc, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ về tình trạng của bạn và đo huyết áp định kỳ để theo dõi bệnh nhé!
***
B. Theo công trình Cây thuốc Nam thông dụng trị liệu trong gia đình thì lá nhàu và trái nhàu còn có các công dụng sau:
5. Trái nhàu ngâm đường trị bệnh gì?
Trái nhàu ngâm đường có công dụng bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe và khả năng miễn dịch.
Bên cạnh đó, nó còn giúp điều hòa huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh viêm nhiễm.
Và đặc biệt, trái nhàu ngâm đường còn giúp hỗ trợ cơ thể phục hồi các tế bào bị thương tổn, suy yếu.
Ngoài ra, với những người bị đau nhức cơ thể, hay mệt mỏi thì bài thuốc này cũng hỗ trợ rất tốt.
Cách sử dụng:
- Lấy trái nhàu (chọn trái già, có màu trắng đục, còn cứng), rửa sạch, để ráo rồi ủ cho nó chín.
- Sau khi trái nhàu được ủ chín, bạn xắt mỏng ra rồi trộn với đường cát (mua loại đường cát vàng), tỉ lệ là 1 kg trái nhàu với 200 g đường.
- Cho nguyên liệu vào keo thủy tinh, đậy nắp lại.
- Sau 15 ngày, bạn có thể chắt nước ra để uống. Liều lượng: mỗi bữa ăn thì uống 1 – 2 chung nhỏ.
6. Lá cây nhàu phơi khô trị bệnh gì?
Ngoài cách hái lá nhàu non để hấp hoặc nấu canh ăn (giúp bồi bổ) thì dân gian còn lấy lá nhàu, đem phơi khô, cắt nhỏ ra rồi nấu lấy nước uống hàng ngày (liều lượng từ 30 – 40 g). Nước thuốc này có công dụng điều trị chứng nhức đầu thường xuyên, kiết lỵ và các bệnh sốt rét.
Biên soạn: Nhi – Sen
Tư liệu tham khảo
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, NXB Y học, trang 344.
- Tuệ Minh – Dương Thiên, Cây thuốc Nam thông dụng trị liệu trong gia đình, trang 70.
Xem thêm: Công dụng của đường Thốt Nốt
Keyor cây nhàu trị bệnh g