Hẳn bạn đã một vài lần nghe mọi người than vãn về hôn nhân, rằng “hôn nhân là nấm mồ của tình yêu”.
Thế nhưng, thực sự không phải như vậy.
Bạn có tin: hôn nhân là một hiện thân khác của tình yêu và hôn nhân mới là nơi chứng minh cho sự vững mạnh của tình yêu thực sự.
Bởi vì những tình yêu không đủ vững mạnh thì sẽ tan vỡ trước hôn nhân, hoặc tan vỡ sau hôn nhân.
Vậy, sự thật nào chúng ta phải hiểu để có một hôn nhân bền vững?
Đó là: Sẽ có lúc bạn thấy vợ (chồng) không còn hiểu nhau, không còn thương yêu nhau nữa.
***
Văn hóa nhân loại luôn ngợi ca mối quan hệ “tâm giao”, “tri kỷ”; vì vậy, trong tâm thức chúng ta, chúng ta đều muốn lấy một người vợ (người chồng) có thể hiểu mình như tri kỷ vậy.
Thế nhưng, sự hiểu nhau không bao giờ là tuyệt đối vì chúng ta là những con người khác nhau, lớn lên trong những hoàn cảnh khác nhau và suy nghĩ cũng khác nhau. Cho nên, sẽ có lúc bạn thấy chồng mình (vợ mình) không hiểu mình và bắt đầu thất vọng!
Bởi vì bạn muốn có một tình yêu đẹp, trọn vẹn, thiêng liêng đầy hạnh phúc – như bạn từng nghĩ đến (trước khi kết hôn).
Nhưng thực tế thì lại khác!
Bạn thấy mệt mỏi, chán người kia.
Cho nên, bạn bắt đầu nghĩ: có lẽ mình đã chọn sai người. Và bạn bắt đầu tìm cách thoát khỏi mối quan hệ ấy.
Và khi lòng bạn đã có ý định muốn thoát ly thì hoàn cảnh bên ngoài sẽ bắt đầu tác động. Những “tri kỷ” ngoài kia sẽ bắt đầu xuất hiện.
“Thì ra cô ấy (anh ấy) mới là tình yêu đích thực của mình!”.
Éo le thay, khi bạn đến với người mới được một thời gian thì mọi thứ lại y như đã xảy ra với người cũ. Bạn lại bắt đầu thấy không hợp, không còn hiểu nhau, không còn cảm xúc… (dù trước đây bạn từng thấy rất hợp – nên bạn mới chọn họ chứ!).
Và rồi bạn tự hỏi: ai mới là chân mệnh của tôi?
Sự thật là sẽ không có ai như vậy. Vì bạn là duy nhất và người hợp với bạn nhất chỉ có chính bạn.
Vì vậy, khi quyết định tiến tới hôn nhân, bạn phải hiểu rằng: bạn đang dấn thân để trở thành một cái tôi khác hơn, có thể dung hòa với một cái tôi khác nó.
Bước vào hôn nhân, nghĩa là bạn sẽ xây một ngôi nhà tình yêu mà chỗ nào sai thì sẽ chỉnh sửa chứ không phải đập bỏ.
Và bạn sẽ cần cắt bớt những góc cạnh của mình để không làm tổn thương người kia, đồng thời cũng để chính mình trở nên tròn vẹn hơn.
Cho nên, có người nói:
Trải qua tình yêu và hôn nhân, con người mới bớt tự cao; thấu đáo hơn và bao dung hơn.
Không chỉ thế, hôn nhân còn là môi trường để mỗi người tự rèn luyện. Phải có một người khác bạn, đối chiếu bạn, bạn mới thấy rõ cái tôi của mình và lúc này, bạn sẽ nhìn thấy nó, quản lý nó (chứ không phải thấy cô ấy/ anh ấy khác mình quá và thất vọng, cho rằng mình đã chọn sai người!).
Sau khi nhìn rõ cái tôi của mình, bạn cũng sẽ thấu hiểu và trân trọng cái tôi của người kia (chứ không phải phóng đại chính mình lên, rằng “tôi là con người như vậy, ở được thì ở, không được thì thôi!”).
Cho nên, hôn nhân là để mỗi người chững chạc hơn, thấu đáo hơn, biết cách yêu hơn.
Và ai đủ bản lĩnh thì sẽ vượt qua những thử thách của nó. Ai không đủ bản lĩnh thì sẽ bỏ cuộc và đi tìm mục tiêu khác, bắt đầu lại từ đầu.
***
Hiển nhiên, cũng cần nói rằng hôn nhân chỉ có nghĩa khi cả hai còn yêu thương nhau và xứng đáng với nhau.
Ngược lại, nếu người kia bạo lực, phản bội hay tệ bạc… thì chúng ta cần xem xét lại để lựa chọn con đường hạnh phúc cho mình.
Suy cho cùng, chúng ta đến với hôn nhân là vì hạnh phúc.
Vậy nên, nếu không thấy hạnh phúc nữa mà chỉ thấy bất hạnh, khổ sở, nguy hiểm… thì chúng ta có quyền suy nghĩ và quyết định dừng lại.
***
Hy vọng mọi người không sợ hôn nhân nhưng cũng đừng hời hợt, bất chấp lao vào.
Hôn nhân là môi trường rèn luyện cái tôi của mình, với những hạnh phúc và cả những vấn đề của nó.
Thế nhưng, như ông bà, cha mẹ chúng ta đã từng; đến thế hệ chúng ta, cũng sẽ bước qua giai đoạn trọng đại này.
Có thể là bình phàm giản đơn, cũng có thể là rất nhiều sóng gió.
Thế nhưng, tình yêu đích thực chưa bao giờ sợ bất kỳ điều gì.
Chỉ sợ chúng ta không có tình yêu đích thực mà thôi.
***
Đến đây, mình muốn nhắn nhủ riêng với phụ nữ, đó là:
Chúng ta yêu bằng con tim nhưng cũng cần lý trí.
Chỉ có tỉnh táo, chúng ta mới nhận ra ai là người yêu mình thật lòng, ai là hời hợt, mua vui.
Chỉ có tỉnh táo, chúng ta mới nhìn ra ai sẽ là người chồng tồi, ai sẽ là người chồng tốt.
Và trước hôn nhân (giai đoạn hẹn hò), chúng ta dễ thương, đáng yêu như thế nào,
Thì trong hôn nhân, chúng ta cũng hãy giữ cho mình sự dễ thương, đáng yêu như vậy.
Dù cho công việc nhiều hơn, trách nhiệm nhiều hơn, bạn cũng đừng trút sự mệt mỏi ấy lên những người xung quanh.
Mà hãy tìm cách cân bằng nó, bỏ bớt những việc không quan trọng để bản thân thêm có thời gian chăm sóc, yêu thương chính mình.
Rất nhiều đàn ông đã thốt lên: Người vợ của tôi không còn giống như người mà tôi đã từng yêu nữa. Ngày trước cô ấy rất dễ chịu, rất đáng yêu, không phàn nàn; bây giờ thì ngược lại hoàn toàn. Y như một người khác vậy. Tôi không thể tưởng tượng nổi.
Và rất nhiều phụ nữ cũng đã phàn nàn về chồng của mình như vậy.
Rõ ràng, rất nhiều cặp vợ chồng đã không giữ được sự đáng yêu của mình trong hôn nhân. Chúng ta trút giận lên nhau chứ không còn yêu thương, tử tế, trân trọng nhau như trước nữa.
Chúng ta nghĩ rằng đã là vợ chồng thì cần gì phải kiêng nể nữa, cứ phô hết ra.
Thế nhưng, chúng ta không biết rằng dù đã là vợ chồng bao nhiêu năm thì mỗi người đều mang trong mình một tâm hồn rất nhạy cảm, dễ tổn thương.
Dù đã là vợ chồng, cô ấy (anh ấy) cũng rất cần được yêu thương, vỗ về, chiều chuộng.
Cô ấy (anh ấy) cũng thích được nghe những lời ngọt ngào, nhỏ nhẹ như trước đây; thích được quan tâm chứ không phải kiểm soát.
Vì vậy, hãy để hôn nhân là cánh cửa của tổ ấm, nơi tình yêu trú ngụ. Đừng biến nó thành nhà tù ngột ngạt.
Hãy luôn giữ tâm thế thoải mái, không ép buộc người, cũng không ép buộc mình.
Hãy chắp thêm đôi cánh cho tình yêu, để nó tự do.
Và tôn trọng người kia, vì họ không chỉ là chồng mình (vợ mình) mà còn là một con người với những sở thích riêng, ước mơ riêng, cách sống riêng.
Đừng bắt họ phải biến thành mình: phải đảm đang như mình, biết lo lắng như mình, bản lĩnh như mình… vì căn bản, họ vốn không phải là mình.
***
Cuối cùng, có một câu nói làm kim chỉ nam cho tình yêu, đó là:
Yêu thì phải hạnh phúc. Nếu yêu mà không thấy hạnh phúc thì e rằng thì đó cũng không phải là tình yêu đích thực!
Xem thêm: Vì sao có những người phụ nữ không giỏi nhưng rất được chồng yêu?