Nội dung chính ⇒
Ăn rau răm làm tăng hay giảm ham muốn?
Nhiều chị em thường hấp gà cùng với rau răm cho chồng ăn để cải thiện chuyện chăn gối. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, người chồng ăn xong vẫn không thấy có sự cải thiện gì mà ngược lại còn “xa lánh” người vợ hơn. Vì sao như vậy?
Theo lương y Nguyễn Công Đức thì rau răm là một loại rau gia vị khá đặc biệt: nếu ăn với lượng vừa phải thì sẽ kích thích ham muốn tình dục nhưng ăn nhiều thì lại ức chế ham muốn tình dục.
Lương y Hoàng Duy Tân thì nói rõ hơn: Rau răm có vị đắng, cay, có tính kích thích tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu ăn quá 20 g mỗi ngày thì rau răm sẽ ức chế “tính bốc nóng” và sự ham muốn tình dục của phái mạnh.
Một ví dụ điển hình là: khi chúng ta ăn hải sản (như tôm, cua, sò…) hoặc uống các loại thuốc có nguồn gốc từ biển thì vị mặn của chúng sẽ dẫn vào thận, khiến cho “cường thận” và tăng ham muốn tình dục.
Lúc này, quý ông sẽ thấy rạo rực, khó chịu, muốn giải tỏa sinh lý. Vì vậy, để điều hòa lại trạng thái của thận, dân gian mới dùng thêm rau răm vào để tản sự hưng phấn đó ra. Nói cách khác, vị cay của rau răm sẽ điều hòa tính bốc nóng ấy, làm tản nó ra và đưa thận trở về trạng thái cân bằng (“tân nhi tán chi“).
Như vậy, quay trở lại với trường hợp gà hấp rau răm hay canh thịt bò rau răm thì nếu dùng ít (vài lá), món ăn sẽ phát huy công dụng “tẩm bổ” của nó. Ngược lại, nếu cho quá nhiều rau răm (hơn 20 g) thì có thể làm giảm hưng phấn tình dục.
Rau răm có gây vô sinh đối với nam giới và nữ giới không?
Trước tiên, cần nói rằng nếu thỉnh thoảng ta ăn rau răm một lần thì sẽ không bị vô sinh và nếu ăn với liều lượng phù hợp (không quá 20 g/ ngày) thì cũng không làm giảm nhu cầu sinh lý của nam nữ trong ngày hôm đó.
Tuy nhiên, nếu ăn nhiều thì rau răm trong thời gian dài thì sẽ làm giảm cảm hứng tình dục. Được biết, nhiều người tu hành trước đây thường chọn cách ăn rau răm để kiềm chế lại những ham muốn sinh lý, tránh phạm giới nhà tu.
Trường hợp ăn rau răm với hột vịt lộn
Một trường hợp phổ biến khác là ăn rau răm cùng với hột vịt lộn. Thông thường, chúng ta chỉ ăn vài lá để tăng hương vị và điều này không làm giảm nhu cầu sinh lý.
Mặt khác, đây là sự kết hợp có chủ ý của dân gian trong lựa chọn ẩm thực. Ta thấy, hột vịt lộn là thực phẩm có tính bổ mà cơ thể con người, hễ dung nạp nhiều thứ bổ quá thì sẽ đầy ứ, khó tiêu. Do đó, ông bà ta kết hợp với rau răm là để giúp dễ tiêu hơn (trường hợp rau răm xào thịt bò cũng vậy: thịt bò giàu dinh dưỡng nên khó tiêu, vì vậy, nếu xào với khóm (dứa) thì nó giúp thịt bò mềm nhưng nếu xào với rau răm thì nó sẽ giúp thịt bò được tiêu hóa tốt hơn).
Ngoài ra, vào dịp tất niên hay lễ tiệc, mọi người thường phải nạp nhiều thức ăn khiến cho hệ tiêu hóa bị áp lực, khó tiêu. Trong trường hợp này, ta cũng có thể lấy vài lá rau răm, giã nát ra rồi vắt lấy nước uống. Nếu không chịu được mùi hăng cay của rau răm, bạn có thể luộc lên rồi chắt nước ra, đợi bớt nóng thì uống.
Ăn rau răm có tốt không? Ai không nên ăn rau răm?
Rau răm có vị đắng, cay, tính ấm và có công dụng chủ đạo là làm ấm bụng, kích thích tiêu hóa. Vì vậy, rau răm phù hợp với những người hay bị lạnh bụng, khó tiêu, hay ợ chua hoặc đau bao tử do hư hàn, ban đêm bụng kêu ọt ọt…
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp không nên dùng rau răm, chẳng hạn như:
- Những người thể tạng nhiệt, máu nóng, bị đau bao tử (đau dạ dày) do nóng… thì không nên ăn rau răm.
- Các chị em đang trong kỳ kinh nguyệt (đang có kinh) không nên ăn rau răm vì nó có thể làm tắc kinh hoặc dẫn đến các vấn đề xấu về kinh nguyệt (có lẽ cũng vì điều này mà các bà mẹ vẫn thường nhắc các cô con gái của mình không nên ăn quá nhiều rau răm). Được biết, phụ nữ đang hành kinh mà ăn nhiều rau răm thì chân huyết sẽ khô đi.
- Không nên dùng một lượng lớn rau răm trong ngày vì sẽ gây hại cho bao tử, làm loét niêm mạc dạ dày.
- Phụ nữ mang thai không nên ăn rau răm (hay trứng vịt lộn với rau răm) vì có thể bị sảy thai, băng huyết. Thậm chí, ở những lần có thai sau cũng sẽ dễ bị băng huyết.
Cách giải độc tố của rau răm: Theo lương y Hoàng Duy Tân thì các bà bầu nếu lỡ ăn rau răm và bị băng huyết thì tìm ngay lá chanh, hái khoảng 200 g lá tươi, rửa sạch rồi nấu lấy nước uống. Như vậy sẽ giúp giải được độc tố của rau răm.
Xem thêm: Ăn và uống nước rau má có công dụng gì?
Tư liệu tổng hợp
- Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 604.
- Chữa đau bao tử thể hư hàn (đầy bụng, ợ hơi, sôi bụng) bằng rau răm, https://www.youtube.com/watch?v=coWS7ww-hQY&list=LL&index=1
- Rau Răm – LY. Nguyễn Công Đức ( năm 2002), https://www.youtube.com/watch?v=Kt_iWFJRaA8&list=LL&index=3