Hoa tân di hay được dùng làm dược liệu là hoa gì?
Nhiều người nghĩ rằng hoa tân di là hoa mộc lan tím, thật ra không phải như vậy!
Hoa tân di (辛夷) là một loại mộc lan có hoa màu tím nhưng khác với mộc lan tím ở chỗ: cánh hoa tân di có màu tím bên ngoài, màu trắng bên trong (còn cánh hoa mộc lan tím thì tím cả hai mặt).


Vị thuốc tân di trong dược điển
Trong Đông y, vị thuốc tân di chính là nụ hoa của cây tân di, đem phơi khô.

Nụ hoa này (sau khi phơi khô) sẽ có màu vàng nhạt hoặc màu vàng nâu, phủ đầy lông mao bên ngoài và lớp lông mao này khá dày. Khi bẻ ra, bạn sẽ thấy mép trong của nó không có lông và có màu nâu đen.
Về mùi vị thì tân di có mùi hương đặc trưng, thơm se, khi ngửi sẽ có cảm giác chua và cay.
Và bạn biết đấy, nghĩa gốc của từ “tân di” trong Hán ngữ có nghĩa là “cay” (tân) và “bình ổn” (di). Đây cũng là 2 tính chất của vị thuốc này: cay nhẹ, tính ôn ấm nhưng không nóng.
Hiện nay, vì có sự nhầm lẫn giữa hoa tân di và hoa mộc lan tím mà nhiều nơi đã dùng chung nụ hoa của hai loại này để làm vị thuốc tân di. Nhìn chung, công dụng làm thuốc của chúng cũng không khác nhau nhiều, tuy nhiên, cần nói rõ rằng vị thuốc tân di thực thụ, được ghi chép trong y văn (Dược điển Trung Quốc 1963, 1997) phải là nụ hoa của cây tân di (cánh hoa có màu tím bên ngoài, màu trắng bên trong – như đã nói ở trên).

Tên gọi khác: nụ hoa tân di khi khô lại sẽ có hình dáng như ngọn bút lông, vì vậy, nó còn được gọi là mộc bút hoa (木筆花).
Tân di có công dụng gì?
Tân di có mùi hương đặc biệt, tuy nhiên, với nhiều người thì mùi của nó hơi ngái nên khó ngửi. Về tính vị và quy kinh thì tân di có vị cay, tính ấm, thông vào kinh Phế (phổi), Vị (dạ dày)…
Theo công trình Thuốc Bắc thường dùng và Cây thuốc bài thuốc & biệt dược thì tân di có các công dụng sau:
– Tán phong nhiệt, tán hàn.
– Giúp giải biểu (thúc đổ mồ hôi), điều trị cảm lạnh, phong hàn.
– Giúp thông khiếu, thông lỗ mũi, giảm chảy nước mũi, nghẹt mũi.
– Điều trị viêm xoang, viêm mũi nhức đầu (nhờ tác dụng thông khiếu và làm co các mạch máu ở niêm mạc mũi).
– Điều trị nhức đầu phong khiến cho người bệnh có cảm giác đau nhói trong óc não.
– Giúp giảm huyết áp.
Theo sách Bản kinh – y văn cổ điển của Trung Quốc thì hoa tân di có bản chất là cay nhưng tính ôn hòa. Nó giúp sáng mắt và chuyên điều trị các chứng như: nhức đầu, chóng mặt, đau màng óc, sốt rét.
Còn theo sách Biệt lục thì dùng hoa tân di sẽ tốt cho râu tóc, ngoài ra còn giúp trị nghẹt mũi, nhức răng, đau bao tử và giun lãi. Không chỉ thế, đây còn là vị thuốc chuyên giải các chất độc liễm ngoài da.
Cách dùng làm thuốc: nấu lấy nước uống từ 3 – 10 g mỗi ngày. Khi nấu, bạn nên bẻ nhỏ ra và nếu có túi vải sạch thì nên cho vào túi vải (để tránh lông của nó rụng ra, làm nhót cổ khi uống thuốc), sau đó, bạn mới cho vào nồi, đổ một ít nước vào, nấu bằng lửa nhỏ, đợi nước sôi từ 5 – 7 phút thì tắt bếp, để nguội và uống trong ngày.

Lưu ý khi dùng dược liệu tân di
- Người âm hư hỏa vượng, hay bốc hỏa không được dùng vì thuốc có tính ấm, sẽ làm cho tình trạng “hỏa vượng” trở nên nặng hơn.
- Phụ nữ mang thai không được dùng vì sẽ gây sảy thai. Phụ nữ sau sinh, đang cho con bú cũng không nên dùng.
- Người có dùng rượu bia, thức uống có cồn… cũng không được dùng.
- Người sắp phẫu thuật không nên dùng.
- Kiêng kị: Vị thuốc tân di ghét các vị thuốc như hoàng kỳ, xương bồ, thạch chi và thạch cao. Vì vậy, bạn không được kết hợp chúng với nhau.
- Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng (để biết cơ địa bạn có hợp với vị thuốc này không).
- Nếu bạn đang dùng các loại thuốc khác thì cần hỏi ý kiến bác sĩ/ thầy thuốc để tránh tương tác thuốc.
Phương thuốc “Tân di tán nghiêm thị phương”
Đây là phương thuốc được người xưa đánh giá cao.
Công dụng của nó là: trị nghẹt mũi khó thở, ung nhọt mọc trong mũi và mất khứu giác (không ngửi thấy mùi hương gì).
Cách dùng như sau: lấy tân di, cảo bản, cam thảo bắc, bạch chỉ, phòng phong, xuyên khung, thăng ma, tế tân và mộc thông; tất cả các vị trên, khối lượng bằng nhau, xay nát nhuyễn như bột rồi để dùng dần, mỗi lần uống thì lấy 8 g bột ấy, hòa với nước trà rồi uống.
Phương thuốc điều trị viêm mũi cấp tính có mủ
Bài thuốc như sau: lấy 5 g tân di, 5 g cam thảo Bắc, 5 g lá bạc hà (loại bạc hà lá nhỏ, thơm), 5 g phòng phong, 8 g kim ngân hoa, 8 g cúc hoa và 8 g câu đằng; tất cả cùng cho vào ấm, nấu lấy nước uống mỗi ngày 1 thang.
Dược liệu hoa tân di hoa giá bao nhiêu?
Hiện nay, nụ hoa tân di phơi khô có giá từ 350 – 400 ngàn đồng/ kg. Nụ hoa này tương đối nhẹ, vì vậy, bạn có thể vào các hiệu thuốc Bắc, mua tầm 50 ngàn đồng là có thể dùng nhiều lần.
Còn cây hoa tân di (cây giống) thì tùy kích cỡ cây mà có giá khác nhau. Chẳng hạn, cây cao 1 m (đã có nụ) thường có giá từ 90 ngàn – 200 ngàn đồng (tùy số lượng). Tuy nhiên, khi bạn mua trên mạng về thì trồng rất khó sống.
Chia sẻ cá nhân: Nếu bạn muốn trồng thì nên mua cây chiết sẵn, không nên mua hạt giống vì tỉ lệ nảy mầm của nó rất thấp và trồng cũng khá lâu mới có hoa.
Cây tân di được trồng ở đâu? Miền Nam Việt Nam có trồng được không?
Cây tân di có tên khoa học là Magnolia liliflora, có nhiều ở Trung Quốc (đặc biệt là các tỉnh Hà Nam, An Huy…).
Ở nước ta, loài này được trồng và mua bán nhiều ở miền Bắc (ở miền Nam thì ít người biết hơn nhưng nhìn chung, cây có thể sống tại miền Nam – hiện ở Sài Gòn cũng có nhiều cây phát triển tốt).
Ngoài loài này thì ở nước ta còn có nhiều loài khác như mộc lan trắng, mộc lan tím…

Cách trồng các loại mộc lan nói chung
- Bạn có thể trồng trong chậu: Nếu trồng trong chậu (lượng đất hạn chế) thì bạn cần chuẩn bị đất thật tơi xốp, màu mỡ và thoát nước tốt. Nhìn chung, cây mộc lan thuộc dạng thân gỗ, cao to nên bạn cần chuẩn bị chậu to một chút và có lỗ thoát nước. Chậu này đặt ở nơi có ánh sáng nhẹ, ít gió. Trong quá trình trồng, bạn cần tìm rơm hoặc lá cây, rễ lục bình… để phủ mát gốc (giảm sự thoát hơi nước). Đồng thời, thỉnh thoảng bạn cũng cần nhổ cỏ dại trong chậu (để tránh cạnh tranh dinh dưỡng) và bón thêm phân hữu cơ để cây phát triển tốt nhé!
- Bạn cũng có thể trồng trong vườn, ngoài sân: Nếu trồng cây mộc lan trực tiếp xuống đất nền (để lấy bóng mát) thì bạn nên chọn chỗ đất cao ráo, thoát nước tốt (vì các loại mộc lan nói chung đều chịu úng kém). Sau khi trồng, thỉnh thoảng bạn cũng nên tưới nước, làm cỏ quanh gốc và bón phân hữu cơ cho cây. Nếu bạn trồng ở nơi có gió lùa hay có nhiều người, nhiều động vật thì nên cắm thêm cọc để đánh dấu, giúp cây đứng vững (hoặc cần rào lại cho đến khi cây đảm bảo được phát triển an toàn).
- Lưu ý nhỏ: Mộc lan là cây thân gỗ rụng lá, vì vậy, vào mùa lá rụng thì bạn không cần tưới nhiều nước.
Cách ươm cây, nhân giống hoa mộc lan
Bạn có thể nhân giống hoa mộc lan bằng cách ươm trồng từ hạt. Tuy nhiên, thường thì tỉ lệ thành công sẽ không cao và bạn phải mất nhiều thời gian để được thưởng hoa. Hơn nữa, trong điều kiện tự nhiên thì cây mộc lan cũng rất ít khi đậu quả.
Vì vậy, cách tiện lợi nhất là giâm cành hoặc chiết cành. Với hai phương pháp này thì bạn chọn những cành vừa phải, không quá già cũng không quá non và nên chọn những cành thấp, gần gốc cây (như thế thì khả năng ra rễ của nó sẽ cao hơn).
Lưu ý thời gian giâm cành, chiết cành:
- Mùa xuân và mùa hạ là thời điểm cây mộc lan phát nhựa, vì vậy, nếu bạn chiết cành vào thời gian này thì khả năng mọc rễ của cành chiết sẽ cao hơn.
- Mùa thu và mùa đông là lúc thời tiết mát mẻ, vì vậy, nếu bạn giâm cành vào thời gian này thì tỉ lệ thành công sẽ cao hơn.
Thông tin thêm: Có người cho rằng vị thuốc tân di được người Di giới thiệu cho người Trung Quốc vào năm Tân Hợi, vì thế mà gọi thành tên. Nhìn chung, đây cũng là một cách giải thích khác cho tên gọi của vị thuốc này.
Suy cho cùng, điều khiến chúng ta ấn tượng với hoa tân di không chỉ là cái tên mà còn là tác dụng trị liệu và vẻ đẹp của nó nữa!
Vào mùa hoa, lá cây rụng hết, chỉ còn toàn cây nở đầy hoa!
Vĩ thanh
Cam thảo trần bì, phụ tử hoàng liên viễn chí
Vương bất lưu hành, tân di bát giác hồi hương.
An nam tử đỗ trọng.
Mẫu lệ bách thảo sương.
Một dược đương quy hồng đậu khấu
Đảng sâm vân mẫu bạch đàn hương.
(Sáng tác: TD)
Xem thêm: Cách ươm cây hương thảo và công dụng của hương thảo
Tư liệu tham khảo
- Phạm Thiệp – Lê Văn Thuần – Bùi Xuân Chương, Cây thuốc bài thuốc và biệt dược.
- Nguyễn Văn Quý – Nguyễn Phương, Thuốc Bắc thường dùng.
Keyword: tân di dược liệu