Mùa nước nổi ở đồng quê miền Tây, bạn có còn nhớ không?
Khi con nước cầm đòng ngưng lại không lên thêm mà cũng chưa rút xuống thì những con gió quê tôi lại chuyển hướng thường xuyên: có lúc gió rất lạnh thổi từ hướng Đông sang hướng Bắc, cũng có lúc lại thổi từ hướng Tây sang hướng Nam.
Lúc này thì con cá lóc chỉ thích ăn cua, vì thế xóm tôi chuyển sang giăng câu bằng mồi cua. Vì vậy, chúng tôi phải đi câu cua và mùa câu cua kéo dài đến tận Tết cổ truyền.
Ban ngày, tôi cầm cái rổ to tướng phải bưng bằng cả hai tay để đi xúc cua ở những cái ổ cua được ủ từ vài hôm trước. Ổ cua được tạo thành từ năng, cỏ và rạ lúa gom lại chất thành từng ụ bằng cái thúng. Tôi nhè nhẹ đặt cái rổ cạnh ụ cua và bất ngờ đùa thật nhanh ổ cua vào rổ lớn rồi cẩn thận giũ từng mảng cỏ cho cua rớt xuống đáy rổ, sau đó cẩn thận đặt cỏ lại chỗ cũ để ngày mai xúc tiếp. Tôi bưng cái rổ lên mặt nước và chao ôi! Mấy con ếch mập tròn dễ thương nhảy lung tung quanh rổ, những con cá sặc, cá rô to bằng ba ngón tay giãy lạch đạch bên cạnh lũ cua con bò tới bò lui.

Điều làm tôi bất ngờ là từ trong đám cua cá lổn nhổn ấy, một con rắn trung to bằng ngón chân cái chậm chạp chồi lên dường như không muốn bò, dưới nó lại là mấy con đỉa trâu to tướng, con lớn bằng ngón chân cái, con nhỏ cũng bằng ngón tay út, hai cái dè hai bê vàng kè và da thun thun như da cóc trông thật là ghê tởm.

Tôi từng thấy những con đỉa trâu lội dưới nước, khi ấy, chúng cứ chớp chớp lia lịa trên mặt nước trông đáng sợ lắm. Thế là tôi lần lượt khều con rắn ra khỏi rổ rồi bắt ếch, cá và cua. Cuối cùng, tôi phun ít nước bọt vào tay và bắt con đỉa to nhất lắc lắc trong tay rồi ném đi thật xa, sau đó gỡ các con đỉa nhỏ khác ra khỏi rổ. Cái giống đỉa hút máu này mỗi khi gặp phải nước bọt thì thun tròn thành một cục như cái bánh trôi nước, con nhỏ thì như viên chè ỉ.
Mải mê xúc xúc lại bắt bắt một hồi, tự nhiên tôi cảm thấy ngứa nhượng chân quá nên lấy tay sờ thử. Trời ơi! Con đỉa to quá, da nó như nổi cộm từng gai nhỏ nhám, hai lườn vàng khè trông phát khiếp. Tôi cố bình tĩnh rồi xè tay ra phun nước bọt vào để bắt nó ra và quăng đi nhưng không hiểu tại sao cứ phun hoài mà không có nước bọt. Đành thôi! Tôi nắm chặt con đỉa dùng hết sức kéo thật mạnh đánh “bạch” một cái, con đỉa sứt một miệng khỏi chân tôi còn miệng kia vẫn hút chặt vào da. Tôi nổ lùng bùng lỗ tai vì sợ. Thế là tôi với lấy nắm lá lúa mọc sót ven đê và tóm lấy nó ghị mạnh cho sứt ra nhưng cả mấy lần đều thất bại. Tôi nhìn quanh để tìm xem có chỗ nào cao ráo để lên đó gỡ nó ra vì tôi sợ rằng ở dưới nước lâu nghe mùi máu tanh thì lũ đỉa xung quanh sẽ kéo đến nữa, lúc ấy thì khổ. Nhưng xui xẻo thay tôi lại không thấy được chỗ nào cao hết, thế là tôi đành lội nước mang cả con đỉa to về nhà. Suốt đoạn đường dài mất hai mươi phút mà con đỉa vẫn không chịu nhả ra.
Vừa về đến nhà, tôi trèo ngay lên sàn nhà được lót bằng những thanh tre chẻ bốn sếp lại thì trời ơi! Dưới bẹn tôi, nhượng chân và kẽ các ngón chân toàn là đỉa. Đúng là trúng nhầm ổ đỉa rồi! Tôi lấy vôi của bà ăn trầu sát vào, lũ đỉa bị cay nên nhả ra hết. Cho đến bây giờ nhớ lại cảnh tượng ấy tôi vẫn còn thấy rùng rợn. Lũ đỉa trông nham nhám nhưng đụng vào thì toàn thân chúng tiết ra chất nhờn trơn truột, nơi chúng cắn có vết đứt thịt hình chữ thập vừa ngứa vừa đau và chảy máu rất lâu. Hai đầu bám của chúng một để bám, một để cắn và hút máu, và hút cho đến no nê thì mới chịu buông. Cái giống hại người đáng ghét ấy lại sống rất dai, dù là đem chúng phơi khô cả ngày nhưng hôm sau đem bỏ xuống nước, da mềm lại thì chúng lại sống. Đúng là “dai như đỉa”!
Tôi nghỉ ngơi một lát cho bớt sợ rồi trở lại cánh đồng với cái thùng một lít đã cắt miệng rồi múc nước và hốt thêm nắm muối bỏ vào thùng. Tôi cũng không quên đem theo vôi ăn trầu của bà để làm bùa hộ mệnh. Mỗi khi bị đỉa đeo, tôi lấy vôi rắc vào miệng bám của nó rồi lấy thùng nước muối hứng, nó rơi xuống và lội một lúc khoảng 20 – 30 phút thì cứng đờ ra. Một ngày đi xúc cua của tôi cũng bắt được cả trăm con đỉa lớn nhỏ đựng gần nửa thùng. Người ta nói “đỉa lềnh tựa bánh canh” là hơi quá nhưng mà cũng gần giống vậy đó.
Tôi còn nhớ thằng bạn thân của tôi ngày xưa thường hất cái cằm nhọn hoắt về phía tôi vênh vênh mặt hỏi: “Ê! Mày đi xúc cua mà còn mang thùng theo làm gì vậy?” Tôi đùa: “Tao làm mắm đỉa, mấy thằng bây ăn không?” Nó bĩu môi đùa lại: “Mắm đỉa mà ngon nỗi gì! Nhà tao có mấy xâu khô đỉa mày ăn không tao cho!” Thằng bạn ấy không như tôi, nó gan và táo bạo hơn nhiều. Hễ có đỉa đeo nó, nó gỡ ra rồi lấy dây chì xỏ luồn ruột đỉa để căng phơi nắng. Từng xâu đỉa dài từ ba tấc đến một mét. Đến lúc mấy chục con đỉa khô đéc khét nắng thì nó quấn tròn hai đầu dây chì lại thành vòng tròn lắc lắc nghe lộc cộc như cái lục lạc vậy. Thật là cái thằng Đen! Nó đen và đen hơn đỉa, và nó gan lắm, cuộc đời thằng bạn ấy của tôi chưa hề biết sợ đỉa là gì!

Tôi không bao giờ quên những ngày cùng bạn bè chống xuồng ra đồng bứt những cọng bông súng ma và bông súng đồng về chấm với mắm cá rô đồng kho me. Đó là món ăn độc nhất vô nhị thời bấy giờ. Cá rô đồng được ngoại tôi đánh vảy và mổ ruột rồi rửa sạch. Sau đó ngoại tôi đun thật sôi nước muối rồi để nguội, lóng cặn rồi đổ ngập vào lớp cá. Kế đến, lấy lá chuối đậy lên rồi đậy thêm cái vĩ tre ở trên và lấy tảng đá to dằn lên cho cá chìm ngập hết trong nước. Tiếp theo là đậy kín hủ không cho ruồi nhặng bu vào để tránh dòi.
Khoảng tháng sau, ngoại tôi vớt mắm ra để ráo nước rồi rang gạo làm thính, kế đến lấy thính trộn với trái chuối xiêm đen chín mùi và vài trái khóm đã băm nhỏ cùng một ít lá chùm ruột đem trộn chung với mắm cho đều. Sau đó, ngoại tôi chắt hết nước ủ cá ra rồi đổ mắm vào hủ, nén chặt lại, sau đó lấy nước ủ cá đã chắt ra đổ trở lại hủ và tiếp tục ủ cho đến ba tháng sau, chúng tôi có được một hũ mắm cá rô thơm ngon như ý. Và đặc biệt là, mắm để càng lâu, mùi sẽ dịu lại và càng thơm ngon hơn nữa!
Món mắm ấy, tôi sẽ không quên. Đó hương vị tuổi thơ của tôi. Và tôi cũng nhớ hoài những tháng ngày vất vả nhưng thần tiên ấy. Có vui, có buồn. Có mùa câu cua gắn liền với mùa bông súng. Ngày ấy, trên những cánh đồng, bông súng ở các vạt lung nhỏ, lung lớn đua nhau trổ bông vượt nước, có bông dài đến hai mét, trắng phau phau. Tôi chỉ cần chống xuồng đến giữa vạt lung nhổ những cọng bông súng đụng vào mạn xuồng là cũng đủ ăn. Đó là cái thời “nhắm mắt hái rau, ngồi nhà câu cá”.
Bông súng ma trổ bông trắng xóa, đều đều từng đám xen lẫn bông súng đồng đo đỏ, hồng hồng rất đẹp mắt. Chúng như những đám mây trắng hồng bồng bềnh trôi giữa trưa mùa đông vậy. Mà nó còn đẹp hơn nhiều là khác. Chiều chiều, từng đàn cò trắng đua nhau bay về tổ trú đông trắng xóa bầu trởi hoàng hôn thật là tuyệt đẹp. Bất chợt tôi nhớ tới bài thơ của ai đó:
“Cò hỡi, cò ơi!
Đừng rời tổ ấm.
Đường xa vạn dặm,
Tôi đợi cò về.
Nắng chiều ngập cánh đồng quê,
Làng nghèo, nghĩa đậm đừng chê nghe cò!”
Những câu thơ đã giúp tôi vơi bớt nỗi nhớ hằn chôn kín, đôi mắt tôi buồn buồn trông theo đàn cò càng bay càng xa tít, mờ dần mờ dần rồi biến mất sau hàng cây cuối xóm.
Xem thêm tản văn: Ký ức mùa nước nổi nhiều năm trước – con trâu giữa đồng nước