Tại sao người ác cũng giải thoát như người hiền?
Đúng rồi, ví dụ mình thả một viên bột vào nước. Trong viên bột đó có những người nghiệp mỏng (như chất bột), họ sẽ nhanh chóng tan vào nước. Có những người nghiệp dày, ví dụ như hạt tiêu trong viên bột, họ không tan ngay nhưng vài tháng sau cũng tan. Rồi trong viên bột đó có thành phần người hiền, thành phần người ác, nhưng khi cho vào nước, theo thời gian thì tất cả đều sẽ tan. Mà chính bản thân nước đó cũng sẽ khô dần và biến thành hư không. Rồi bột đó theo thời gian gió cũng thổi bay, tán nhỏ ra, mịn nhuyễn dần, mịn nữa, mịn nữa và cuối cùng thành hư không, đúng không?
Vấn đề chỉ là thời gian thôi. Vì mình chỉ sống có mấy mươi năm nên mình không hình dung được một ngày tất cả mọi thứ đều tan rã. Nhưng theo thời gian, thanh sắt còn bị oxy hóa và mục dần, túi nilon còn phân hủy, đá còn mòn thì huống chi là mọi thứ khác… Đầu tiên là thể xác bạn (mấy mươi năm tan rã). Còn linh hồn đúng không? Nhưng sau hàng triệu triệu năm nữa, hoặc dài hơn nữa, thì cũng sẽ đến một ngày linh hồn bạn tự hao mòn theo thời gian, không còn nghiệp lực nữa và tan rã.
Chính Trái Đất này cũng sẽ tan rã vào một ngày nào đó rất lâu sau này, và vũ trụ cũng tan rã, hàng tỷ tỷ… năm nữa, nhưng vì bạn không sống đến nó nên bạn không hình dung được. Và vũ trụ này cũng sẽ tan rã hoàn toàn, tan rã từ vật chất thành phi vật chất, rồi từ phi vật chất thành không có gì. Trở về tĩnh lặng. Rồi hàng triệu triệu tỷ tỷ năm sau, trong sự tĩnh lặng ấy, theo thời gian lại tích tụ thành sự sống động và mọi thứ sẽ được hình thành.
Cho nên những người giác ngộ họ từ bi. Từ bi vì họ hiểu rằng đứa ác kia rồi cũng sẽ đến ngày tan rã. Đứa thiện này rồi cũng tan rã. Họ nhìn được bối cảnh rộng lớn đó nên từ bi, buông xả với mọi thứ.
***
Sức mạnh tự nhiên khiến con rắn ăn con ếch, nhưng con rắn cũng không tránh khỏi sức mạnh của trái đất, nó cũng sẽ bị trái đất ăn lại (tan rã thành đất). Con ếch đi vào bụng con rắn, thành con rắn; rồi con rắn và con ếch đi vào đất, thành đất, kết quả đều như nhau.
Nói như vậy không có nghĩa con người ăn thịt con người và nói rằng kết quả như nhau, cái đó là ngụy biện. Khi con rắn ăn con ếch là ăn theo bản năng và ăn vì sinh tồn, còn khi con người ăn thì ngoài bản năng, nó còn có thêm lòng tham ăn, tính háo danh, sự phung phí chủ ý… và nhiều cảm xúc, ý muốn khác. Chính những thứ này mới làm nghiệp dày thêm. Một người ăn thịt cá và một người ăn rau, nếu họ đều ăn với sự vô tư thì nghiệp tâm trí và nghiệp cảm xúc của họ là như nhau, nó chỉ khác ở nghiệp cơ thể. Người ăn thịt nhiều thì dễ bị táo bón, trĩ, ung thư đại tràng…, người ăn rau nhiều thì dễ bị tiêu chảy do quá nhuận tràng… Ăn gì cũng nghiệp, ngồi không cũng nghiệp vì sẽ bị nhức lưng, đứng dậy đi bộ cũng nghiệp vì sẽ mỏi chân, kiểu nào cũng nghiệp, nín thở cũng nghiệp vì sẽ bị nghẹt thở… nhưng nghiệp do bản năng thì mỏng, dễ hóa giải, chỉ cần thời gian chín muồi là hóa giải (vì đi vài tiếng, mỏi chân thì đi hết nổi, lúc đó sẽ nghỉ đi thôi).
Nên tại sao Sadhguru nói sống trên 84 tuổi thì viên mãn nghiệp thể chất, không đầu thai nữa, không luân hồi tái sinh nữa, vì đã đủ thời gian của nghiệp thể xác rồi.
Nhưng linh hồn thì vẫn còn, vì còn nghiệp tâm trí, cảm xúc và năng lượng nữa. Và đó là thứ mà chúng ta gọi là con ma, ahihi, con ma.
***
– Nhi ơi, cha chị chắt mót tiền mua được con lươn cho con cháu bồi bổ, con chị khoái món lươn kho xả lắm, nhưng chị sợ nếu giết nó thì mang tội, mà thả nó thì uổng quá, ý chị thì muốn nấu ăn nhưng chị sợ tội quá.
– Cần giết thì giết thôi chị ơi, vì nếu thả nó mà tiếc, và thấy xót công của cha chị chắt mót để dành thì cảm giác áy náy đó lại làm nghiệp dày thêm. Nhưng nếu chị chọn giết thì phải chọn cách mà nó ít đau đớn nhất, và chính bản thân chị không được thấy áy náy, day dứt, không được cảm thấy chị đang làm việc ác; bởi vì sự áy náy, mặc cảm tội lỗi sẽ làm cho nghiệp dày thêm.
Nếu chị chỉ đơn thuần là giết nó thì chị chỉ mang thân nghiệp, nhưng nếu sau đó chị ám ảnh và giày vò thì chị mang thêm nghiệp về tâm trí và cảm xúc nữa (vì khi đó năng lượng tiêu cực sẽ sinh ra, làm mọi thứ bị ảnh hưởng tồi tệ hơn và chính mình cũng không thoải mái). Cái này tùy chị xem xét. Nếu chị thả, chị phải thả bằng tất cả sự hào phóng chứ không phải thả để có phước. Nếu chị giết, chị phải giết trong sự vô niệm chứ không phải sợ hãi hay áy náy. Chị tự nói với nó rằng rồi nó sẽ về với đất mẹ, cũng như chị và mọi thứ khác cũng sẽ về với đất mẹ. Vì vậy, hãy an nghỉ. Rồi bỏ qua luôn, đừng mang chấp niệm theo.