Theo tôi thì không nên chia “hướng nội” hay “hướng ngoại”.
Hiện nay, từ “hướng ngoại” khiến người ta có cảm giác rằng “người hướng ngoại” không sâu sắc bằng “người hướng nội”, nhưng vì họ năng động, giỏi giao thiệp xã hội hơn nên họ dễ thành công hơn.
Thực tế không hẳn vậy. Rất nhiều người năng động, giỏi giao thiệp… vẫn là người thất bại.
Giao thiệp giỏi không làm nên thành công. Chỉ có những kẻ đang bán các khóa học mới rêu rao “kỹ năng mềm” giúp bạn thành công.
“Kỹ năng mềm” có tác dụng của nó, nhưng nó không phải yếu tố quyết định làm nên sự thành công.
***
Nhìn chung, việc phân chia con người thành “hướng nội” và “hướng ngoại” không phải là sai nhưng nó đã dẫn đến nhiều sự hiểu lầm.
Chỉ cần lên mạng và đọc ngẫu nhiên một bài giải thích nào đó về “hướng nội” và “hướng ngoại”, bạn sẽ thấy những kẽ hở, những nhập nhằng về cách hiểu của mọi người.
Thật ra, nếu Carl Jung dựa vào “hướng năng lượng” của con người để xác định “hướng nội” và “hướng ngoại” thì lẽ ra ông nên gọi trực tiếp, rằng có 2 nhóm người:
+ nhóm người mà năng lượng của họ hướng ra thế giới bên ngoài
+ nhóm người mà năng lượng của họ hướng vào thế giới bên trong.
Mặc dù nó khá dài dòng nhưng nó sẽ chính xác hơn thuật ngữ “hướng nội” và “hướng ngoại”.
Vì sao tôi nói thuật ngữ “hướng nội” và “hướng ngoại” là không chính xác?
Vì tất cả chúng ta, có ai không phải là người hướng nội?
Tất cả chúng ta đều là người hướng nội.
Hãy xem, có ai trong chúng ta không hướng về bản thân mình? Đó không phải là hướng nội sao?
Ngay cả những người vô tư, hoạt náo, hồn nhiên …, họ cũng có khoảng riêng trong tâm hồn của họ.
Thậm chí, giây phút bạn nghĩ rằng bạn là người hướng ngoại thì bạn cũng đã hướng nội rồi.
Chỉ là, nó khác nhau về mức độ và sắc thái thôi.
Có người hời hợt, có người sâu sắc.
Có người thanh thản, có người ẩn khuất.
Còn cái mà chúng ta hay dùng để xác định người “hướng ngoại”, nó chỉ là mức độ sôi động, ồn ào của một người nào đó – khi năng lượng của họ thể hiện thành sự sôi động.
Ngược lại, có những người năng lượng vẫn rất dồi dào nhưng họ không thể hiện qua sự sôi động.
Họ không thích sự sôi động. Họ thích sự tĩnh lặng. Họ thích một mình và họ thấy thoải mái khi như vậy.
Năng lượng của họ, thay vì dùng vào các hoạt động náo nhiệt, sôi động… thì họ dùng vào các hoạt động riêng tư, ít gây ồn ào, những hoạt động âm thầm.
Họ vẫn có thể tham gia xã hội nhưng họ không gây ồn ào. Họ thích như vậy. Họ chỉ tập trung vào thể nghiệm sống của họ. Họ không cần tạo âm vang.
***
Vì vậy, ở đây, nếu bạn cứ nhất định muốn chia thì có thể chia thành 2 nhóm: nhóm người thích sự sôi động và nhóm người thích sự tĩnh lặng.
Nhưng bạn phải nhớ, sự phân chia này chỉ có giá trị tại thời điểm đó, bởi vì tính cách con người có thể thay đổi theo thời gian.
Cách chia này sẽ giúp giải quyết các vấn đề sau:
1. Gỡ bỏ sự quy chụp, cho rằng người “hướng nội” thì tiêu cực hơn, khó thành công hơn; người “hướng ngoại” thì dễ thành công hơn.
Ngày nay, nhiều người cho rằng muốn thành công thì phải giỏi “hướng ngoại”, giỏi giao thiệp. Nhưng lẽ nào, những người “hướng nội” – không giỏi giao thiệp (như họ mô tả) thì sẽ khó có thể thành công?
Tôi có nhiều bạn bè “hướng nội”. Họ ít nói, thích một mình, lười xã giao… nhưng họ lại rất thành công.
Từ bao giờ, định nghĩa thành công của chúng ta là nổi tiếng, là xe hơi, là giám đốc, là xung quanh luôn có đám đông hâm mộ?
Không. Nếu chúng ta sai từ định nghĩa, chúng ta sẽ không bao giờ đúng về bản chất.
Vì vậy, chúng ta không cần phân chia thành “hướng ngoại” và “hướng nội”.
Tất cả chúng ta đều là “hướng nội”.
Nhưng nếu bạn nhất định phải phân chia thì hãy chia thành kiểu người thích sự sôi động và kiểu người thích sự tĩnh lặng.
Ai cũng có thể thành công theo cách của họ, được chứ!
Còn bạn thích sôi động hay tĩnh lặng, đó là phong cách sống của bạn.
2. Gỡ bỏ quan niệm những người “hướng ngoại” là kém sâu sắc.
Bạn hãy xem, những người mà chúng ta gọi là “hướng ngoại”, lẽ nào họ không có những phút giây thâm trầm, sống với nội tâm của họ?
Đừng nghĩ những người cười nói hả hớt, sôi động ồn ào… là thiếu sâu sắc. Rất nhiều người xã giao giỏi nhưng cũng sống rất nội tâm.
Ngược lại, cũng đừng nghĩ những người ít nói, ít giao thiệp… là sống nội tâm. Có những người ít giao thiệp, thích một mình… nhưng cũng vô cùng hời hợt.
3. Gỡ bỏ quan niệm những người hướng nội là yếu đuối, tự ti, dễ tổn thương, nhút nhát…
Trên thực tế, có rất nhiều doanh nhân thành công được mọi người gọi là người “hướng nội”. Bạn nghĩ rằng họ yếu đuối và nhút nhát?
4. Mở ra định hướng cho người “hướng nội”.
Có lẽ bạn đã thấy nhiều người “hướng nội” nhưng vẫn đóng vai “hướng ngoại” rất tốt.
Ra đường, họ cố gồng lên làm người “hướng ngoại”, cười nói vui vẻ, giao thiệp năng động, đến lúc về tới nhà lại “gỡ mặt nạ ra”, trở lại làm con người thật của mình.
Họ cảm thấy bữa tiệc vừa qua đã tiêu hao rất nhiều năng lượng của họ. Và họ nằm yên như vậy một mình để “sạc” lại năng lượng cho mình. Những lúc ở một mình, ở nơi yên tĩnh, hoặc nghe một vài giai điệu nhẹ nhàng, họ cảm thấy tốt hơn, thoải mái hơn.
Hãy xem, khi những người đó tự gán nhãn rằng “tôi là người hướng nội”, và đặc tính của tôi là như vậy, nhưng bây giờ tôi phải đóng cho trọn vai con người xã hội… vì công việc, vì ABCD… thì họ sẽ rất mệt mỏi với công việc, với các mối quan hệ, với chính mình.
Đến bao giờ, họ mới có được những phút giây thư thái trong cuộc sống của họ?
Không. Cuộc sống không cần những con người suốt đời gồng lên để đóng trọn vai kẻ khác. Cuộc sống cần những người biết sống bằng tự tính của mình, để thể hiện trọn vẹn con người của mình.
Vì vậy, đầu tiên mà những người “hướng nội” cần hiểu rằng là: họ là kiểu người hợp với sự tĩnh lặng. Họ phải biết rằng chỉ trong môi trường tĩnh lặng êm đềm, họ mới phát huy được tối đa năng lực và sở trường của mình.
Khi đó, họ sẽ tìm một công việc phù hợp với nét tính cách của họ.
Bạn biết những người gác đền chứ? Họ ngồi đó một mình.
Bạn biết những người viết blog chứ? Họ chỉ làm việc với máy tính.
Bạn không lạ gì những người nông dân phải không, phần lớn thời gian của họ dành cho đất và cây.
Bạn đưa những người đó ra chợ xem, nửa ngày, họ sẽ không chịu nổi!
Họ không thích nhiều người vì con người thường khá ồn.
Họ đã làm những công việc không ai quan tâm. Họ đã làm những công việc bị đánh giá thấp. Họ đã làm những công việc không liên quan gì đến ngành học của họ…
Nhưng tất cả họ đã sống trọn vẹn cuộc đời của họ.
Hãy tin tôi, bạn phải làm những việc mà bạn thực sự yêu thích nó. Chỉ khi đó, bạn mới có thể phát triển với nó.
Và khi bạn sống trọn vẹn với tự tính của mình, đúng môi trường của mình, tích lũy đủ ngày tháng, như cái cây được chăm sóc tốt, một ngày nào đó, nó sẽ “nở hoa”.
Bạn không cần phải lên thành phố, không cần phải nhảy vào những chỗ xô bồ mà bạn không thích.
Bạn hãy dành ba ngày chỉ để nghĩ xem: mình có thể làm gì? Hãy lên mạng và gõ những từ khóa như: những ngành nghề ít giao tiếp xã hội…
Hãy bỏ đi kiểu suy nghĩ “nghề này là thấp kém”, “nghề này khó giàu”, “nghề này là uổng phí tài năng”…
Không, khi bạn thực sự có tài, dù bạn chỉ ngồi đẽo gỗ, bạn cũng sẽ đẽo một cách duyên dáng.
Và tôi muốn bạn biết rằng, nhiều người bán xôi, bán đồ ăn vặt ngoài đường… đang có mức thu nhập cao gấp 3 lần những người làm việc văn phòng! Những người nông dân với rủng rỉnh tiền trong túi, và những người làm việc vô danh nhưng cuộc sống của họ rất thoải mái, ngọt ngào!
5. Loại bỏ sự nhập nhằng
Một số người thấy họ vừa có nét “hướng nội”, vừa có nét “hướng ngoại”. Với trường hợp này, bạn chỉ cần hỏi họ: bạn thích sống ở nơi yên tĩnh hơn hay thích sống ở nơi náo nhiệt hơn?
Chỉ có kẻ ngốc mới không biết bản thân thích sống ở nơi yên tĩnh hay nơi ồn ào.
Bằng cách này, bạn sẽ xác định được người đó là kiểu người thích sự sôi động hay tĩnh lặng (tại thời điểm đó).
Còn chuyện người đó có nội tâm sâu sắc hay không, chúng ta không bàn tới, bởi vì mỗi người có một nội tâm khác nhau. Sâu sắc có nhiều mức độ của sâu sắc. Hời hợt cũng có nhiều mức độ của hời hợt.
Còn bạn? Bạn là người thích sự sôi động hay tĩnh lặng? Khi bạn đã biết được nét tính cách của mình rồi, bạn sẽ chọn môi trường nào để nuôi dưỡng và phát triển bản thân? Bạn sẽ sắp xếp cho mình cuộc sống như thế nào?
***
Đến đây, tôi cũng muốn chia sẻ với bạn điều này: phần lớn chúng ta đều là những người thích sự tĩnh lặng.
Vì sao?
Vì tất cả chúng ta đều ít nhiều “hướng nội”, hướng về bên trong mình (như đã nói ở đầu bài).
Ngay cả những người thích cuộc sống sôi động thì khi bạn hỏi “về già, bạn thích ở nơi yên tĩnh hay náo nhiệt?”…, phần lớn họ đều trả lời là thích nơi yên tĩnh.
Vì sao? Vì sự yên tĩnh thuận lợi cho việc hướng nội.
Lúc bôn ba cơm áo gạo tiền là lúc tập trung hướng ra bên ngoài.
Còn khi đã đủ với bên ngoài thì cũng là lúc hướng về bên trong, không phải sao?
Bởi vì trong sự tĩnh lặng, người ta mới nuôi dưỡng và khám phá được nhiều điều bên trong mình.
Chỉ khi hướng nội và tĩnh lặng, người ta mới nhận ra nhiều chiều kích khác của cuộc sống.
Muốn biết có bao nhiêu chiếc lá rụng trên sân, chiếc nào như thế nào, bạn không thể đếm khi gió đang thổi.
Bạn phải đợi hết gió, mặt đất trở nên tĩnh lặng, bạn mới có thể quan sát chúng, mới có thể đếm chúng một cách chính xác, không phải sao?
Nội tâm bạn cũng vậy. Nó cần sự tĩnh lặng để nhìn thấu một số điều.
***
Thật ra, suy cho cùng, chúng ta không hướng về sự sôi động, cũng không hướng về sự tĩnh lặng mà hướng về sự hài hòa.
Chỉ vì bây giờ, hầu hết chúng ta đều thấy cuộc sống này ồn ào, xô bồ… nên chúng ta muốn tìm về sự tĩnh lặng.
Một lúc nào đó, nếu cuộc đời quá phẳng lặng thì chúng ta lại muốn có cái gì đó khuấy động… cho đỡ chán.
Bởi vì cái gì nhiều quá cũng khập khiễng, cũng trở nên “quá gắt”, cho nên, nó tất yếu phải tìm thứ đối lập với nó để có được sự cân bằng.
Vì vậy, có lúc bạn sẽ thích sự sôi động. Có lúc bạn sẽ thích sự tĩnh lặng, tùy theo cái nhìn của bạn lúc đó. Cho nên, khi bạn trả lời “tôi thích sự náo nhiệt”, “tôi thích sự yên tĩnh”, chúng tôi có thể thấy cái nhìn của bạn về cuộc sống ở thời điểm đó.
Ở đời gặp kiếp, thiếu cái gì thì bù cái đó.
Không phải chỉ có bóng tối tìm lấy ánh sáng mà ánh sáng cũng tìm lấy bóng tối để có được sự êm ái dịu dàng.
Không phải chỉ có sự tĩnh lặng mới tìm kiếm âm vang mà sự sôi động cũng tìm về tĩnh lặng để bớt ồn ào, nhẹ nhàng ngơi nghỉ.
Không phải chỉ có cái chết hướng đến sự sống mà sự sống cũng hướng về cái chết, thông qua biểu hiện nhẹ nhàng nhất: hướng về sự tĩnh lặng.
Bởi vì chúng ta đang sống. Chúng ta đang ồn ào. Cho nên để cân bằng lại, chúng ta hướng về sự tĩnh lặng.
Cho đến khi hoàn toàn tĩnh lặng thì trong sự tĩnh lặng ấy lại ấp ủ những khát khao sống động bên trong.
Cho nên, phân chia ra tĩnh lặng hay sôi động chỉ là để tiện trong cách gọi mà thôi. Mỗi một giây trôi qua, bạn đều đang thay đổi.
Đồng Tuyết Nhi
11 h 50, đêm 15/ 09/ 2022