Mọi người nói “trải qua nhiều chuyện, lẽ ra bạn phải mạnh mẽ sắt thép chứ, cớ sao lại càng nhạy cảm và mềm yếu hơn?”.
Mình muốn nói “ai cũng vậy mà”. Đừng nói càng lớn tuổi sẽ càng cứng rắn hơn, không, người ta sẽ càng nhạy cảm hơn, chỉ là giỏi xử lý hơn, nhìn nhận tốt hơn, khả năng chống chịu tốt hơn, hoặc giỏi che đậy hơn thôi.
Về bản chất, càng ngày, trải qua nhiều chuyện, người ta càng thể nghiệm hơn, mẫn cảm hơn và tinh tế hơn. Người già bao giờ cũng mẫn cảm và dễ tổn thương hơn, chẳng qua là họ không giãy lên như bọn trẻ mà thôi. Họ an phận hơn, thông thái hơn, chấp nhận hơn, điều đó không có nghĩa là họ không nhận ra sự giả vờ hay nỗi niềm chạnh lòng của bạn.
Cũng có người có vẻ “bách độc bất xâm”, nhưng thực ra, họ chỉ giỏi đứng gồng ở đó. Bên trong, họ vẫn xao động. Và tất nhiên, có những người biến chất, điều đó cho thấy họ quá mẫn cảm với mọi thứ, đến mức họ phải biến chất.
Tương tự như vậy, thất bại không phải là mẹ thành công. Thất bại là một thể nghiệm đau đớn mà nếu có thể tránh, hãy cố gắng tránh. Bạn không có quá nhiều thời gian để thử và sai, làm lại, và sai, và làm lại. Không có.
Mỗi lần thất bại là một vết thương rạn vỡ, là sự trả giá, và đôi khi, thất bại đó phải trả giá bằng những thứ mà cả đời không thể nào lấy lại được. Thời gian trôi đi không trở lại, cha mẹ bạn sẽ già đi, thanh xuân của bạn cũng trôi đi. Bạn có vô số cơ hội về sau, nhưng những cơ hội đó đã là một bối cảnh khác.
Bạn có bao nhiêu tuổi trẻ để chờ đợi?
Bạn có bao nhiêu thời gian để khắc phục?
Vậy nên, hãy thận trọng trong kết giao và lựa chọn trải nghiệm sống, để đảm bảo bạn dành thời gian và tâm sức cho những mối quan hệ lành mạnh, công việc lành mạnh và lý tưởng lành mạnh.
Nhưng cũng đừng thận trọng đến mức trì hoãn và chần chừ. Như câu đã nói ở trên, bạn có bao nhiêu tuổi trẻ để chờ đợi?
Chúng ta có bao nhiêu thời gian để chờ đợi?