Có những cách lý giải, bạn sẽ thấy cảm động vô cùng và nghĩ đó là đỉnh cao, nhưng nó chỉ quẩn quanh trong tinh thần nhân đạo. Nhân đạo chưa phải là điểm đến cuối cùng của nhận thức, bởi vì nó vẫn là nhị nguyên (tính 2 mặt). Khi bạn cản con rắn ăn con ếch, bạn cảm thấy mình có lòng nhân, vậy con rắn thì sao?
Cho nên, “tinh thần nhân đạo” vẫn là “theo cảm nhận của con người”. Hạn chế của nó là: bạn sẽ bỏ qua những thứ không liên quan đến con người, hoặc con người không thể cảm nhận được. Ví dụ: Bạn không cảm nhận được khúc gỗ đang đau nên bạn đẽo nó. Nghiệp của bạn khiến bạn không thấy khúc gỗ đang đau. Mắt và tai của bạn thấy con lợn đau đớn la hét khi bị giết thịt nên bạn không nỡ ăn, cũng bởi vì nghiệp khiến cho bạn cảm nhận được sự đau đớn đó và động lòng bi mẫn. Với những người đang có nghiệp khác, họ không cảm nhận được sự đau đớn của con lợn, không đồng cảm và từ bi được (nên họ sẵn sàng mổ xẻ).
Suy cho cùng, con người hầu hết vẫn nằm trong giới hạn bởi nghiệp. Có nghiệp từ những ký ức cảm xúc đã lưu trữ (đứa con nít mới sinh không biết sợ sâu, nhưng nếu người lớn dạy cho nó sự sợ hãi đối với sâu thì nó bắt đầu sợ). Có nghiệp của các giác quan (mắt, mũi, miệng, tai…). Bạn cảm thấy giết con muỗi ít tội hơn giết con lợn, con gà… vì mắt của bạn không đánh giá được mức độ đau đớn quằn quại của con muỗi khi nó bị giết. Đó là giới hạn của mắt.
Vì bạn không thấy trong lòng người kia đang tan nát như thế nào – nên bạn nghiễm nhiên đối xử với họ theo cách bạn nghĩ là đúng. Bạn thiện hay ác? Đúng hay sai cũng chỉ là nghiệp của mỗi người.
Và trong nhận thức của bạn, bạn có xu hướng xót thương cho kẻ yếu thế hơn. Vì vậy, bạn nghĩ con hổ ăn con thỏ thì con hổ hung ác. Nhưng trong bản chất của sự thật, nếu con mạnh không ăn những thứ yếu thế hơn thì làm sao nó ăn được những thứ mạnh hơn? Những người ăn chay và động vật ăn thực vật (như voi, thỏ, trâu, bò…) cũng là đang ăn những thứ yếu thế hơn (cây cối không biết chạy) và đang ăn những thứ phù hợp với dạ dày của nó.
Cho nên, con người bị ràng buộc bởi nghiệp của mình và họ sẽ cảm động với tinh thần nhân đạo hơn. Họ dễ mở lòng với tình thương và lòng trắc ẩn hơn. Đó là lòng bi mẫn. Bi mẫn là không nỡ thấy cảnh đau đớn xảy ra.
Vì vậy, các vị thầy muốn chạm vào con người (để dẫn dắt) thì phải đánh vào tinh thần nhân đạo (như Mohanji đang làm). Khi bạn còn đang chới với thì họ sẽ chỉ ra cho bạn đây là con đường đúng, con đường thiện, mục đích để bạn đỡ đau khổ hơn. Nhưng nếu chỉ quẩn quanh trong nhân đạo (thiện ác, đúng sai) thì bạn sẽ còn nhìn người kia (người bạn cho là ác) như một người ngoài. Ồ, tôi thiện, còn những người kia ác.
Vì vậy, nếu là minh sư thực sự thì họ sẽ dẫn bạn lên một bước nữa, là không có thiện ác nữa. Đây là điều mà Sadhguru và Mohanji đều đang hướng tới.
Bởi vì ban đầu vũ trụ không có gì, sau đó từ cái không có đó, phôi thai thành ý thức tối thượng và thuần khiết. Sau đó, ý thức đó bùng nổ thành muôn vàn sự vật hiện tượng, có cái vô hình như không khí, khinh khí…, có cái hữu hình như đất đá, động vật, con người. Ý thức tối thượng đó cũng bùng nổ thành các khía cạnh cảm xúc, suy nghĩ, lời nói, hành vi… Ý thức tối thượng đó tự biểu hiện thành thiện ác, đúng sai. Nó tạo thành vũ trụ bao la và bao la, thành các hành tinh với xã hội của nó, và cũng biểu hiện thành bạn, vận hành với con đường nghiệp của bạn và với đủ kiểu cảm xúc, dự định của bạn…
Trong khi bạn đang ngồi đây đau đầu vì Tết này không có tiền xài hay giấc mộng lớn của bạn chưa thành thì ý thức tối thượng (Thượng Đế, Tạo Hóa) chỉ đơn giản là bùng nổ chính mình thành vạn vật, thành bạn, thành kẻ thù của bạn… biểu hiện thành tất cả những thứ có thể… cho đến khi năng lượng của nó tự cạn kiệt và tiêu biến dần, trở về trạng thái ban đầu của nó là “không có gì”. Vậy thì lúc đó bạn cũng tan rã, giải thoát. Kẻ thù của bạn, kẻ sát nhân, kẻ độc ác nhất thế giới… khi nó đi hết quá trình nghiệp lực của nó, nó cũng sẽ tan rã và giải thoát. Một người tu hành chân chính, một thiện tri thức, một minh sư… đi hết quá trình nghiệp của họ thì cũng giải thoát, viên mãn nghiệp.
Nên Sadhguru nói bạn và kẻ thù của bạn rồi sẽ giải thoát như nhau, chỉ là người nhanh người chậm, người trước người sau thôi.
P/s: Bạn đang sống trong cộng đồng người như thế nào thì bạn giao tiếp theo mức độ của cộng đồng đó. Người ta đang ở chủ nghĩa nhân đạo mà bạn nói không có thiện ác đúng sai thì người ta sẽ không hiểu. Sẽ bất tiện cho cuộc sống của bạn, thậm chí người ta còn tưởng bạn điêngggg kaka.
Thông thái thì phải thích nghi tốt.
Không thích nghi được thì rõ ràng chưa thông thái lắm.