Thiền là một vấn đề mà nếu nói ra thì sẽ có rất nhiều người xâu vào tranh cãi. Người này nói Thiền là tập trung vào một cái gì đó, người kia nói Thiền là không nghĩ gì cả, người nọ nói Thiền là để khai mở con mắt thứ ba, để xuất hồn…
Thật ra, Thiền là ngậm miệng lại, đừng ham nói.
Khi bạn cứ suốt ngày lộn xộn, chứng minh thế này là Thiền, thế kia là Thiền, người này Thiền đúng, người kia Thiền sai… thì làm sao bạn có thể chạm đến cánh cửa của Thiền?
Thật ra, mình không bảo bạn trở thành một người câm. Bạn vẫn nói những gì cần thiết, vẫn nói những lời đẹp đẽ, vẫn sống hòa nhập với mọi người. Nhưng khi bạn nghe ai đó nói một điều mà bạn không vừa ý, bạn không cần nhào vô chiến đấu với người kia. Khi bạn lang thang trên mạng và thấy một video nào đó, ví dụ như video này, bạn không cần nhào vô tranh cãi rằng mình nói sai rồi, Thiền không phải như vậy, Thiền phải là như thế này, như thế kia…
Lúc đó, nếu mình không trả lời bạn, bạn sẽ thấy không được tôn trọng. Nếu mình trả lời bạn thì cả mình và bạn đều đang lộn xộn. Như vậy, làm sao chúng ta có thể Thiền!
Thiền là không vướng bận, không vướng mắc vào bất kỳ điều gì. Người ta nói thế nào cũng được. Nếu giống ý bạn thì tốt, không giống thì cũng tốt luôn.
Thường thì khi ai đó biết được một điều gì đó hay ho, họ liền tôn thờ điều đó và cho rằng đó là chân lý. Vì vậy, nếu có ai đó nói trái ý họ, họ sẽ sẵn sàng lao vào chiến đấu với người kia. Khi bạn cứ mãi mắc kẹt vào cái mà bạn cho là chân lý, làm sao bạn có thể giải thoát?
Hãy chấp nhận sự khác biệt. Đấng tạo hóa có bao giờ khó chịu vì những rác rưởi trên cuộc đời này không? Không. Trong cái nhìn của tạo hóa, hoa thơm và rác rưởi đều như nhau. Chỉ có bạn mới không thích sự khác biệt, bởi vì bạn quá độc tài và bạn chỉ biết cái bạn tin là đúng.
Hãy xem, nếu bạn cho rằng chỉ có cái bạn tin là đúng, bạn sẽ giống như một mũi tên. Bạn sẽ cắm vào hồng tâm và dính luôn ở đó.
Bạn biết đó, Sadhguru có rất nhiều video nói về Thiền và ở mỗi video, ông lại có một cách giải thích khác nhau, một góc nhìn khác nhau. Mỗi người nghe, tùy theo nền tảng của họ mà họ sẽ hợp với một kiểu hướng dẫn nào đó, và họ thực hành, và họ thành công.
Cho nên, bước đầu tiên để trở nên Thiền định chính là ngậm miệng lại, bớt thể hiện. Người ta không mượn mình giáo huấn thì mình đừng nói. Câu này nghe dễ tổn thương he, nhưng thực sự là vậy!
Đó là bước thứ nhất.
Bước thứ hai của Thiền chính là ngồi im.
Thường thì khi ngồi Thiền, chúng ta cứ cố gắng tập trung, vì vậy, chúng ta mau chóng kiệt sức và dễ tẩu hỏa nhập ma. Bởi vì khi bạn cố gắng, bạn sẽ phải dùng nhiều năng lượng của chính mình để duy trì điều đó, cho nên bạn thấy mệt, thấy đuối, đó là điều tất nhiên.
Cũng có người khuyên bạn rằng bạn nên tập trung vào một cái gì đó: ví dụ như một câu niệm Phật hoặc hình ảnh của một vị Phật mà bạn yêu thích… Có người thì khuyên bạn nên tập trung vào nguồn ánh sáng mà bạn thấy trong mắt (khi bạn nhắm mắt lại).
Nhưng nếu bạn không làm theo các cách đó được? Bạn không thể ngồi yên và bạn cảm thấy rất khó để tập trung thì bạn có thể làm theo cách này: Khi bạn ngồi Thiền, bạn hãy tự nói với mình rằng:
“Thiền không phải là cái gì đó khắc nghiệt và khó khăn. Nó chỉ đơn giản là ngồi im thôi”.
Sau đó, bạn nhắm mắt lại và ngồi im như vậy. Chỉ là ngồi yên thôi, không phải làm cái gì cao siêu cả. Bạn đã tạo nghiệp quá nhiều, bây giờ bạn chỉ cần ngồi yên thôi, ngừng tạo nghiệp mới, hít thở tốt thì nghiệp cũ sẽ dần dần tan rã. Bởi vì có thứ gì có thể tồn tại mãi với thời gian đâu? Cho nên nghiệp của bạn sẽ tự tan rã.
Có thể trong lúc ngồi Thiền, những suy nghĩ sẽ hiện lên trong đầu của bạn, bạn cứ kệ nó, cứ để nó suy nghĩ. Khi bạn không thấy khó chịu với những dòng suy nghĩ của mình thì tự nhiên, nó sẽ không còn là vấn đề của bạn.
Nhiều người khi ngồi Thiền cứ cố gắng không suy nghĩ. Nhưng rồi họ không làm được, phải không?. Bạn biết đó, tâm trí này là thứ mà bạn không thể chống lại nó. Khi một dòng suy nghĩ đã được khơi lên thì nó sẽ tuôn chảy không ngừng. Khi bạn không chú ý đến nó nữa, nó sẽ biến mất.
Trong những lần đầu, có thể bạn sẽ thấy có 3, 4 dòng suy nghĩ cùng chạy trong tâm trí bạn. Khi đó, bạn cứ dễ chịu với nó, cứ để nó diễn ra. Điều quan trọng là bạn đừng cho rằng nó là vấn đề. Đừng nghĩ Thiền định là phải ngừng suy nghĩ. Chỉ khi bạn chết não, bạn mới ngừng suy nghĩ, phải không?
Thiền là những dòng suy nghĩ ấy vẫn tiếp tục với nghiệp quả của nó, nhưng bạn không bị vướng vào nó. Khi đó, bạn sẽ thoát khỏi nghiệp quả của tâm trí.
Mình muốn bạn biết điều này, khi bạn ngủ, não của bạn vẫn tiếp tục suy nghĩ, nhưng bạn đâu thấy mệt mỏi với nó, phải không?
Vậy thì tại sao khi bạn ngồi Thiền, bạn lại thấy khó chịu với những suy nghĩ của mình?
Vì vậy, đừng khó chịu với những suy nghĩ trong đầu, nó suy nghĩ, cứ kệ đó. Khi nó, bạn sẽ dần dần trở nên thiền định.
Vậy, Thiền để làm gì?
Nếu bạn bước vào Thiền định với những toan tính rằng: bạn sẽ được khai mở con mắt thứ ba, bạn sẽ xuất hồn và đi tới cảnh này cảnh kia, bạn sẽ có thần thông, bạn sẽ có sức khỏe, bạn sẽ trở thành đấng này đấng nọ… thì rõ ràng, bạn vẫn còn trong vòng nhân quả. Bạn bỏ ra thời gian để làm cái này và bạn muốn có được cái kia.
Hiển nhiên, khi ngồi Thiền, bạn sẽ có được một số lợi ích nhất định như: bạn bớt tạo thêm nhiều nghiệp mới, thân tâm bạn tĩnh lặng hơn, bạn cải thiện được một số bệnh tật của mình, bạn nhận được một nguồn năng lượng nhất định…
Nhưng tất cả những thứ đó chỉ là những hệ quả kèm theo. Nó cũng giống như việc bạn đứng lâu thì bạn mỏi chân và bạn ngồi xuống thì tự nhiên hết mỏi.
Vậy, cảnh giới thực sự của Thiền định là gì?
Thật ra, mình gọi là cảnh giới cho dễ hiểu chứ thực ra, thiền định làm gì có cảnh giới! Làm gì có chuyện ngồi Thiền đạt được cấp độ này, cấp độ kia… Thiền không phải là một cuộc thi đánh giá năng lực.
Thiền đơn giản chỉ là một sự trở thành. Bạn trở nên thiền định. Chỉ có vậy.
Vậy, thiền định sẽ đưa bạn đến đâu? Hay nói cách khác, cảnh giới tối thượng của Thiền định là gì?
Thiền định thực sự sẽ đưa bạn đến sự tan rã và hợp nhất, nghĩa là giải thoát. Đó là sự giải thể. Không còn cơ thể vật chất, cũng không còn linh hồn.
Nhưng nếu bây giờ, bạn nói với người ta rằng hãy thiền đi, để tan rã cả thể xác lẫn linh hồn thì ai sẽ dám thiền?
Bởi vì họ chưa sẵn sàng cho chuyện đó.
Ai đó đã nói: chỉ khi giọt nước hòa tan vào đại dương thì nó mới không cạn mà thôi. Nhưng bây giờ, giọt nước đó chưa sẵn sàng, bởi vì nó không thể chịu nổi mấy giọt nước khác. Giọt nước sông không muốn hòa với giọt nước biển, cũng không muốn hòa với giọt nước mưa, nó càng ghét hơn mấy giọt nước trong ao hồ và nó bực bội làm sao với giọt nước tiểu… Như vậy đó! Rất hiếm những giọt nước sẵn sàng giải thể!
Và không phải bạn muốn giải thể là được. Trước khi có một sự chuyển biến lớn lao trong bạn, bạn phải tự hỏi mình: bạn đã tích lũy đủ chưa?
Bạn có làm chủ được cơ thể, tâm trí, cảm xúc và năng lượng của chưa?
Hay bạn vẫn còn đang khổ sở vì người này người kia, chuyện này chuyện kia?
Bạn biết đó, nếu bạn muốn một cái cây nở hoa, bạn không thể ngồi đó và kêu hoa nở. Bạn phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho nó. Bạn phải chuẩn bị đất, bạn phải tưới nước, bón phân…
Thiền định cũng như vậy.
Khi bạn không bị vướng bận bởi cơ thể, cảm xúc, tâm trí và năng lượng của bạn, bạn sẽ trở nên thiền định.
Lúc đó, bạn không cần ngồi xuống nhắm mắt, thậm chí không cần nghĩ đến chuyện thiền định, bởi vì nó sẽ là như vậy.
***
À, liên hệ một chút nha.
Có những người cũng tích cực ngồi Thiền lắm nhưng ngồi xong thì họ vẫn quạo quọ, vẫn cáu gắt như thường. Thậm chí, mỗi ngày, họ lại càng khó chịu hơn, đau khổ nhiều hơn. Điều đó có nghĩa là gì?
Họ vẫn chưa thực sự thiền định. Họ chỉ đang luyện cái gì đó mà họ nghĩ rằng sau khi đạt được nó, họ sẽ trở nên ghê gớm, và mọi người phải quỳ rạp dưới chân họ, quỳ bái họ, tôn thờ họ… Họ đang nuôi tham vọng trở thành siêu nhân.
Không. Hệ quả của thiền định là sự dễ chịu, nó giống như cảnh Đức Phật ngồi ngắm hoa và không bận tâm giảng pháp. Ngài ấy cứ ngồi trong sự dễ chịu đó. Tâm pháp đó, chỉ có Ma Ha Ca Diếp nhận ra, vì vậy, Ma Ha Ca Diếp mới trở thành sơ tổ của Thiền tông Ấn Độ.
Vì vậy, muốn biết một người nào tu có đắc quả không, Thiền có thành công không… thì hãy nhìn vào gương mặt họ. Nếu nó ngày càng tươi hơn, dễ chịu hơn… thì người đó thành công.
Ngược lại, nếu bạn nhìn vào gương và thấy một gương mặt cau có, sầu khổ, nặng nề… thì bạn vẫn chưa thành công. Hãy thay đổi chính mình.
Cuối cùng, có người sẽ hỏi: Thiền bao lâu là đủ?
Câu trả lời là: tùy vào thời gian bạn rãnh rỗi. Nếu bạn đang có một bầy con thơ và rất nhiều công việc phải làm thì bạn chỉ cần ngồi im 5 – 10 phút là được. Nhưng, đó phải là thời gian chất lượng. Bạn có thể thiền trước khi đi ngủ vì khi đó, công việc gia đình đã được thu xếp xong và bạn có thể dành trọn vẹn 5 – 10 phút đó cho thiền định. Chất lượng quan trọng hơn số lượng. Hiển nhiên, nếu bạn có nhiều thời gian hơn thì bạn có thể ngồi lâu hơn nếu bạn muốn. Nhìn chung, đừng để việc ngồi thiền ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, cuộc sống và các mối quan hệ của bạn. Thà là bạn không ngồi thiền, còn hơn là cố chấp ngồi thiền cho lâu để rồi đau lưng, con cái không ai chăm sóc, công việc không kịp bàn giao…
Trên tất cả, bạn phải biết Thiền định là để sống tốt hơn, chứ không phải để trở thành cái gì đó ghê ghớm và làm màu với mọi người. Đừng thiền định khi cơm chưa nấu, bởi vì lát sau bạn sẽ đói.
Cuối cùng, cái mà chúng ta hướng tới là: sau khi trải nghiệm việc ngồi im với trạng thái không vướng bận, chúng ta quay trở lại cuộc sống và nhìn nó một cách ung dung, thư thái hơn – nhìn nó bằng trải nghiệm không vướng bận. Mỗi ngày học cách nhìn đời bằng đôi mắt dễ chịu hơn thì dần dần, chúng ta sẽ trở nên thiền định mà không cần phải ngồi.
Bạn có thể hạnh phúc mà không cần phải đến cực lạc.
***
Chào bạn. Mình là Nhi, người viết bài này, cũng là admin của kênh Youtube Phụng Nghi Đồng Tuyết Nhi.
Bạn có thể liên hệ mình qua sdt 0979 254 124.
Bạn cũng có thể thưởng cho mình ly sữa để tiếp tục viết văn qua stk Agribank 1800 259 157 122 (Đồng Tuyết Nhi).
Cảm ơn bạn.