Vị thuốc “thục địa” là củ của cây địa hoàng được đem đồ, phơi rồi tẩm 9 lần như thế (gọi là “cửu chưng cửu sái”) cho thành dược liệu (có màu đen nhánh, mềm, nhĩn và có vị ngọt).
Nội dung chính ⇒
Thục địa mua ở đâu?
Bạn có thể mua vị thuốc này tại các hiệu thuốc Bắc hoặc mua online qua các cơ sở uy tín.
Thục địa nấu sâm bí đao, bà bầu uống được không?
Thục địa là một vị thuốc thực thụ, vì vậy, phụ nữ mang thai chỉ nên dùng khi được thầy thuốc yêu cầu.
Với nước sâm bí đao, đây là món thường được nấu từ thục địa, bí đao, hoa cúc, la hán quả… nên bà bầu cũng không nên uống, nhất là giai đoạn đầu (vì sẽ dễ gây sảy thai do quá mát, lợi tiểu mạnh).
Xem thêm: Cách nấu nước sâm bí đao
Thục địa có tác dụng gì, chữa bệnh gì?
Thục địa tính hơi ôn (ấm) và nổi tiếng là vị thuốc tư âm bổ huyết.
Vì vậy, nó thường được dùng với các công dụng như:
- Dưỡng âm, bổ máu, nuôi thận, làm đen râu tóc.
- Làm nhuận nhan sắc, dưỡng nhan, sáng mắt.
- Bổ máu huyết, bổ cốt tủy, bổ gan thận, ích tinh (sinh tinh).
- Tăng cường sức khỏe, giúp thân thể cường tráng.
- Bồi bổ cho người lao tâm khổ trí khiến cho huyết hư.
- Bồi bổ cho người túng dục quá độ dẫn đến hao tổn tinh khí.
- Điều trị ho do âm hư.
- Điều trị chảy máu tử cung.
- Điều trị thận âm suy (gây khó thở, nóng âm ỉ, tiểu đường, hư hỏa bốc lên gây xuất huyết…).
Cách dùng làm thuốc: lấy 10 – 30 g dược liệu, sắc lấy nước uống trong ngày theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Lưu ý khi dùng làm thuốc
- Khi đồ, nấu thục địa không được dùng dụng cụ bằng đồng hoặc sắt (vì sẽ gây tổn huyết, hại thận, làm bạc tóc…). Nên dùng dụng cụ bằng sành, đất, sứ, thủy tinh…
- Không nên dùng vị thuốc này cùng với thông bạch (hành hoa, hành củ), phỉ bạch, hẹ, la bặc (củ cải), bối mẫu, vô di… (5).
- Những người không nên dùng: Người thể tạng hư hàn, dương khí suy, hệ tiêu hóa yếu, đầy bụng, tiêu chảy, thổ tả và hoành cách mô ngực bị sưng phồng… không nên dùng.
***
Thật ra, nhìn cái cục thục địa đen thui, người ta sẽ không nghĩ đây lại là vị thuốc rất tốt cho sức khỏe phái nữ. Có người còn tưởng nó là một khối bột nhão đen, thật ra, nó là rễ củ của cây địa hoàng. Sau khi nấu trong nước, nó sẽ nở ra, to hơn rất nhiều và bạn sẽ thấy hình dáng từng lát củ của nó.
Trong các công thức nấu nước sâm thì luôn luôn có thục địa vì nó giúp tạo màu đen cho nước sâm, đồng thời giúp dưỡng âm và bổ máu huyết. Phụ nữ chúng ta, da dẻ có đẹp hay không đều là nhờ máu huyết. Vì vậy, trong các bài thuốc dùng cho phụ nữ cũng thường có vị thục địa.
Tư liệu tham khảo
- Thiên Kim, Những phương thuốc làm đẹp từ cây thuốc nam, NXB Mỹ Thuật, trang 29.
- Thục địa, http://www.baophuyen.com.vn/portals/0/quangcao/TRACUUDONGDUOC/TUDIEN/THUOC/THUCDIA.HTM
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1.
- Thục địa, sinh địa hoàng (cây địa hoàng) và cách điều trị bệnh phụ khoa, https://caythuoc.org/cay-dia-hoang.html