Khách hỏi: em ghi uống trước khi ăn nhưng không ghi cụ thể mấy phút thì làm sao khách biết mà uống chính xác em?
Anh chất vấn em thì em chất vấn anh để xứng đáng với anh, sẵn lâu lâu đổi văn phong cho mọi người giải trí, chứ hiền hoài, bải buôi hoài thì làm sao mọi người biết em mất dạy xéo xắt khó ưa, e e…
Thứ nhất, thuốc của trung tâm Sadhguru, họ hướng dẫn uống trước khi ăn và họ cũng không nói mấy phút. Những người khác đang bán cũng không nói mấy phút, nhưng nếu anh hỏi em thì em sẽ nói 15 phút trước khi ăn là thời điểm vàng để uống, vì 15 phút đủ để thuốc thấm vào dạ dày và tới những nơi cần tới. Nhưng nếu không có thời gian chờ đợi thì anh uống 10 phút hay 5 phút trước khi ăn cũng được. 3 phút cũng được. 1 phút cũng được, đủ thời gian thể thuốc trán qua 1 lớp ở dạ dày là được. Để làm gì? Để làm dịu, kháng viêm, làm lành dạ dày và hấp thu thuốc tốt hơn.
Điều quan trọng là: vì các thuốc này không gây xót dạ dày nên mới có thể uống trước khi ăn, lúc dạ dày rỗng (ví dụ như neem, nilavembu, bơ ghee… là các thuốc đắng hoặc bổ…, uống trước khi ăn là hợp lý vì không xót dạ dày, lại nhuận / xử lý tốt các vấn đề về viêm sưng dạ dày…).
Thứ hai, em không ghi cụ thể mấy phút vì thật ra hầu hết mọi người sẽ không nhớ nổi và hầu hết mọi người đều bận rộn, lấy đâu tâm tư mà uống rồi nhớ 15 phút sau mới ăn cơm (thật ra 1 tiếng sau họ mới ăn vẫn được). Nhìn chung, mọi người nhớ “uống trước khi ăn” là may rồi. Và uống trước khi ăn là hiệu quả vì lúc đó dạ dày trống, thuốc không bị hòa loãng với thức ăn nên được hấp thu tốt hơn.
Em vốn dĩ thích sự tuyệt đối, nhưng cuộc sống, hầu hết chỉ là tương đối thôi.
Nếu gọi là kỹ thì phải xem xét người đó nặng bao nhiêu kg rồi điều chỉnh liều lượng. Người dưới 50 kg sẽ uống liều lượng khác người trên 50 kg. Người sức khỏe tốt sẽ uống liều lượng khác người đang bệnh hoặc đang uống thuốc khác. Người hấp thụ tốt sẽ có liều khác người hấp thụ kém, thậm chí phải cộng thêm thuốc khác cho người hấp thụ kém.
Về chất lượng thuốc, củ sâm được thu hoạch mùa đông, lúc cây rụng lá hoàn toàn… sẽ có dược tính khác củ sâm thu hoạch mùa hạ. 100 g thuốc được khai thác hôm nay mang dược tính khác hoàn toàn 100 g thuốc đã lưu trữ 1 năm.
Trong người anh có đủ enzyme và các hoạt chất để xử lý dược chất của thuốc đó không, lại là một vấn đề nữa. Tại sao cùng 1 loại thuốc, có người uống hiệu quả, có người không hiệu quả? Vì thể trạng và khả năng hấp thụ khác nhau.
Chưa kể họ có bệnh lý nền khác nhau nữa.
Vậy nên, nếu gọi là kỹ lưỡng thật sự thì phải bắt mạch, chẩn đoán rồi kê toa riêng cho từng người. Phải kỹ tới cách thu hái thuốc và bào chế nữa. Nhưng nếu kỹ tất cả những điều này thì không khả thi vì không đủ thời gian và khả năng kiểm soát.
Nhưng tạo hóa rất hay. Dù anh uống thiếu liều, thuốc vẫn có tác dụng nhất định, cho nên nói kỹ thì người ta kỹ tới mức cân thuốc theo gam, theo “chỉ”. Nói sơ sài thì anh thấy đó, người ta bốc thuốc theo nắm, nhất là trong các hội thuốc nam, cứ mỗi loại 1 nắm rồi hốt thôi. Nhưng đằng sau sự sơ sài này là cả một khoa học, lẽ ra phải là chính nắm tay của người bị bệnh hốt ak, bởi vì nắm tay của họ sẽ tỉ lệ và đồng bộ với cơ thể họ. Mỗi người có một nắm tay to nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, giờ thì chủ yếu thầy thuốc tự bốc thuốc và bốc theo phán đoán của họ. Mỗi người bệnh, họ sẽ bốc các vốc tay to nhỏ khác nhau, tùy theo bệnh nhân.
Sơ sài hơn, em thấy nhiều chỗ hốt thuốc Nam, họ cho 1 người khác đứng bốc thuốc nên ai cũng uống 1 lượng như nhau. Vậy có hiệu quả không? Có chứ, nếu đúng thuốc, đúng bệnh và không quá liều thì nó vẫn hiệu quả. Tự nhiên vẫn ưu ái cho con người lắm, dù anh dùng không đúng liều (không đúng từng gam như cơ thể anh cần) thì nó vẫn hiệu quả dần dần. Nhưng đâu ai muốn vậy đúng không, ai cũng muốn chính xác, chỉ là mất thời gian hơn thôi. Gọi là khám kỹ thì phải mất ít nhất 3 tiếng vừa chẩn đoán, vừa kê toa và hướng dẫn lối sống bệnh nhân nữa.
Đây là nói thuốc Nam thuốc Bắc, với những vị thuốc có hàm lượng dược tính vừa phải thì sai lệch hàm lượng tí xíu không sao. Chứ thuốc tây mà sai 1 g thôi là mệt rồi ak. Và thuốc Đông y, một số vị có độc cũng phải kỹ từng gam vì chênh lệch tí xíu là từ “biệt dược” thành “độc dược” liền.
Cuộc sống, có những thứ cho phép mình sai lệch thì sai lệch, nếu tính kỹ quá thì khó sống. Nếu ai đó xem lượng calo mỗi ngày cần tiêu dùng rồi ngồi đó phân tích xem củ cải này bao nhiêu calo, bao nhiêu vitamin A, bao nhiêu tinh bột… rồi rau xà lách bao nhiêu chất xơ, bao nhiêu kẽm…, rồi bao nhiêu muối, bao nhiêu đường… thì sẽ điên đầu mất. Sẽ sống không nổi. Phải chết thôi.
Như em bán hàng cũng vậy, đầy nhược điểm như tính tiền sai, quên gửi hàng, gửi hàng thiếu, gửi nhầm, bao bì xấu… Đầy những lỗ hổng ở đó, nhưng cuộc sống vẫn bao dung và em vẫn bán được hàng. Em cũng muốn mình tối ưu tuyệt đối chứ, nhưng khi em chưa làm được, lẽ nào em sẽ ngưng bán và bỏ qua những gì mình có thể làm được?
Thuốc từ thảo dược khó đòi hỏi tuyệt đối được, đặc biệt là thuốc không kê toa và bán rộng rãi trên thị trường. Vì mức độ rủi ro và nguy hiểm thấp nên mọi người có thể tự mua tự dùng, không cần ra bệnh viện. Mặt khác, một số thuốc thường ghi uống từ 2 – 4 viên là để mình tự điều chỉnh theo cảm nghiệm của mình, hoặc theo hướng dẫn của thầy thuốc, và thầy thuốc đầu tiên là chính bản thân mình (hiển nhiên, nếu mình không có kiến thức cơ bản thì phải hỏi thầy thuốc có bằng cấp rồi kaka).
Em cảm thấy mỗi người cần học kiến thức cơ bản về thuốc và sức khỏe để tự làm bác sĩ cho mình, trước khi bất lực và phải ra bệnh viện tìm một bác sĩ – không phải là mình.