Gọi là rau nhưng tía tô thực chất là một vị thuốc trong y học cổ truyền với tên gọi “tử tô”, “tử” có nghĩa là màu tía (vì lá cây có màu tía).
Đây là vị thuốc chuyên “giải biểu”, nghĩa là thúc cho cơ thể tiết ra mồ hôi, từ đó giúp giải cơn sốt do cảm lạnh gây ra.
Lá tía tô giúp tăng huyết áp
Theo kinh nghiệm cá nhân của mình thì sau khi uống nước nấu từ lá tía tô (khoảng 10 lá mỗi ngày), huyết áp của mình tăng lên một chút và mình thấy khỏe hơn (vì mình bị huyết áp thấp), mụn trên mặt mình cũng giảm và mình ít bị chóng mặt hơn (lúc trước, mình hay bị chóng mặt, xây xẩm do tụt huyết áp).
Cây tía tô có tác dụng gì? Lá tía tô trị bệnh gì?
Rau tía tô có vị cay, có mùi hương đậm đặc trưng và có tính ấm. Khi dùng làm thuốc, nó thông vào phổi, làm ấm phổi, đồng thời cũng thông vào tim và lá lách.

Trong Đông y, tía tô (tử tô) điều trị được rất nhiều bệnh như cảm lạnh, ho, hen, khó thở, đàm suyễn, tức ngực, dị ứng cua, cá và rối loạn tiêu hóa.
Cụ thể như sau:
1. Cách dùng tía tô chữa cảm lạnh
- Cách 1 – xông hơi: dùng 100 g lá tía tô (tươi), 100 g lá húng chanh (tươi), 100 g cành và lá kinh giới (tươi, nếu có nụ thì càng tốt) và 100 g lá gừng vàng (nếu có), tất cả nấu sôi rồi xông hơi.
- Cách 2 – nấu nước uống (dùng cho trường hợp cảm lạnh có kèm đau bụng, nôn mửa): lấy 1 lá tía tô, 1 miếng vỏ quýt khô (loại vỏ đã để lâu càng tốt) và 3 lát gừng tươi, nấu lấy nước uống (nấu nước cho sôi rồi mới để các vị thuốc trên vào, lúc này nước sẽ bớt sôi và bạn đợi nước sôi lại thì tắt bếp, nhắc xuống và uống khi thuốc còn ấm nóng, có thể cho thêm đường phèn để dễ uống).
- Cách 3 – nấu cháo: lấy 10 lá tía tô tươi, rửa sạch, thái sợi rồi bỏ vào tô cháo trắng nóng hổi và ăn, nếu có hành thì cho thêm chút hành (xắt nhỏ) vào tô cháo nóng ấy rồi cùng ăn. Sau khi ăn thì đắp mền cho đổ mồ hôi là hết cảm lạnh.

2. Điều trị thương hàn ho suyễn
Mỗi ngày, lấy một nắm lá tía tô tươi, rửa sạch rồi nấu lấy nước, uống dần trong ngày thì từ từ sẽ hết cơn suyễn.
3. Điều rối loạn tiêu hóa và dị ứng cua cá (gây đau bụng, tiêu chảy, nổi mẩn)
- Cách 1: Lấy một ít lá tía tô tươi, giã nát, vắt lấy nước uống. Đồng thời, lấy thêm lá tươi, giã nát và thoa lên chỗ bị nổi mẩn (nếu có nổi mẩn).
- Cách 2: Với trường hợp ngộ độc, dị ứng do cá; nếu không dùng cách trên, bạn cũng có thể lấy 50 g lá tía tô (tươi) và 50 g rau diếp cá (tươi), nấu lấy nước uống.
Lưu ý: Cách phòng ngừa dị ứng khi ăn các loại hải sản, thủy sản và các loại thịt tanh là nên ăn kèm lá tía tô. Tuy nhiên, không được ăn cá chép với lá tía tô vì hai thứ này kỵ nhau (có thể gây nổi nhọt).
4. Điều trị sưng vú (đau nhức và sưng đỏ)
Lấy một ít lá tía tô tươi (khoảng 10 lá), nấu lấy nước hơi đặc rồi chắt ra uống (xác lá thì để bớt nóng, chỉ còn ấm thì đắp lên chỗ sưng).
5. Điều trị mộng tinh (ở nam giới)
Lấy 100 g hạt tía tô, nghiền nát rồi để uống dần, mỗi lần uống 4 g, hòa với rượu và uống (ngày uống 2 lần).
6. Điều trị trẻ em bị lở dương vật, nước mủ rỉ ra mãi không lành
Lấy 1 nắm lá tía tô tươi (chọn lá sẫm màu), ngâm nước rồi rửa kỹ, sau đó nghiền cho nát nhuyễn rồi đắp vào chỗ lở loét.
7. Giúp giải độc do ăn cua
Lấy 1 nắm lá tía tô tươi (nắm to), đem rửa sạch, nấu lấy nước thật đặc rồi uống khi nước còn ấm.
8. Dị ứng do tiếp xúc với nước lạnh hoặc ăn món tanh, hải sản
Lấy một nắm lá tía tô tươi, giã nát rồi vắt lấy nước uống, phần xác lá thì đắp lên chỗ dị ứng (lưu ý không được ra gió và tránh dầm nước, dầm mưa).
9. Giúp cầm máu vết thương ngoài da
Lấy lá tía tô non, nhai cho nát nhuyễn rồi đắp lên vết thương. Với trường hợp vết thương chảy máu nhiều, ta lấy thêm lá tía tô khô (nếu không có thì lấy lá tươi cho vào chảo, sao lên cho khô giòn), tán thành bột rồi rắt lên vết thương thì máu sẽ ngưng chảy hẳn (và vết thương cũng sẽ không bị nhiễm khuẩn, làm mủ).
10. Điều trị nôn mửa khi có thai, thai trồi lên hoặc đang có thai nhưng đau bụng và ra huyết
Lấy 5 – 10 g thân và cành tía tô, nấu lấy nước uống.
Uống lá tía tô nhiều có tốt không?
Với lá tía tô, bạn cần uống đúng liều lượng, không nên uống quá nhiều vì sẽ gây tác dụng phụ. Ngoài ra, sau khi khỏi bệnh thì bạn ngưng uống, không được lạm dụng.
Trong quá trình dùng, bạn nên quan sát cơ thể để giảm liều lượng (nếu cần).
Tư liệu tổng hợp
- Tạ Duy Chân, Những phương thuốc hay – “Rau cỏ trị bệnh”.
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, NXB Y học, HN, 2018.
Xem thêm: Cỏ mần trầu có tác dụng gì?