Có nhiều sự thật thú vị về gan, chẳng hạn như:
– Lá gan của người trưởng thành có thể nặng 1,2 – 1,5 kg.
– Gan thải độc cho cơ thể và tự thải độc cho chính nó.
– Nếu gan suy yếu, cơ thể sẽ suy thoái và hàng loạt căn bệnh sẽ xuất hiện.
– Khi chức năng gan bị suy giảm, gan có thể tự tái tạo và phục hồi nếu chúng ta thực hành chế độ ăn uống hợp lý.
Vậy, chúng ta nên ăn uống như thế nào để tốt cho gan?
Hằng ngày, chúng ta ăn uống và tiếp xúc rất nhiều với chất độc hại – điều này khiến cho gan phải làm việc vô cùng vất vả và đến một thời điểm nào đó, chức năng gan sẽ bị suy giảm: gan bị tắc nghẽn, nhiễm mỡ, xơ gan… thậm chí là ung thư gan.
Vì vậy, có thể nói gan là bộ phận “rất yếu ớt” của con người thời hiện đại.
Nội dung chính ⇒
Chế độ ăn uống tốt cho gan
Điều chỉnh chế độ ăn uống là cách an toàn nhất để gan tự phục hồi.
Trong đó, có một số nguyên tắc cơ bản cần nhớ là:
– Tăng cường trái cây và rau xanh để bổ sung các chất hỗ trợ gan sản xuất glutathione – chất chống oxy hóa.
– Giảm thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều chất béo và chất đạm như thịt vịt, thịt bò, sữa, thức ăn chế biến sẵn… vì các chất có trong những món này khiến gan phải làm việc vất vả.
– Giảm bớt các món ăn chứa các chất độc hại như chất bảo quản, chất tạo màu, chất tạo mùi, chất làm ngọt… (như nước ngọt, bánh kẹo, lạp xưởng…).
– Hạn chế rượu vì rượu gây hại gan, khiến gan nhiễm mỡ.
– Hạn chế cà phê vì cà phê gây áp lực lên gan.
– Uống đủ nước để hỗ trợ quá trình thải độc (tổng lượng nước mỗi ngày từ 1,5 – 2 lít và chia thành nhiều lần uống).
Lưu ý: nên cẩn thận với loại nước lọc đóng thùng 20 lít (với giá 10 – 15 ngàn đồng) vì sẽ có nguy cơ nhiễm độc từ vỏ thùng nhựa kém chất lượng và nguồn nước chưa đạt tiêu chuẩn.
– Cố gắng hạn chế tình trạng táo bón, khó đại tiện: Khi chúng ta bị táo bón hoặc khó đại tiện, phân lâu được thải ra ngoài nên chất độc có trong phân sẽ thấm ngược lại qua ruột và gan lại phải làm việc nhiều hơn để “giải quyết” các chất độc ấy.
Những món ăn, thức uống và các loại thuốc giúp gan giải độc
Có nhiều thực phẩm tốt cho gan như:
1. Atisô
Atisô là thực phẩm và cũng là vị thuốc bổ gan, giúp gan thải độc tốt hơn. Đặc biệt, Cynarine thực vật có trong atisô được biết đến là chất thúc đẩy sự tiết mật (sản xuất mật).
Không chỉ thế, nhiều chất khác trong atisô còn giúp giảm mỡ xấu, cải thiện khả năng chuyển hóa chất béo và lợi tiểu (để chất độc mau được thải ra ngoài hơn).
Trong Đông y, lá atisô được dùng làm thuốc lợi tiểu, thông mật, chữa bệnh viêm gan, vàng da, viêm thận cấp và mãn tính, ngoài ra còn giúp làm chậm lão hóa (lấy từ 5 g – 10 g lá khô, nấu lấy nước uống mỗi ngày, nếu dùng lá tươi thì từ 10 g – 20 g).
Lưu ý: Người huyết áp thấp, tay chân lạnh, hay bị chóng mặt khi đứng lên ngồi xuống… không nên uống atiso.
2. Chanh
Quả chanh (cả vỏ) chứa nhiều chất giúp kích thích các enzyme tham gia vào quá trình thải độc gan. Mặt khác, vitamin C có trong chanh còn giúp cơ thể tăng cường miễn dịch và chống lại các chất độc hại.
Từ góc nhìn y học cổ truyền, chanh có vị chua, quy vào hành Mộc, kinh Can (ứng với gan) nên có mối liên hệ mật thiết với sức khỏe của gan. Vì vậy, mỗi ngày, chỉ cần pha nữa trái chanh với nước rồi uống vào buổi sáng là bạn đã giúp gan rất nhiều!
Lưu ý: Nên vắt chanh và cho cả vỏ chanh vào ly nước (uống ấm hay pha nước đá đều được). Tuy nhiên, không nên dùng đường hoặc chỉ dùng ít đường thôi, bạn nhé!
3. Củ gừng
Chanh – gừng là bộ đôi giảm cân quen thuộc và cũng là bộ đôi hỗ trợ gan giải độc. Gừng giúp ích cho gan ở chỗ khi đi vào cơ thể, các hoạt chất có trong gừng sẽ giúp quá trình tiêu hóa diễn ra tốt nhất và làm tăng mức chuyển dưỡng.
Khi quá trình tiêu hóa diễn ra suôn sẻ và tối ưu, gan sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều.
Vì vậy, mỗi ngày, bạn có thể uống một tách trà gừng (vài lát gừng, ước chừng giã nát thì được 2 muỗng). Nếu thích uống ngọt, bạn có thể cho thêm chút mật ong và nên nhai ăn luôn gừng để tăng cường hiệu quả hỗ trợ gan, bạn nhé!
4. Bông cải xanh
Bông cải xanh giúp tăng glutathione (chất chống oxy hóa quan trọng giúp gan đào thải độc tố). Không chỉ thế, bông cải xanh còn chứa sulforaphane giúp kích thích các enzyme của gan (những enzyme này tham gia vào quá trình thải độc).
Ngoài ra, bông cải xanh còn chứa nhiều indole-3 carbinol – hoạt chất giúp biến các hoocmon thành chất chống ung thư (được Viện ung thư Quốc gia Anh đánh giá cao).
5. Quả bom (pom, táo tây)
Quả táo tây có chứa malic và tartaric acid – hai chất này giúp tiêu hóa các chất béo có nguy cơ làm gan suy nhược.
Ngoài ra, táo tây còn chứa nhiều pectin – chất này là dạng chất xơ hòa tan, có thể liên kết với các kim loại nặng dư thừa (như chì, thủy ngân) để cùng được bài tiết với cholesterol. Vì vậy, quả táo tây có thể hỗ trợ gan bài tiết các chất độc hại và ăn thêm táo tây với lượng vừa phải sẽ giúp gan đỡ vất vả hơn rất nhiều.
Xem thêm: Bệnh nhân tiểu đường cần chú ý gì trong ăn uống?
Tư liệu tổng hợp
- Nhiều tác giả, Bác sĩ tốt nhất là chính mình, tập 4, NXB Trẻ.
- Atiso có tác dụng gì, https://caythuoc.org/atiso-dieu-tri-viem-gan-viem-than-va-lam-giam-mo-mau.html