Ờ miền Nam thì ít người biết trà nụ vối nhưng ở Tây Nguyên và miền Bắc thì trà nụ vối rất quen thuộc. Không chỉ thế, người dân còn dùng lá vối phơi khô để làm trà. Trà này rất thơm và dễ uống.
Nội dung chính ⇒
Cây vối có tên khoa học là gì?
Cây vối mà chúng ta hay hái lá, hái nụ để phơi khô làm trà là cây vối nhà, có tên khoa học là Syzygium nervosum (tên đồng nghĩa: Cleistocalyx operculatus). Cây thuộc dạng thân gỗ nhưng không cao lắm, có nhiều hoa nhỏ mọc thành cụm.
Bộ phận dùng làm thuốc: vỏ thân, lá cây và nụ hoa (nhưng lá và nụ hoa là thường dùng hơn cả).
Lưu ý: Cây vối khác với cây vối rừng (hay còn gọi là cây trâm mốc, Syzygium cuminii).
Tác dụng của trà nụ vối
Khi cây vối ra hoa, người ta thu hái nụ rồi phơi khô và để dành hãm uống như trà.
Theo kinh nghiệm dân gian, nụ vối có vị chát đắng và có tính mát, được dùng làm thuốc thanh nhiệt, sát trùng, tiêu trệ (giúp dễ tiêu hóa), điều trị viêm dạ dày, lỵ trực trùng.
Bên cạnh đó, trà nụ vối còn giúp giảm ngứa, hạ sốt, giảm đau đầu và điều trị viêm đại tràng mãn tính (cũng như viêm ruột cấp tính).
Cách dùng: lấy 20 g nụ vối (đã phơi khô), hãm với 1 lít nước sôi rồi để nguội, chắt ra uống như trà. Sau đó, bạn tiếp tục đổ thêm 1 hoặc 2 chén nước vào phần nụ vối đã hãm ấy, tiếp tục hãm lần 2 (vì nụ vối vẫn còn chất thuốc).
Trà nụ vối có màu nâu, rất thơm nhưng chát và hơi đắng. Vì vậy, để dễ uống hơn, bạn có thể cho thêm chút đường và nước đá (lúc này, trà sẽ thơm ngon như nước sâm vậy).
Lưu ý: Người bị tiểu đường thì không nên cho thêm đường vào (nếu muốn uống ngọt thì nên dùng các loại đường dành cho người bị tiểu đường, chẳng hạn như đường cỏ ngọt).
Cách dùng nụ vối hỗ trợ điều trị tiểu đường, mỡ máu cao và Gút
Kết quả nghiên cứu từ Viện dinh dưỡng và Trường Đại học Phụ nữ Nhật Bản cho thấy: sau 3 tháng uống trà nụ vối, lượng đường huyết ở các bệnh nhân tiểu đường đã được giảm đi đáng kể.
Không chỉ thế, kết quả nghiên cứu còn cho thấy trà nụ vối có nhiều công dụng quý như:
- Ức chế các enzyme alpha-glucosidase. Các enzyme này có vai trò chuyển hóa đường bột (có trong thức ăn) thành dạng đường đơn để đưa vào máu. Vì vậy, ức chế các enzyme này thì quá trình giải phóng đường vào máu sẽ chậm lại, từ đó ngăn ngừa tình trạng tăng đường huyết đột ngột sau ăn.
- Bảo vệ tuyến tụy trước tổn thương oxy hóa. Tuyến tụy là tuyến tiết ra hoocmon insulin, giúp cơ thể chống lại bệnh tiểu đường.
- Giúp giảm cholesterol máu. Trà nụ vối điều hòa chuyển hóa mỡ máu, làm giảm rối loạn mỡ máu, giảm mỡ xấu và tăng mỡ tốt (nhờ hoạt chất beta-sitosterol) (2).
- Giúp giảm nồng độ axit uric trong máu. Vì vậy, trà nụ vối cũng giúp hỗ trợ điều trị Gút (thống phong, Gout) do ăn nhiều chất đạm.
Cách dùng:
- Cách 1: mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần hãm từ 4 – 6 g nụ vối khô.
- Cách 2: mỗi ngày lấy 15 – 20 g nụ vối khô, hãm như trà rồi chia thành 3 lần uống trong ngày.
Uống trà lá vối có tác dụng gì?
Trà lá vối cũng là loại trà ngon và được ưa chuộng không kém trà nụ vối. Bạn có thể lấy lá vối phơi khô rồi nấu lấy nước, đợi sôi thì tắt, để nguội tự nhiên và uống như trà (trà lá vối uống lúc còn ấm thì thơm ngon hơn).
Liều lượng: Tùy theo từng đối tượng nhưng thường là từ 15 – 20 g lá khô mỗi ngày (gia giảm theo hướng dẫn của thầy thuốc).
Bên cạnh đó, nước sắc từ lá vối (sắc đậm đặc) còn có tác dụng sát trùng và kháng sinh cao. Vì vậy, dân gian hay dùng nước này để rửa chỗ da bị ghẻ ngứa, lở loét và mụn nhọt (dùng lá tươi thì hiệu quả cao hơn lá khô vì lá tươi giúp sát trùng mạnh hơn).
Với trường hợp ngộ độc lá ngón, dân gian còn dùng lá vối tươi, giã nát, pha thêm chút nước rồi vắt lấy nước uống.
Nên dùng nụ vối tươi, lá vối tươi hay đã khô?
Bạn nên dùng nụ vối khô hoặc lá vối khô để làm trà vì trong lá vối tươi có chứa nhiều hoạt chất kháng viêm và kháng khuẩn mạnh, vì vậy, nếu dùng nhiều thì nó sẽ tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi cho cơ thể (và cũng làm hao huyết).
Hơn nữa, lá vối tươi cũng có mùi hơi ngai ngái (vì chứa nhiều diệp lục), vì vậy, thường thì dân dân gian sẽ ủ lên để phá hủy chất diệp lục rồi mới dùng. Trong khi đó, lá vối khô dễ dùng và mang lại hiệu quả bền vững hơn.
Khi dùng trà vối cần lưu ý gì?
- Trà có tính hàn, vì vậy, không nên uống ban đêm và không nên uống quá nhiều trong ngày.
- Trà có tính kích thích tiêu hóa, vì vậy, không nên uống vào lúc đói bụng vì sẽ làm bụng cồn cào, tinh thần mệt mỏi.
- Nên uống trà sau khi ăn khoảng nửa tiếng.
- Phụ nữ mang thai không nên uống nhiều và cũng không nên uống quá đặc. Trẻ em không nên uống. Ngoài ra, người vừa khỏi bệnh, sức khỏe yếu cũng không nên uống.
Thông tin thêm
Ngoài nụ và lá thì vỏ cây vối (vỏ thân) cũng được dân gian dùng làm thuốc ngoài da để điều trị viêm nang lông và ghẻ ngứa (sắc lấy nước thật đặc rồi rửa thường xuyên).
Tư liệu tham khảo
- Vối, https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%91im
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2.