Có một thời, học sinh rất thích hái lá của cây trắc bách để ép vào quyển vở và gọi đó là lá thuộc bài (để giúp học bài mau thuộc hơn).
Có người giải thích rằng, vì lá trắc bách có chứa tinh dầu nhẹ nên khi mở tập ra học, tinh dầu sẽ giúp chúng ta thư giãn hơn và việc học bài cũng mau thuộc hơn.
Không chỉ chứa đựng câu chuyện đẹp, đầy kỷ niệm về lứa tuổi học trò, trắc bách còn là cây thuốc gắn liền với hai vị thuốc nổi tiếng là “trắc bách diệp” và “bá tử nhân”.
Nội dung chính ⇒
Trắc bách là cây gì, có tên khoa học là gì?
Trắc bách là loại cây cảnh khá phổ biến ở nước ta nhưng hơi chậm lớn. Cây có tên khoa học là Platycladus orientalis, thuộc họ Hoàng đàn (1). Ngoài ra, cây còn có các tên khoa học đồng nghĩa như Thuja orientalis, Biota orientalis…
Ngoài tên gọi trắc bách, cây còn được gọi bằng các tên khác như trắc bách diệp, cây trắc bá, cây tùng, cây học bài, cây thuộc bài…
Tác dụng của lá cây trắc bách diệp
Trong Đông y, “trắc bách diệp” hay “bá diệp” chính là lá của cây trắc bách và có vị đắng chát, tính hơi hàn.
Trong các công dụng của trắc bách diệp thì cầm máu là nổi trội nhất. Vì vậy, trắc bách diệp hay được dùng điều trị các chứng như nôn ra máu, ho ra máu, chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu, lỵ ra máu, rong kinh và băng huyết sau sinh.
Không chỉ giúp cầm máu, lá cây trắc bách còn giúp mát máu, trừ thấp nhiệt, kích thích tiêu hóa và lợi tiểu tiện.
Cách dùng: Sắc uống từ 5 – 10 g lá mỗi ngày (nếu dùng để cầm máu thì sao đen). Lưu ý, lá trắc bách thu hái từ tháng 9 đến tháng 11 sẽ cho dược tính tốt hơn các thời điểm khác trong năm và khi phơi thì cần phơi trong bóng râm cho khô dần (có thể hái cả lá và cành nhỏ).
Bá tử nhân là gì, có tác dụng gì?
Trong Đông y, “bá tử nhân” hay “trắc bá tử” là để chỉ phần nhân của hạt trắc bách (hạt già). Trong tên gọi “bá tử nhân” thì “bá” là để chỉ cây trắc bá, “tử” có nghĩa là hạt và “nhân” là nhân hạt.
Bá tử nhân có vị ngọt, tính bình và có các công dụng như:
- Nhuận huyết mạch, bổ Tâm và Tỳ.
- Giúp định thần, an thần: điều trị mất ngủ, hay quên, kinh giản, trong lòng hay hồi hộp.
- Điều trị trong người yếu mệt, hay đổ mồ hôi.
- Giúp thông tiện: điều trị táo bón.
- Điều trị chứng khóc đêm ở trẻ nhỏ.
- Điều trị đầy bụng, đi ngoài ra phân xanh.
- Điều trị viêm phế quản và hen phế quản.
Cách dùng: Mỗi ngày, lấy từ 3 – 10 g bá tử nhân nấu lấy nước uống (lưu ý giảm liều lượng khi dùng cho trẻ nhỏ). Ngoài ra, với nhân hạt trắc bá thì nên chọn hạt chắc mẩy, có màu trắng ngà và vẫn còn nhiều dầu.
Cách điều chế bá tử sương: Bá tử sương là vị thuốc được chế từ bá tử nhân. Để làm bá tử sương, ta lấy bá tử nhân sao lên rồi giã vụn, sau đó bọc bằng giấy thấm dầu, sấy qua, ép bỏ dầu, nghiền nát rồi chế thành dạng viên (để điều trị chứng phụ nữ đang hành kinh bỗng bị tắc kinh).
Trắc bách diệp, bá tử nhân và các bài thuốc chữa bệnh
1. Chữa chứng mất ngủ, hồi hộp, hay quên
Lấy 12 g nhân hạt trắc bách sao lên cho thơm rồi nấu với rễ cây hoa lài (khoảng 6 g rễ), nấu với một chén nước lưng và khi thấy nước rút một nửa thì tắt bếp (thuốc này cần uống trước khi đi ngủ).
2. Chữa bệnh ho ra máu
Lấy 15 g lá trắc bách, sao cháy đen rồi nấu nước uống cùng với 15 g ngải diệp và 6 g gừng khô (gừng cũng đem sao lên).
3. Chữa hỏa bốc gây nhức đầu, chảy máu mũi, ù tai viêm tai, miệng lưỡi lở loét và đau nhức dây thần kinh
Dùng 29 g vỏ, cành và rễ cây trắc bách cùng với 16 g huyền sâm, 16 g cành liễu, sắc lấy nước uống.
4. Chữa bệnh nôn ra máu liên tục
Dùng 5 g lá trắc bách, 3 g gừng khô, 5 g lá ngải cứu khô và 4 g nước mộc thông (mộc thông trấp), tất cả cùng nấu lấy nước uống.
5. Giúp an thần, bổ tim, điều trị suy nhược thần kinh, hồi hộp, mất ngủ, tinh thần hay hoảng hốt và chứng hay quên
Dùng 5 g nhân hạt trắc bách sắc chung với mạch môn (hay còn gọi là cỏ lan, lan tiên), huyền sâm, câu kỷ tử, đương quy, thục địa, phục thần (mỗi loại 6 g), cam thảo Bắc và xương bồ (mỗi loại 4 g).
6. Điều trị mất ngủ, suy nhược thần kinh và rụng tóc
Lấy nhân hạt trắc bách và đương quy (mỗi loại 0, 5 kg), tán thành bột rồi luyện với mật để làm viên hoàn, mỗi lần uống thì dùng khoảng 9 g thuốc này (ngày uống hai lần).
7. Giúp dưỡng âm, điều trị thiếu máu, không đủ máu để nuôi dưỡng tim và trong lòng hồi hộp, khó ngủ
Dùng nhân hạt trắc bách (12 g), viễn chí (6 g), toan táo nhân (12 g, sao đen) và ngũ vị tử (6 g), sắc lấy nước uống.
Khi dùng trắc bách diệp và bá tử nhân cần lưu ý điều gì?
1. Những người có nhiều đờm và đang bị đại tiện lỏng không nên dùng bá tử nhân.
2. Những người không phải thấp nhiệt thì không nên dùng lá trắc bách (vì lá trắc bách tính hơi hàn).
3. Không dùng quá liều trong thời gian dài các vị thuốc trên vì có thể gây ra các tác dụng phụ như chóng mặt, đau dạ dày…
4. Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng chữa bệnh.
Xem thêm: Hoa hoàng lan (ngọc lan tây) có tác dụng gì?
Cây trắc bách diệp nhìn chung là loại cây cảnh đẹp, dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng lại lâu lớn. Mặc dù vậy, tán lá của nó đẹp và xanh rất lâu. Vì vậy, trong các khuôn viên sân nhà, trường đại học, công viên…, người ta hay trồng loại cây này.
Bạn có thích cây trắc bách diệp?
Tư liệu tổng hợp
- Nhiều tác giả, Cây hoa cây thuốc, NXB Y học, 2005, trang 56.
- Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 997.
- Nhiều tác giả, Chữa bệnh bằng cây lá quanh nhà, NXB Văn hóa dân tộc, trang 259.
- Võ Văn Chi, Cây thuốc An Giang, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật An Giang, 1991, trang 545.
- Phạm Thiệp – Lê Văn Thuần – Bùi Xuân Chương, Cây thuốc bài thuốc và biệt dược, NXB Y học, 2000, trang 311.
- Platycladus (Trắc bách diệp có tác dụng gì?), https://en.wikipedia.org/wiki/Platycladus
Keyword: trắc bách diệp có tác dụng gì