Trái tắc (hạnh, quất) không xa lạ gì với tất cả chúng ta. Vào buổi trưa nắng nóng, uống một ly nước tắc thì giải nhiệt, giải khát ngay lập tức.
Nhìn chung, trái tắc có mùi thơm đậm hơn trái chanh, vì vậy, nước tắc thường được ưa chuộng hơn (màu sắc của ly nước tắc cũng hấp dẫn hơn).
Nội dung chính ⇒
Trái tắc có tác dụng gì?
Được biết, trái tắc chứa nhiều vitamin C và hầu như không chứa chất béo. Vì vậy, khi bị cảm, bạn có thể uống một ly nước tắc để tăng sức đề kháng, giúp bệnh mau khỏi.
Bên cạnh đó, trái tắc còn giúp trị chứng khó tiêu rất tài tình. Sau khi ăn uống, nếu thấy khó tiêu, bạn chỉ cần uống nửa ly nước tắc là sẽ hết khó chịu ngay (cách này mình đã dùng rất nhiều lần và thấy hiệu quả thật sự – tác dụng của tắc nhẹ dịu hơn viên tiêu cam mà chúng ta hay dùng).
Không chỉ thế, trái tắc còn mang lại nhiều lợi ích đáng quý như:
- Giúp giảm ho, làm thông khí, tan đờm, giảm viêm họng, đau họng.
- Giúp ngăn ngừa cảm nhiễm virus, vi khuẩn…
- Giúp tăng cường miễn dịch, làm chậm lão hóa da.
- Thanh lọc cơ thể, giảm mụn do nóng nhiệt.
- Giúp cải thiện thị giác.
- Hỗ trợ giảm béo.
- Giúp giảm mỡ máu, bền thành mạch.
- Tốt cho người cao huyết áp.
- Tốt cho người ung thư tuyến tiền liệt.
- Giúp tỉnh táo tinh thần, xua tan cơn buồn ngủ.
- Giúp sạch miệng, lưỡi và giảm hôi miệng.
Cách dùng: pha thành nước tắc để uống (từ 1 – 3 trái tắc, đường, nước đá).
Lưu ý:
- Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt không nên uống.
- Người huyết áp thấp, da mặt xanh xao, trắng nhạt, thiếu máu… không nên uống.
- Người bị loét bao tử không nên uống.
- Không nên uống vào lúc đói.
Uống nước tắc, hạnh, quất, có giúp giảm cân không?
Được biết, quả tắc chứa 89 % nước, còn lại là các chất đạm, chất xơ, Can xi, chất Sắt, Phốt pho, vitamin C, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B3 và beta carotene.
Theo số liệu phân tích thì bình quân 100 g quả tắc tươi sẽ cung cấp 26 calo. Đây là mức năng lượng thấp, không làm tăng cân.
Ngược lại, uống nước tắc còn giúp giảm cân vì nó giúp giảm mỡ máu và thúc đẩy quá trình tiêu hóa diễn ra hiệu quả hơn, nhờ thế, chất béo cũng ít tích tụ hơn.
Trái tắc có trị hôi nách không?
Trái tắc có thể điều trị hôi nách tạm thời (tương tự như chanh). Nghĩa là, khi bạn thoa nước tắc lên nách thì nó làm sạch vùng nách, khử mùi, kháng viêm, chống vi khuẩn… Nhờ thế, vùng nách bạn sẽ hết nhờn và hết hôi ngay lập tức (lưu ý thoa lên nách rồi sau 2 phút thì lau rửa lại với nước).
Tuy nhiên, qua ngày hôm sau hoặc khi cơ thể làm việc nặng nhọc, đổ mồ hôi nhiều…, bạn sẽ bị hôi nách lại (nếu bạn bị hôi nách do cơ địa hay tiết mồ hôi, cơ thể nặng mùi…).
Nói cách khác, dùng tắc để trị hôi nách là giải pháp từ bên ngoài. Vì vậy, muốn hiệu quả cao thì ta cần kết hợp thêm các giải pháp từ bên trong, chẳng hạn như:
- Hạn chế ăn các thức ăn có mùi nặng như tỏi, hành, hẹ, đồ ăn chiên, xào, ướp, nướng…
- Hạn chế bia rượu và đồ ăn nhiều chất đạm.
- Vệ sinh thân thể: tắm gội ít nhất một lần mỗi ngày và thay giặt quần áo sạch sẽ (nên chọn chất liệu vải thoáng khí, rộng rãi, thoáng mát…).
- Ăn thêm trái cây và rau quả.
Uống nước trái tắc có giúp giảm mụn không?
Quả tắc giúp thanh nhiệt cơ thể và chứa nhiều chất chống oxy hóa nên có thể giúp giảm mụn, đẹp da.
- Cách 1 (bên trong): Uống nước đá tắc mỗi tuần 2 hoặc 3 lần, mỗi lần 1 hoặc 2 trái (không nên uống nhiều).
- Cách 2 (bên ngoài): Lấy nửa trái tắc, vắt lấy nước rồi trộn với 2 muỗng cà phê mật ong, sau đó trộn đều rồi thoa lên da mặt. Sau 10 phút, bạn rửa mặt lại với nước là được (mỗi tuần thực hiện 2 lần, không nên lạm dụng).
Nếu muốn da vừa giảm mụn lại vừa trắng tự nhiên thì bạn kết hợp tắc với sữa tươi không đường nhé! (tỉ lệ nửa trái tắc – 2 muỗng sữa tươi không đường).
Cách làm tắc chưng đường phèn (mật ong) trị ho
Đây là công thức được nhiều bà mẹ chọn dùng để điều trị ho cho trẻ (thay cho thuốc Tây vì thuốc Tây thường để lại nhiều tác dụng phụ).
Cách thức rất đơn giản: lấy quả tắc (khoảng 10 g), rửa sạch, cắt thành các lát mỏng rồi cho thêm chút mật ong vào (hoặc đường phèn), sau đó đem hấp (chưng cách thủy). Sau 20 phút, ta lấy ra, đợi nguội và chắt lấy nước ấy, cho trẻ uống (mỗi ngày uống 2 – 3 lần).
Cách làm tắc ngâm đường (si rô tắc)
Nếu có quá nhiều tắc và không thể dùng hết thì bạn hãy làm món tắc ngâm đường nhé!
Cách làm rất đơn giản như sau:
- Rửa sạch, ngắt bỏ cuống rồi lấy tăm xỉa răng, châm các lỗ nhỏ cho lủng trái tắc (từ 15 – 20 lỗ).
- Xếp tắc vào keo, cứ một lớp tắc thì một lớp đường, sau đó đậy nắp lại và để ở chỗ thoáng mát.
- Sau một tuần, ta sẽ có xi rô tắc rất thơm (để trong ngăn mát tủ lạnh để dùng được lâu hơn).
Cách dùng: pha nước đá uống.
Bà bầu uống nước tắc (hạnh, quất) được không?
Bà bầu có thể uống một ít nước tắc (hạnh, quất) để tăng sức đề kháng. Tuy nhiên, ta chỉ nên uống 1 hoặc 2 trái (mỗi tuần không quá 1 lần). Nhìn chung, với những loại trái cây, nước ép giàu vitamin C thì bà bầu không nên dùng nhiều vì thừa vitamin C cũng có thể gây sảy thai.
Thời gian uống: uống cách bữa ăn 1 giờ.
Lưu ý: Nếu bị tiểu đường thai kỳ thì không nên thêm đường khi uống trà tắc (hoặc dùng các loại đường không làm tăng đường huyết như đường cỏ ngọt hoặc các loại đường ít làm tăng đường huyết như đường dừa, đường thốt nốt…).
Lưu ý, kiêng kỵ khi dùng
- Không nên uống lúc đói vì sẽ làm cồn cào bao tử, có khi gây khó chịu ở cổ họng.
- Nên uống cách bữa ăn 30 – 60 phút.
- Người bị loét bao tử, táo bón, sỏi thận, khó ngủ… không nên uống.
- Khi uống trà tắc thì không được uống sữa, ăn trứng hoặc các thức ăn giàu đạm… vì sẽ gây kết tủa.
Một điều lưu ý nữa là chúng ta nên tự pha nước tắc để uống (vì nguồn thức uống đóng hộp, pha sẵn… có thể chứa các chất bảo quản hoặc đã bị ôi thiu, nhiễm khuẩn…).
***
Bạn có biết vì sao trái tắc rất được ưa chuộng ở Nam Bộ không?
Bởi vì có những món ăn yêu thích của người Nam Bộ, nếu không có trái tắc thì sẽ không bật lên hương vị của nó, ví dụ như bánh tráng trộn, bún riêu, bún nước lèo… Những món ấy, nếu bạn dùng chanh thay cho tắc thì nó vẫn chua đấy nhưng không bật lên được mùi hương đặc trưng của món ăn. Chỉ có trái tắc mới làm được điều đó.
Hơn nữa, trái tắc còn có một ưu điểm nữa là không quá chua. Vì vậy, với những người muốn thanh lọc cơ thể, bổ sung vitamin C nhưng lại không uống nước chanh nổi thì uống trà tắc sẽ là lựa chọn lý tưởng đấy!
Hiển nhiên, mỗi tuần bạn chỉ nên uống hai hoặc ba lần thôi nhé!
Tư liệu tham khảo
- Công dụng của trái tắc, quất, hạnh, https://voh.com.vn/dinh-duong/cong-dung-cua-trai-tac-318689.html
- Quả tắc có tác dụng gì, có công dụng gì, https://suckhoedoisong.vn/qua-quat-chong-ho-chua-cam-1693424.htm
- Nước tắc, nước quất có tác dụng gì, https://nld.com.vn/tu-van-dinh-duong/cong-dung-cua-trai-tac-20120206011752200.htm
- Bà bầu uống nước tắc được không?, https://biogaia.vn/ba-bau-co-nen-an-uong-nuoc-cam-chanh-quyt-tac-khong.html
- Phụ nữ mang thai uống trà tắc được không?, https://amthucbonmua.vn/ba-bau-uong-tra-tac-duoc-khong.html