Người xưa thường nói: tu dưỡng cái miệng cũng là một loại phước đức. Thật vậy, có đôi khi vì lỡ một lời nói mà bạn bè mất lòng, người thương xa cách, cha con giận hờn…
Thông qua lời nói, ta còn có thể đánh giá tư cách con người. Vì vậy, nói năng cẩn trọng là điều rất cần thiết.
Nội dung chính ⇒
1. Không nhiều chuyện
Nhiều chuyện là việc làm vừa tốn thời gian lại vừa vô bổ. Không chỉ thế, khi chúng ta nói nhiều, người nghe cũng mệt theo và không nhớ được trọng tâm vấn đề.
Người xưa có câu:
“Rượu lạt uống lắm cũng say
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”.
Với những người nhiều chuyện, đôi khi họ còn lỡ lời và nói sai sót, gây tổn hại đến mối quan hệ của cả hai (có khi còn tổn hại tới người khác).
Vì vậy, người có trí tuệ thường tĩnh tại, chỉ nói khi cần thiết và nói những điều trọng tâm (không vẽ chuyện, không nói dông dài…).
2. Không nói ẩu
Nói ẩu là cái hại lớn vì nó làm sai sự thật và dễ gây mất lòng. Đôi khi, nó còn gây hại cho cả người nói và những người khác.
Hơn nữa, nếu một người nói xong lại phải đính chính lại thì lời nói của họ sẽ mất giá trị, mất uy tín, thà không nói còn hơn!
Vì vậy, hãy suy nghĩ thận trọng trước khi nói, bạn nhé!
3. Không nói ngông cuồng
Nhiều người có tánh ngông cuồng, nói năng không xem ai ra gì, chỉ cốt tỏ vẻ bản thân là giỏi!
Vì vậy, lời họ nói ra không chỉ làm mất lòng người mà còn cho thấy sự thiếu hiểu biết của bản thân.
Có khi, những lời nói ngông cuồng của họ còn gây thù chuốc oán, rước họa vào mình.
4. Không nói quá thẳng
Nói năng thẳng thắng là điều tốt nhưng nếu quá thẳng thì sẽ dễ mất lòng người (hoặc làm tổn thương người khác).
Vì vậy, có những lúc ta nên nói một cách ý tứ hơn, tránh nói những lời vô tâm, vô ý, khiếm nhã…
5. Không nói những lời khắt khe, có sức sát thương cao
Có đôi khi chúng ta vô tình dùng những từ ngữ có sức sát thương cao, làm mất ý chí của người khác, ví dụ như: “Người như bạn mà cũng muốn đi à!”, “Em không cần anh!”…
Vì vậy, hãy học cách nói năng để giữ đức cho mình.
“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”.
6. Không nói bí mật của người khác
Bí mật là thứ mọi người đều muốn giữ kín vì nếu bị người khác biết được, nó có thể sẽ làm tổn hại đến danh tiếng hoặc cuộc sống của họ.
Vì vậy, khi bạn biết được bí mật của họ thì hãy giữ bí mật ấy nhé (vì họ tin bạn nên mới để bạn biết).
7. Không nói xấu người khác
Nói xấu người khác là việc làm rất dại. Nếu họ biết được, bạn sẽ rất xấu hổ. Nếu họ không biết được thì chính bạn cũng đã làm mất phẩm giá của mình khi chê trách, bươi móc người khác rồi.
“Ai đúng, ai sai, mặc kệ người
Phận mình lo giữ phận mình thôi.
Nếu ta tìm lỗi nơi người khác
Ngay ấy là ta cũng lỗi rồi”.
Thật ra, khi bạn nói xấu người khác, người nghe có thể hiếu kỳ, tò mò và tỏ vẻ thích thú. Tuy nhiên, chính họ cũng không dám tin bạn vì sợ rằng sau này, bạn cũng sẽ nói xấu họ như vậy.
Ngược lại, khi bạn khen ngợi, tán thưởng một ai đó, người nghe sẽ có cảm giác bạn là người tốt, có thể tin tưởng.
Vì vậy, hãy thử khen ngợi, vui mừng cho niềm vui của mọi người, ắt hẳn các mối quan hệ của bạn sẽ tốt lên trông thấy đấy!
8. Không nói lúc đang nóng giận
Khi chúng ta nóng giận, chúng ta sẽ có xu hướng “xả” ra những uất ức, khó chịu trong lòng. Vì vậy, khi chúng ta “xả” bằng lời nói thì người nghe sẽ thực sự bị ” ngộ độc” vì những điều đó.
Hơn nữa, chất giọng của chúng ta khi đang nóng giận cũng rất nặng nề, đay nghiến, khó nghe.
Vì vậy, lúc nóng giận, hãy im lặng để cơn giận ấy lắng xuống. Hãy tìm đến một nơi nào đó dễ chịu, tránh xa đối tượng làm chúng ta giận. Như vậy, chúng ta sẽ tránh được việc nói những lời khó nghe, làm tổn thương đối phương và cũng làm mất hình ảnh của mình.
***
“Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”
Xem thêm: Có khi phải nỗ lực đến cùng, có khi cần dừng lại đúng lúc