“Ngâm chân thảo dược” và dùng “túi thơm” là những liệu pháp phòng bệnh khá xa lạ với người Việt Nam. Tuy nhiên, ở Trung Quốc và Đài Loan thì chúng lại khá phổ biến.
Nội dung chính ⇒
Phần 1. “Phương hương hóa trọc”
Y học cổ truyền phương Đông cho rằng hương thơm có sự tác động không nhỏ đến các giác quan và hệ thần kinh của con người. Tùy từng loại hương thơm khác nhau mà tác dụng của nó cũng sẽ khác nhau.

Tuy nhiên, nếu biết cách phối hợp thì sử dụng túi hương sẽ là một trong những cách tiết kiệm nhất để phòng bệnh. Người xưa có câu: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh“.

Theo quan niệm y học cổ truyền, người có chính khí mạnh mẽ thì sẽ có sức khỏe tốt. Nói cách khác, khi bên trong cơ thể đủ mạnh thì tà khí và các tác động xấu từ bên ngoài sẽ không xâm phạm được. Có câu: “Chính khí tồn nội, tà bất khả can“.
Đối với các virus và mầm bệnh cũng vậy: nếu sức đề kháng của cơ thể đủ mạnh thì nguy cơ cảm nhiễm sẽ được giảm đi rất nhiều.
Trong các phương pháp trị liệu của Đông y thì dùng túi thơm, ngâm tẩm dược liệu và uống trà thảo dược là những phương pháp phòng bệnh quen thuộc, dễ dùng.
1. Cách làm túi thơm thảo dược
Theo y sư Trang Nhã Huệ – Đài Loan, có thể kết hợp một số thảo dược có mùi hương để làm thành túi thơm. Túi thơm này có thể treo bên mình (để thỉnh thoảng cầm lấy và ngửi), treo trong nhà (để làm thơm nhà, xua tan tà khí) hoặc treo ở bất cứ nơi đâu mà bạn thường tiếp xúc.
Thành phần: Công thức cho loại túi thơm “Thanh nhiệt giải độc tản hàn bao” gồm có: đinh hương, ngải diệp, bạch chỉ, thạch xương bồ, tía tô xanh, quế bì, một dược, bạc hà, thăng ma, kim ngân hoa, củ cốt khí (rễ), mỗi loại 3 chỉ. Các thảo dược này đều có nguồn gốc từ thực vật, rất thơm và giúp thông khí rất tốt.
Công dụng chính:
- Thanh nhiệt giải độc.
- Hương thơm cay làm tản khí lạnh.
- Kháng khuẩn và làm mạnh tinh thần.
Cách dùng: Lấy các thảo dược trên xay nát ra, sau đó trộn đều rồi chia thành 3 – 6 phần, sau đó cho vào túi vải để làm thành túi thơm (túi bằng vải lụa là tốt nhất). Bạn có thể lấy một túi mang theo bên mình, các túi còn lại thì treo trong nhà. Nếu dùng túi thơm này treo trong nhà thì nên chia ra để treo nhiều nơi, mỗi phòng dùng vài chiếc túi như thế và chú ý không để túi hương tiếp xúc với nước.
Lưu ý: Sau khi mua thảo dược về, các bạn xem thuốc có bị ẩm mốc hay có chứa rệp, mạt, côn trùng gì không. Nếu thấy thuốc chưa đủ khô, bạn đem phơi khô lại dưới nắng nhẹ cho khô hẳn. Nếu không có máy xay thuốc, bạn có thể lấy từng loại thảo dược bầm ra thật nhỏ rồi cho vào máy xay sinh tố để xay thành bột (lưu ý bầm từng loại thật nhỏ vì có những loại khá cứng, nếu cho miếng to vào sẽ làm hỏng máy xay).
Người nào không nên dùng túi thơm thảo dược?
1. Nhà có phụ nữ mang thai không được dùng.
2. Những người cơ địa nhạy cảm, dễ dị ứng với hương liệu và tinh dầu không được dùng.
2. Thảo dược ngâm chân
Cũng các thành phần kể trên, nếu không làm thành túi hương, bạn có thể xay rồi dùng bột thảo dược đó ngâm chân giúp kháng khuẩn và nâng cao sức đề kháng.

Sau khi ngâm, bạn sẽ thấy một cảm giác the mát từ đôi chân, bàn chân như nhẹ nhàng hơn và cũng dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, sau khi ngâm chân, các móng chân của bạn sẽ hơi ngả sang màu vàng do màu của dược liệu (sau một thời gian sẽ hết).
Cách dùng: Múc một muỗng bột thảo dược, cho vào thau rồi đổ hai chén nước sôi vào. Tiếp theo, bạn lấy thêm nước lạnh đổ vào sao cho nước ấy ấm lại thì dùng ngâm chân (ngâm ngập mắt cá chân trong 15 phút).
Lưu ý: Sau khi ngâm, bạn nhớ lau khô chân và không được ngâm nước quá nóng nhé (một tuần chỉ nên ngâm 1 – 3 lần và khi thấy cơ thể khỏe thì ngưng, không được lạm dụng trong thời gian dài).
Người nào không nên dùng thảo dược ngâm chân?
1. Phụ nữ mang thai và những người đang gặp các vấn đề về huyết áp không nên dùng thảo dược để ngâm chân.
2. Những người bị tiểu đường, suy giãn tĩnh mạch, tắc nghẽn động mạch hoặc bị bong gân, có vết thương, lở loét ở chân thì không nên ngâm.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần lưu ý nên ngâm chân trong lúc thư thả, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào bất thường như đổ mồ hôi trong lúc ngâm chân hay mệt mỏi hơn… thì cần ngừng lại.
3. Thảo dược ướp hương
Cũng với 11 thành phần nêu trên, y sư Trương Nhã Huệ cũng đề nghị chúng ta nên lấy một túi thơm đặt vào khẩu trang để tẩm hương (tẩm trong một ngày, đến ngày hôm sau thì lấy khẩu trang ra dùng và tiếp tục tẩm hương với khẩu trang khác). Như vậy, khi hít thở, chúng ta sẽ hít vào mùi hương của các dược liệu và điều này cũng mang lại tác dụng phòng bệnh (1).
Thông tin thêm
1. Với những bạn đã từng biết đến “dược chẩm liệu pháp” hay các liệu pháp chữa bệnh bằng mùi hương, ắt hẳn các bạn cũng không lạ gì túi hương phòng bệnh.
2. Ngoài 3 cách trên (làm túi hương, ngâm chân và ướp hương cho khẩu trang), bạn cũng có thể đốt các thảo dược trên để có khói thơm. Khói này khá thơm và có tác dụng xông thơm, trừ tà khí (theo một số thầy thuốc ở Việt Nam). Tuy nhiên, bạn không nên hít khói trực tiếp vì sẽ bị sặc.
Liều lượng: Mỗi lần đốt, bạn múc một muỗng bột thuốc (dùng muỗng canh) và đốt lên. Bạn cũng có thể dùng nhiều hơn một tí (tùy theo không gian căn phòng).
Lưu ý: Người đang sổ mũi, nghẹt mũi không nên đốt vì nhiều trường hợp, nước mũi sẽ bị chảy nhiều hơn. Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng không nên dùng.
3. Không được lạm dụng các bài thuốc trên, nếu bạn khỏe mạnh thì không nên dùng.
4. Để có cơ thể khỏe mạnh, bạn cũng cần kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt và vận động hợp lý.
Phần 2. Các thang thuốc giúp tăng sức đề kháng và ngăn chặn sự xâm nhập của virus
Trần Triều Tông – Chủ tịch danh dự Hiệp hội Y học Trung Quốc Đài Bắc (Đài Loan) có chia sẻ 3 đơn thuốc của Trung Quốc với các tác dụng như: tăng sức đề kháng, ngăn chặn sự xâm nhập của virus và dưỡng sinh huyệt vị.
1. Ngọc bính phong tản – miễn dịch thang
Thành phần: Thang thuốc này gồm các vị: hoàng kỳ (3 tiền), phòng phong (3 tiền) và bạch truật (2 tiền).
Cách dùng: Nấu với 1 lít nước, khi nước sôi thì vặn lửa nhỏ, nấu thêm 10 phút thì dùng.
Công dụng: Bổ trung ích khí, cố biểu chỉ hãn (cầm mồ hôi – mồ hôi ra do biểu hư), tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa cảm nhiễm.
2. Thanh nhiệt giải độc – Kháng độc thang
Thành phần: Bài thuốc gồm ba vị là kim ngân hoa (2 tiền), liên kiều (2 tiền) và cam thảo (1 tiền).
Cách dùng: Nấu với 1 lít nước, khi nước sôi thì vặn lửa nhỏ rồi nấu thêm 10 phút thì tắt bếp.
Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, tân lương thấu biểu và phòng ngừa virus xâm nhập.
3. Thủy lê nhuận phế thang
Thành phần: hoàng kỳ (10 khắc, tức 10 g), la hán quả (2 quả), lê (2 quả), mứt quả hồng (3 quả), đường phèn (40 g) và 800 ml nước.
Cách dùng: Lấy quả lê rửa sạch, gọt vỏ, thái mỏng, la hán quả thì bóc bỏ vỏ cứng, mứt quả hồng thì bỏ cuống, hoàng kỳ thì ngâm nước 30 phút. Tiếp theo, cho nước vào nồi, nấu bằng lửa lớn cho sôi rồi để các thành phần trên vào, nấu khoảng 20 phút thì vặn lửa nhỏ, sau đó nấu thêm 20 phút nữa (3).
Trà thảo dược và các biện pháp phòng bệnh, tăng sức đề kháng
Theo Quách Triết Chương, giám đốc Phòng khám Trung y Thế Kỷ Mới (Đài Loan), ở những người bị chứng thấp nhiệt với các biểu hiện như lưỡi đỏ, rêu lưỡi dày thì khả năng cảm nhiễm virus sẽ cao hơn người bình thường.
Vì vậy, làm mạnh cơ thể từ bên trong là cách tốt nhất để loại trừ chứng thấp nhiệt và ngăn chặn các tác nhân xấu từ bên ngoài (ngoại tà gây ra bệnh). Như vậy, nói theo cách nói của Quách Triết Chương thì đó là khi ta “tạo ra một môi trường phù hợp với sức khỏe nhưng không phù hợp với virus“. Như thế, virus sẽ bị kìm hãm và không làm tổn hại cơ thể được.
Vì vậy, bên cạnh việc ngủ đủ giấc và luyện tập thể dục nhằm tăng cường sức khỏe, mọi người cũng có thể áp dụng thêm một số phương pháp phòng chống dịch như:
1. Duy trì nhiệt độ và độ ẩm phù hợp
Virus có khả năng chịu đựng nhiệt độ thấp nhưng không chịu được nhiệt độ cao (còn cơ thể người thì ngược lại: nhiệt độ càng thấp thì khả năng miễn dịch càng giảm). Vì vậy, chúng ta cần điều chỉnh nhiệt độ phù hợp ở mức 25 độ C và độ ẩm khoảng 55 % là lý tưởng. Trong điều kiện này, cơ thể chúng ta không chỉ cảm thấy thoải mái mà virus cũng ít có khả năng xâm nhập.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần giữ ấm cho cơ thể (đừng để hệ thống miễn dịch sụp đổ và thất bại trong gió lạnh!).
2. Ăn ít đồ ngọt và đồ chiên dầu mỡ
Theo quan niệm Đông y, ăn nhiều đồ ngọt sẽ làm tổn hại Tỳ, Vị và hệ tiêu hóa nói chung, thậm chí có thể gây ra táo bón và dẫn đến các chứng thấp nhiệt. Đối với các đồ chiên xào, có nhiều dầu mỡ chúng ta cũng không nên ăn nhiều.
3. Dùng trà thảo dược góp phần phòng ngừa bệnh tật xâm nhập
Bên cạnh các phương pháp trên, mọi người cũng có thể dùng thêm các loại trái cây hoặc thức ăn, thức uống có tác dụng nâng cao sức khỏe.
Đối với trà thảo dược giúp giảm tỉ lệ mắc cúm, Quách Triết Chương và các đồng nghiệp của ông đã tạo ra đơn thuốc gồm 9 vị (từng được dùng trong đại dịch SARS năm 2003).
Công thức: bạc hà (1, 5 tiền), phòng phong (2 tiền), hoàng kỳ (3 tiền), cam thảo (1 tiền), hoắc hương (2 tiền), kim ngân hoa (3 tiền), kinh giới (1 tiền), sao bạch truật (3 tiền), tía tô xanh Perilla frutescens (2 tiền).
Cách dùng: Nấu thảo dược cùng với 1, 5 lít nước, lúc đầu nấu lửa to, khi nước sôi thì nấu lửa nhỏ khoảng 15 phút rồi tắt và đợi thuốc bớt nóng thì uống (uống ấm sẽ tốt hơn).
Liều lượng dùng: Nếu là trẻ em thì dùng khoảng 50 ml cho trước và sau buổi đến trường, nếu là người lớn thì uống 100 ml vào buổi sáng và tối.
Lưu ý khi dùng trà thảo dược và thuốc Đông y
Y học cổ truyền quan niệm mỗi cá nhân có một cơ địa khác nhau và khả năng đề kháng bệnh cũng khác nhau. Vì vậy, khi bị bệnh tật, virus xâm nhập, sự tổn thương ở mỗi người cũng không giống nhau.
Do đó, y học cổ truyền nhấn mạnh việc dựa trên từng hoàn cảnh bệnh nhân để chữa bệnh và cần có sự chẩn đoán, chỉ định của thầy thuốc. Ngoài ra, còn có một số điều cần lưu ý như:
1. Những người đang mắc bệnh mãn tính và phụ nữ mang thai không nên tự tiện dùng (cần hỏi thêm ý kiến bác sĩ).
2. Sau khi uống trà thảo dược cũng như bất kỳ loại thuốc Đông y nào, nếu thấy cơ thể không khỏe hoặc có biểu hiện lạ thì cần dừng ngay và đi khám bệnh ngay lập tức.
3. Không uống cùng lúc thuốc này với các bài thuốc khác (kể cả Đông y và Tây y). Nếu dùng thì phải hỏi ý kiến thầy thuốc và thời gian cách quãng phải từ 30 phút (để cơ thể kịp thời điều chỉnh miễn dịch) (3).
Tư liệu tổng hợp
- 名中醫教用簡單中藥材自製防疫香包 薰香、泡澡都好用, https://health.tvbs.com.tw/
regimen/322860 - 肺炎別來!3款抗病中藥方 強化體內病毒防線, https://health.tvbs.com.tw/
regimen/322510 - 中醫「防疫茶」提高自體免疫力 打造抗病內環境, https://www.commonhealth.com.
tw/article/article.action?nid= 80899