Hàng ngày, chúng ta hay nghe ai đó nói họ bị tụt huyết áp, bị huyết áp thấp… và có khi là chính chúng ta mắc phải tình trạng này.
Nội dung chính ⇒
Tụt huyết áp là gì?
Hiểu nôm na thế này: tim chúng ta đập và tạo ra một lực nhất định để bơm máu đi khắp cơ thể.
Vì vậy, máu trong các mạch máu luôn có một lực nhất định lên mạch máu, giống như nước trong ống nước tạo một lực nhất định lên ống nước vậy. Đó là huyết áp.
Huyết áp cao là áp lực của máu lên thành mạch cao.
Huyết áp thấp là áp lực của máu lên thành mạch thấp.
Vậy còn tụt huyết áp?
Tụt huyết áp là tình trạng huyết áp giảm đột ngột khiến cho chỉ số huyết áp thấp hơn 90/60mmHg (hoặc huyết áp giảm hơn 20 mmHg so với trước đó).
Với người trưởng thành thì huyết áp dưới 90/60mmHg được xem là huyết áp thấp.
Với người lớn tuổi (hơn 65 tuổi) thì huyết áp dưới 100/60mmHg được xem là huyết áp thấp.
Tụt huyết áp, dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng
Khi bị tụt huyết áp, người bệnh sẽ có các biểu hiện như:
- Đứng lên ngồi xuống thì xây xẩm (tụt huyết áp tư thế).
- Hay thấy thiếu ngủ và luôn có cảm giác cần nghỉ ngơi.
- Mất ý thức tạm thời, mệt mỏi, lả, đầu óc lơ mơ.
- Hồi hộp, chóng mặt, hoa mắt, xây xẩm, ngất xỉu hoặc thoáng ngất xỉu (muốn ngã ngang xỉu nhưng lại tỉnh lại).
- Cảm thấy buồn nôn, khó tập trung tinh thần.
- Tim đập nhanh, tay chân tê lạnh.
- Giảm khả năng tình dục.
- Đổ mồ hôi nhưng vẫn thấy lạnh.
- Hay thở dốc khi phải làm việc nặng hoặc khi đi cầu thang…
Tụt huyết áp nguy hiểm không, có sao không?
Ngày nay, chúng ta nghe nói rất nhiều về bệnh cao huyết áp và nghĩ rằng huyết áp cao là nguy hiểm. Thật ra, huyết áp thấp cũng nguy hiểm không kém bởi vì nó cũng có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề như: nhũn não, suy tim cấp…
Mặc dù vậy, nó lại ít được phát hiện và cũng ít được quan tâm bởi những biểu hiện của nó thường không quá to tát (dạng nhẹ). Vì vậy, đa phần người bệnh đều chủ quan (ngay cả khi biết mình có huyết áp thấp).
Vì vậy, dần dần, các cơ quan trong cơ thể đều suy yếu và người bị huyết áp thấp dễ bị ngất xỉu khi đang làm việc (dễ gặp nguy hiểm, nhất là khi đang lái xe, đang trèo trên cao…).
Ngoài ra, khi người huyết áp thấp đi ngủ và thức dậy giữa đêm (để đi tiểu…) thì sẽ dễ bị ngất xỉu, thậm chí đột tử do tụt huyết áp đột ngột. Vì vậy, khi thức dậy giữa đêm thì cần nằm thêm 1 phút, sau đó vận động, nhúc nhích tay chân vài cái rồi mới từ từ ngồi dậy. Ngồi dậy xong cũng chưa nên đứng dậy đi ngay mà nên từ từ để chân xuống giường, sau đó (tầm 30 giây) thì mới từ từ đứng dậy. Với người lớn tuổi hoặc người huyết áp quá thấp thì cần vịn vào ghế hoặc bàn để đứng vững, cảm thấy ổn thì mới bước đi.
Huyết áp thấp thì phải làm sao?
Huyết áp thấp thì chúng ta phải thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt để huyết áp tăng lên, đạt mức an toàn. Với trường hợp nặng hoặc bị tụt huyết áp do các nguyên khác (không phải do thức ăn, lối sống) thì bạn cần điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Khi bị huyết áp thấp, bạn không cần sợ hãi, lo lắng nhưng cũng không được chủ quan vì huyết áp thấp sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của bạn, thậm chí gây nguy hiểm.
Sơ cứu khi bị huyết áp thấp:
– Với trường hợp tụt huyết áp tư thế (đang ngồi mà đứng dậy là choáng váng): để bệnh nhân nằm nghỉ mệt trên giường, đầu hơi thấp, dùng gối kê hai chân cho cao lên, nếu cần thì phải truyền dịch.
– Với trường hợp tụt huyết áp do sốt hoặc tiêu chảy: bù dịch theo đường tĩnh mạch (lượng truyền cần nhiều và nhanh, sau đó nhanh chóng đưa đi cấp cứu).
– Với trường hợp tụt huyết áp do các bệnh khác (nguyên nhân khác) thì cần điều trị bệnh đó (giải quyết nguyên nhân đó).
Vì sao bị tụt huyết áp (huyết áp thấp)?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tụt huyết áp (huyết áp thấp) như:
- Ăn hoặc uống quá nhiều thực phẩm có tác dụng hạ huyết áp.
- Cơ địa khiến cho huyết áp luôn thấp hơn mức thông thường.
- Lo sợ, quá xúc động (khi thấy máu, thấy tai nạn…).
- Do loại thuốc đang uống hoặc do tương tác giữa thuốc này và thuốc kia, giữa thuốc và thức ăn, thức uống…
- Do bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim cấp, suy dinh dưỡng, bệnh về xương tủy, bệnh giãn tĩnh mạch ở chân, nhiễm khuẩn nặng…
- Do mất máu nhiều: chấn thương làm vỡ nội tạng, chảy máu dạ dày tá tràng, mất máu nhiều khi nhổ răng, ho ra máu…
- Do mất nước nhiều: ví dụ như bị tiêu chảy, dùng thuốc lợi tiểu…
Tụt huyết áp có nên quan hệ không?
Với người huyết áp quá thấp, đang tụt huyết áp và cảm thấy mệt mỏi bất lực thì không nên quan hệ vì sau khi quan hệ vợ chồng, huyết áp cơ thể sẽ giảm thêm khiến cho tình trạng nặng hơn.
Không chỉ thế, với những cặp vợ chồng khỏe mạnh, nếu quan hệ quá nhiều trong ngày cũng sẽ dẫn đến tụt huyết áp (đã có trường hợp quan hệ 4 lần trong đêm và bị tụt huyết áp, bủn rủn tay chân…).
Bên cạnh đó, tụt huyết áp cũng ảnh hưởng đến chất lượng quan hệ tình dục. Nhìn chung, khi huyết áp thấp, chúng ta sẽ thường cảm thấy mệt mỏi nên không có ham muốn nhiều trong chuyện chăn gối. Khi quan hệ, dịch bôi trơn cũng tiết ra ít hơn (ở phụ nữ), vì vậy, khi quan hệ sẽ dễ bị đau rát, khó đạt được khoái cảm cao. Vì vậy, người huyết áp thấp thường không hài lòng khi quan hệ và giảm dần ham muốn, từ đó làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Vì vậy, người bị huyết áp thấp cần nhận được sự chia sẻ, an ủi từ vợ (chồng) và nghiêm túc cải thiện tình trạng bệnh của mình. Trên thực tế, huyết áp thấp (tụt huyết áp) có thể được cải thiện thông qua lối sống phù hợp.
Tụt huyết áp điều trị như thế nào?
Tụt huyết áp có thể điều trị bằng thuốc hoặc thông qua chế độ ăn uống, sinh hoạt (tùy tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có hướng dẫn khác nhau).
Với trường hợp nhẹ, bạn chỉ cần thay đổi lối sống cho phù hợp là được.
Tụt huyết áp nên ăn gì, uống gì?
Với người đang bị tụt huyết áp (trường hợp cấp bách) thì có thể cho người đó uống cà phê hoặc trà (trà pha đặc) để giúp tăng huyết áp lên.
Còn trong đời sống hàng ngày thì người huyết áp thấp (hay bị tụt huyết áp) cần lưu ý các điểm sau:
- Xem lại các bữa ăn của mình: Nếu thường ngày bạn nêm nếm thức ăn quá lạt thì nên nêm mặn hơn một chút vì muối làm tăng huyết áp. Tuy nhiên, bạn không nên ăn muối quá nhiều vì sẽ gây tích nước, sưng phù… và gây tăng huyết áp đột ngột, rất nguy hiểm.
- Bổ sung dưỡng chất: Bạn nên ăn thêm các thức ăn giàu chất Sắt như trái lựu, trái pom (táo tây), nấm đông cô (nấm hương), nấm mèo (mộc nhĩ), hạt sen, nho… và các thức ăn giàu vitamin A, B, C, chất đạm…
- Nếu hay bị chóng mặt, mệt mỏi sau khi ăn thì bạn nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ (4 hoặc 5 bữa mỗi ngày, mỗi lần ăn một ít).
- Uống đủ nước (mỗi lần uống 1 ít) và tránh bia rượu.
Chế độ rèn luyện cho người huyết áp thấp:
- Tránh thay đổi tư thế đột ngột (nếu bạn đang ngồi, muốn đứng dậy thì cần xoa bóp chân vài cái, nhúc nhích chân trước rồi mới từ từ đứng dậy và nên nắm một vật gì đó chắc chắn để không bị ngã bất chợt).
- Tránh tắm nước ấm hoặc xông hơi.
- Rèn luyện cơ thể: Điều khá quan trọng là bệnh nhân huyết áp thấp cũng cần tập thể dục nhẹ nhàng vừa phải (nhất là những người ít vận động thì nên vận động nhiều hơn để kích hoạt khí huyết). Lưu ý không được vận động quá sức vì sẽ làm tình trạng tệ hơn.
Thuốc gì trị huyết áp thấp (tụt huyết áp)?
Theo Đông y thì huyết áp thấp là do khí huyết hư. Vì vậy, để điều trị tận gốc căn bệnh này thì cần bổ khí huyết thông qua chế độ ăn uống, luyện tập thể dục và nếu cần thì dùng thêm các bài thuốc cổ truyền để giúp huyết áp đạt mức an toàn (tùy tình trạng bệnh mà có các thang thuốc riêng).
Theo Tây y thì có một số thuốc có thể điều trị huyết áp thấp (nhưng không tận gốc). Tuy nhiên, thuốc Tây y thường có tác dụng phụ đáng kể nên các bác sĩ luôn cân nhắc trước khi cho bệnh nhân dùng.
Nhìn chung, huyết áp cao hay huyết áp thấp đa phần đều là do chúng ta ăn uống và vận động chưa đúng cách. Vì vậy, chỉ cần thay đổi hai điều này thì bệnh của bạn sẽ dần dần cải thiện (nếu bị nhẹ). Ngược lại, nếu bị nặng, bạn cần đến bệnh viện để điều trị sớm, tránh các biến chứng không đáng có.
Xem thêm: Người bị cao huyết áp nên ăn gì?
Tư liệu tham khảo
- Huyết áp thấp có ảnh hưởng tới việc quan hệ tình dục không, https://dantri.com.vn/tu-van/huyet-ap-thap
- Huyết áp thấp làm giảm ham muốn tình dục ở phái mạnh, https://benhvienthucuc.vn/huyet-ap-thap-lam-giam-ham-muon-tinh-duc-o-phai-manh/
- Những điều nên và không nên làm khi bị huyết áp thấp, https://benhvienducgiang.com/truyen-thong-suc-khoe/nhung-dieu-nen-va-khong-nen-lam-khi-bi-huyet-ap-thap/156-677-501.aspx
- Huyết áp thấp, http://www.benhvien103.vn/huyet-ap-thap/