Bạn biết bộ tứ tượng “bịt mắt, bịt miệng, bịt tai, bịt thân” không?

Nếu bạn dùng bộ tượng ấy để trang trí cho đẹp, cho vui thì rất tốt, bởi vì nhìn nó rất dễ thương.
Nhưng, nếu bạn dùng nó để vận dụng vào cuộc đời thì nó sẽ không hiệu quả.
Tại sao mình lại nói nó không hiệu quả?
Bạn biết đó, có 2 cách giải thích ý nghĩa của 4 bức tượng đó.
Cách hiểu thứ nhất là: “Tôi không nhìn điều xấu”, “Tôi không nói điều xấu”, “Tôi không nghe điều xấu”, “Tôi không làm điều xấu”.
Cách hiểu thứ hai là: Chúng ta không nên dùng tai, dùng mắt, dùng miệng, dùng thân để quán sát mà hãy dùng tâm. Đừng lệ thuộc vào các giác quan.
Nếu nghe sơ qua, bạn sẽ thấy nó rất ý nghĩa, rất hay! Nhưng, nếu xem xét kỹ, bạn sẽ thấy nó có chỗ không ổn.
***
Mình nói điều này không phải để chống lại tôn giáo, mà là: nếu nó có thể gợi cho bạn một ý tưởng gì đó, rộng mở hơn, nhẹ nhàng hơn, dễ thực hành hơn… thì đó là mục đích của mình!
Theo cách hiểu thứ nhất thì chúng ta không nhìn – không nói – không nghe – không làm những điều xấu! Lời khuyên này rất hay nhưng lại khó làm theo được. Bạn biết tại sao không?
Tại vì cuộc sống này đầy rẫy những chuyện xấu và những chuyện không như ý. Nếu bạn không nhìn, không nghe, bạn rút lui về không gian yên bình của mình, bạn ở ẩn, điều đó cũng tốt. Nhưng, khi đó, bạn sẽ giống như một kẻ né tránh cuộc đời, tách biệt với cuộc đời.
Giả sử trên đường có hai người đang chửi bới nhau, bạn sẽ bịt mắt và bịt tai của mình lại? Hãy tưởng tượng ra cảnh đó, bạn sẽ thấy hình ảnh của mình trông thật ngô nghê. Bởi vì né tránh thực tại không phải là cách. Bạn có thể né tránh những người mà bạn không thích, bạn có thể né tránh những thứ sắp xảy ra trong tương lai, nhưng khi nó đang xảy ra với bạn, ngay thực tại, bạn sẽ né tránh thế nào? Bạn chỉ có một cách là đối diện.
Cho nên, bịt mắt, bịt tai… không phải là giải pháp khôn ngoan. Giải pháp khôn ngoan chính là: tôi vẫn thấy đấy, tôi vẫn nghe đấy, tôi đang đối diện đây… nhưng tôi không bị vướng bận vào nó. Bao nhiêu cảnh khổ đang diễn ra trước mắt tôi, bao nhiêu chuyện không như ý đang xảy ra trong đời tôi… Tôi biết, nhưng tôi không vướng bận.
Tôi có mắt, có tai, nếu tôi không thấy, không nghe thì tôi có khác gì khuyết tật! Tôi vẫn sử dụng các giác quan này, nhưng không bị vướng chấp vào nó mà tôi vượt qua nó, để nó trở thành phương tiện đưa tôi đến nơi.
Tu hành không phải là tách biệt với đời. Bạn có vào chùa hay lên núi thì bạn cũng ở trong cuộc đời này thôi!
Tu hành không phải là đóng các giác quan của mình lại, nếu như vậy thì tạo hóa ban cho bạn giác quan để làm gì!
Tu hành cũng không phải là phân biệt và lựa chọn: “Tôi chỉ muốn ngửi mùi thơm, tôi không muốn ngửi mùi hôi. Tôi chỉ nhìn chuyện tốt, tôi không nhìn chuyện xấu”. Những tuyên ngôn đó sẽ không có tác dụng, bởi vì cuộc đời có tất cả những thứ tốt xấu như thế.
***
Tu hành là bạn vẫn ở cuộc đời này, vẫn nghe, vẫn thấy… nhưng không vướng bận vào nó.
***
Còn hai bức tượng bịt miệng, bịt thân… thì sao?
Nếu bạn không có ý nói những lời xấu, hà tất bạn phải giữ cái miệng của mình? Đúng không? Nếu trong đầu bạn chỉ có những ý nghĩ tốt đẹp và bạn chỉ muốn nói những điều tốt đẹp, vậy thì bạn hà tất phải lo lắng cái miệng của mình? Nó tất yếu sẽ thốt ra những lời đẹp đẽ! Có gì phải lo? Có gì mà phải bịt lại?
Và nếu bạn không nghĩ đến những điều xấu thì hà tất gì, bạn phải quản lý cái thân vì sợ nó sẽ làm điều xấu?
Nếu bạn cứ lo sợ mình sẽ phạm sai lầm, nếu bạn cứ gồng lên để tự nhắc mình “tôi sẽ không làm những điều xấu, tôi sẽ không nói những lời xấu”… thì tâm trí bạn sẽ càng bị ám ảnh bởi những điều xấu. Bởi vì bạn luôn tự nhắc mình mà.
Cho nên, cái bạn cần không phải là cố gắng chống lại những ý niệm xấu.
Cái bạn cần chỉ là quên những điều xấu đi, quên nó đi, đừng để ý tới nó nữa. Khi bạn không chú ý đến nó nữa, tự nhiên nó sẽ không tồn tại, nó sẽ không còn là vấn đề trong cuộc sống của bạn. Bạn chỉ đơn giản là sống thôi.
***
Chào bạn. Mình là Nhi, người viết bài này, cũng là admin của kênh Youtube Phụng Nghi Đồng Tuyết Nhi.
Bạn có thể liên hệ mình qua sdt 0979 254 124.
Bạn cũng có thể thưởng cho mình ly sữa để tiếp tục viết văn qua stk Agribank 1800 259 157 122 (Đồng Tuyết Nhi).
Cảm ơn bạn.