Ví dụ tới cơn đói, đợi thêm 2 phút rồi mới ăn là vượt lên sự thôi thúc của cơn đói. Cái này rất dễ. Tập dần sẽ xử lý được nhiều thôi thúc khác.
Đến tuổi sinh sản, chấp nhận, hiểu và đối diện bản năng sinh sản một cách duyên dáng là vượt lên những thôi thúc khó cưỡng của nội tiết tố. Tự nhiên muốn mở rộng nó thông qua bạn nên bơm cho bạn một lượng lớn nội tiết tố sinh sản vào độ tuổi trưởng thành. Cái này hầu hết mọi người đều không vượt qua được nên mới có phá thai, ngoại tình, bệnh lây truyền qua đường tình dục và các ám ảnh trinh tiết, rối loạn tâm lý do tiếp xúc với nhiều cơ thể… Cần thanh lọc 5 yếu tố để xử lý những rối loạn bên trong.
Thuyết “Năng lượng thừa” cho rằng những thôi thúc sinh lý là do cơ thể có quá nhiều năng lượng thừa do lối sống sai cách, vì vậy, họ hướng năng lượng thừa đó sang khía cạnh sáng tạo nghệ thuật, thể thao, lao động… Một người làm việc mệt lả thì chỉ muốn ngủ, nghỉ ngơi, không còn quá nhiều năng lượng để tìm thêm bạn tình.
Các nhà tâm linh thì điều khiển năng lượng tình dục và chuyển hóa nó thành năng lượng sống, họ không “bất lực” hay “lãnh cảm” mà làm chủ những thôi thúc khó cưỡng của mình. Hiển nhiên, khi cần sinh con, họ vẫn sinh con bình thường.
Một khuynh hướng khác là nhìn thẳng vào những ham muốn đó và tự xử lý nó. Thường thì họ sẽ “thủ dâm” và sau một thời gian, họ nhận ra hành động này làm bản thân kiệt sức dần, rằng nó làm tiêu hao khá nhiều năng lượng sống của họ, tốn khá nhiều calo… và họ dần dần cắt giảm lại, họ không phủ nhận mà hiểu và cắt giảm, và dần dần, họ đạt trạng thái ung dung với nó.
Vì vậy, về mặt cơ thể, bạn có nhiều cách để vượt lên những thôi thúc khó cưỡng.
Nhưng lên cấp độ tâm trí và cảm xúc, bạn sẽ thấy khó hơn nhiều vì bạn có thể nhịn đói nhưng không thể ngừng nhớ một người. Bạn có thể nỗ lực để kìm chế thôi thúc sinh lý nhưng không thể nỗ lực để quên. Tâm trí không có hình dáng nên bạn không thể xử lý nó theo cách trực tiếp và thô thiển được. Giây phút bạn quyết tâm quên ai đó thì chắc chắn trong đầu bạn càng chứa đầy hình ảnh của họ.
Chỉ có một cách xử lý những vấn đề của tâm trí thôi: mặc kệ nó, hãy để nó diễn ra và tự tiêu hao dần, tự trôi đi. Cuộc sống với hàng loạt dữ liệu mới sẽ dần chiếm chỗ và những vấn đề về tâm trí sẽ trôi dần và biến mất.
Bạn xấu hổ vì mặc quần rách ư? Kệ nó. Bạn mặc cảm vì nghèo ư? Không sao, kệ nó. Bạn nảy sinh cảm giác thù ghét ư, cứ ghét và kệ nó. Cứ để tâm trí diễn ra theo nghiệp của nó. Ví dụ trước đây, bạn bị những người xăm mình đánh nên tâm trí bạn tích lũy ký ức thù ghét những người xăm mình. Bây giờ, khi gặp người xăm mình, nghiệp cũ chi phối tâm trí và khiến tâm trí cảm thấy ghét. Ok, là tâm trí này ghét hả? Cứ ghét. Và bạn cứ kệ tâm trí. Nó ghét xong thì sẽ xong thôi.
Ngày xưa mình không hiểu tại sao mình lại ghét ca sĩ Khởi My, ghét kinh khủng đến mức không bao giờ muốn nhắc tên dù mình chưa gặp chị ấy lần nào, cũng chưa nghe nhạc luôn nhưng nhìn mặt là ghét. Rõ ràng, nghiệp đang vận hành. Mình chấp nhận cảm xúc của mình. Sau này, nghiệp hoàn thành, mình không thấy ghét nữa.
Nhưng bạn đang vật vã với tâm trí mình và không có cách nào để nó yên? Vậy thì cứ để nó vật vã bải hoải như vậy đi. Một lúc nào đó, bạn bất lực hoàn toàn thì bạn sẽ tự buông xuống. Khi đó, bạn đã thực sự buông và nó sẽ tự tiêu hao dần.
Đến lúc nào đó bạn thực sự buông xuống
Cho từng lớp rơi rụng
Thì nó sẽ không còn đau đớn nữa.
Có những thứ đã cố hết sức mà không thể tránh khỏi thì đừng vùng vẫy nữa. Hãy chấp nhận và để nó viên mãn, hoàn thành.