Đừng để ngôi nhà bạn trở thành nơi áp đặt con cái. Hãy để ngôi nhà của bạn có được bầu không khí thoải mái, vui vẻ.
Nếu đứa trẻ thấy thoải mái khi ở nhà, tự nhiên chúng sẽ thích ở nhà hơn ở bên ngoài.
Nhưng giờ đây, rất nhiều trẻ em và thanh thiếu niên thích ở ngoài đường hơn là ở nhà, tại vì sao, tại vì một góc phố bên ngoài có thể mang lại cho chúng cảm giác tự do, thoải mái.
Là cha mẹ, hãy khuyến khích con cái tự suy nghĩ, tự quyết định xem điều gì là tốt nhất. Hãy để chúng bày tỏ ý kiến. Hãy lắng nghe chứ đừng áp đặt. Khi đó, con trẻ sẽ tự ý thức và dần dần hành xử có trách nhiệm.
***
Dạy dỗ con trẻ không phải là bạn lấy sự tôn nghiêm ra để áp đặt hay lấy quyền lực để hâm dọa. Bạn cũng không thể lấy quyền làm cha mẹ mà tùy tiện ép buộc con mình.
Chúng có thể vì sợ bạn mà nghe theo nhưng sẽ không bao giờ có thiện cảm với bạn. Thậm chí, chúng còn chống đối bạn, cãi lại bạn. Bạn đã nghe qua nhiều vụ án con cái giết cha mẹ rồi, đúng chứ? Chúng bị áp bức đến điên lên.
***
Ngược lại, khi bạn để cho một đứa trẻ thấy rằng ý kiến của nó sẽ được xem xét và ủng hộ, nó sẽ tự tin, vui vẻ và thoải mái hơn. Có chuyện gì hay, nó sẽ kể cho bạn nghe.
Ngược lại, nếu bạn nghiêm khắc, áp đặt, con bạn sẽ bắt đầu chán ghét bạn, giấu diếm bạn.
Làm sao nó có thể nói với bạn rằng nó vừa làm bể ly nước khi nó biết rằng, bạn sẽ chửi nó?
Làm sao nó có thể nói với bạn những khó khăn của riêng nó khi bạn là một người chưa bao giờ lắng nghe?
Bạn chỉ thấy bạn là đúng, là đầy kinh nghiệm.
***
Độ tuổi nào cũng có khó khăn và áp lực của độ tuổi đó.
Ở Mexico, một bé gái 10 tuổi đã treo cổ tự tử tại nhà vì sau khi cha cô bé bỏ đi, mẹ cô bé luôn nói rằng ước chi cô bé chưa từng ra đời. Vì vậy, cô bé nghĩ rằng món quà tốt nhất mà mình có thể tặng cho mẹ là chết đi, biến mất khỏi cuộc đời này. Cô bé bảo rằng “món quà tốt nhất con muốn là hạnh phúc của mẹ”.
Cha bỏ đi, cô bé người Mexico tìm đến cái chết để mong mẹ sống vui vẻ hơn.
Câu chuyện trên là có thật và nó đã khiến nhiều phụ huynh phải suy nghĩ lại.
Đôi khi, những lời nói bâng quơ hay những lời trách móc mà bạn cho là bình thường, chúng lại trở thành tổn thương tâm lý đối với những đứa trẻ.
Đã có nhiều đứa trẻ giết em mình vì sợ mẹ chúng thương hơn, vì người lớn hay chọc chúng rằng “mẹ con có em bé rồi, con sắp bị ra rìa rồi” và chúng tưởng mẹ chúng sẽ hết thương chúng thật. Đã có nhiều đứa trẻ giết em mình vì vô tình làm chúng khóc và sợ bị cha mẹ la.
Nếu hàng ngày bạn không hà khắc với chúng thì tại sao chúng lại sợ bạn đến vậy?
Nếu sau khi bạn có em bé, bạn vẫn yêu thương chúng như cũ thì việc gì chúng phải ghen tỵ với đứa em?
Mình biết rất nhiều bà mẹ, hễ sinh ra đứa tiếp theo là bỏ bê đứa đầu, cái gì cũng dành cho đứa tiếp theo. Lẽ ra, bạn phải quan tâm con bạn nhiều hơn và thường xuyên nhắc chúng rằng: mẹ yêu em bé nhưng mẹ vẫn yêu con, em bé là em của con, nó chơi đồ chơi xong thì sẽ tới lượt con. Hồi mình còn nhỏ, mẹ mình mỗi lần sinh em bé đều nói với mình rằng: mẹ có một khúc ruột, con là khúc đầu, em con là các khúc tiếp theo, tất cả các con đều là cùng một khúc ruột bứt ra.
Và mỗi lần hàng xóm đến chơi, họ đều nói với mình rằng: “Sướng quá ta, có em rồi. Từ đây về sau có người chơi chung rồi”. Mình nghe xong và cảm thấy sung sướng thật.
***
Làm cha mẹ, bạn phải có trách nhiệm tạo cho con trẻ một bầu không khí tốt đẹp để chúng phát triển tốt hơn.
Hơn hết, bạn phải tự sửa mình. Ông bà ta có câu “Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”.
Bạn phải làm gương cho con bạn.
Khi bạn sống “thấy ghê” thì con bạn chống lại bạn, đó là tin mừng, bởi vì chúng thông minh. Ngược lại, nếu bạn sống chẳng ra gì mà con bạn còn học theo bạn thì đó là tai họa.
Người lớn chúng ta cứ mặc định “con nít thì biết gì” nhưng thật ra, chúng ta cũng có biết gì!
Trẻ con, chúng cũng có khát khao của chúng và chúng nhạy cảm hơn bạn nghĩ.
Mình có một thằng em trai 13 tuổi. Một hôm, nó phát hiện người hàng xóm chuyên đổ rác qua sân nhà mình, hễ quét rác xong là đổ qua mà nó không dám nhắc họ.
Mình giỡn, mình bảo: Vậy chiều nay, khi cưng thấy họ ngồi ở gần đó thì cưng giả vờ lấy rác đổ ngay chỗ họ hay đổ đi. Chị sẽ đi ra và quát cưng: “Thiện, sao đổ rác ở đây? Đây là chỗ để đổ sao?…”
Mình vừa quát xong thì gương mặt em trai mình nhăn lại, mếu máo, xìu xuống như muốn khóc. Nó nhăn nhăn: “Thôi, em không muốn đâu. Em sợ lắm”.
Mình bảo: “Đâu có gì đâu. Chị diễn thôi mà”.
Nó bảo: “Diễn nhưng mà em cũng sợ. Em tưởng như em đang bị chửi”.
Bạn thấy đấy, dù em biết mình quát nó chỉ để mô tả tình huống xảy ra nhưng nó vẫn giật mình, vẫn sợ, vẫn tổn thương.
Bất cứ đứa trẻ nào, khi bị quát mắng đều thấy tổn thương. Ngay cả bạn cũng vậy, không phải sao?
Những đứa không bị tổn thương, chẳng qua là vì nó đã nghe quá nhiều và quá nhàm chán. Còn bình thường, ai cũng muốn mình được đối xử nhẹ nhàng, ngọt ngào. Không ai muốn nghe những lời quát tháo, nạt nộ cả.
***
Người lớn chúng ta, nếu xứng đáng để được gọi là người lớn thì phải có trách nhiệm với hành động của mình.
Có thể là bạn tự nguyện sinh con, có thể là bạn vì hoàn cảnh nào đó mà phải sinh con, có thể bạn bị cưỡng hiếp và có con…
Nhưng khi bạn đã quyết định để đứa bé chào đời thì bạn phải sẵn sàng cho cuộc sống của chúng.
Thà là bạn không có con còn hơn có con mà làm cho chúng khổ.
Thà là bạn không sinh sản, như thế, thế giới sẽ tốt đẹp hơn.
Ngày nay, rất nhiều người vô tâm, vô trách nhiệm và không xứng đáng để được làm cha mẹ.
Rất nhiều người thương con nhưng thương sai cách: quá dung túng hoặc quá hà khắc, quá vô tâm hoặc quá kiểm soát, quá nuông chiều hoặc quá áp đặt…
Và rất nhiều người thương con đến mê muội.
Rất nhiều người, rõ ràng rất thương con nhưng miệng thì luôn than phiền, rằng “Tại mày mà tao mới như thế này”, “Tại có con mà cha mẹ mới không đủ tiền, mới nghèo hoài”…
Bạn không thể chọn nuôi một người nào đó và rồi bạn đổ lỗi cho họ. Đó là sự tráo trở.
Không ai muốn ăn chén cơm của bạn để rồi phải nghe bạn dằn vặt.
Những đứa trẻ bất lực, có thể chúng sẽ chịu đựng để tiếp tục sống.
Nhưng những đứa trẻ thông minh, độc lập và muốn được tôn trọng… thì chúng sẽ tìm cách rời khỏi bạn.
Bởi vì bạn có gì hay để chúng ở bên? Bạn chỉ suốt ngày toan tính, đổ lỗi, than phiền, trách móc…
Nếu ở bên bạn chỉ thấy mệt mỏi thì chúng ở bên bạn làm gì?
Người ta chỉ muốn ở bên người mà họ thấy thoải mái.
***
Cho nên, muốn con cái của bạn tuyệt vời thì bạn phải tuyệt vời.
Nếu con cái của bạn tệ thì bạn hãy nhìn lại mình.
Đừng đổ lỗi theo kiểu “cha mẹ sinh con, trời sinh tánh”.
Khi bạn không dũng cảm nhìn vào lỗi của mình thì bạn không chỉ hủy hoại tương lai của con bạn mà còn hủy hoại tương lai của chính mình.
***
Cuối cùng, hãy nhớ con bạn không phải là tài sản của bạn, để bạn muốn chúng làm gì thì chúng phải làm theo.
Nếu bạn dùng câu “tao sanh ra mày được thì tao giết mày được”, vậy thì, nếu cha mẹ bạn cũng nói với bạn như vậy, bạn cảm thấy thế nào? Hãy thành thực!
Con cái là người bạn đồng hành cùng bạn, để chia sẻ và để yêu thương.
Xem thêm: Chân lý sống hạnh phúc