Hoa thiên lý có tác dụng gì? Bạn biết đấy, hoa thiên lý là loại hoa ăn được và có thể chế biến thành nhiều món ngon như xào, nấu canh, nhúng lẩu…
Đặc biệt, trong y học, hoa thiên lý là vị thuốc quen thuộc và lá cây, rễ cây cũng được dùng làm thuốc.
Nội dung chính ⇒
Ăn hoa thiên lý có tác dụng gì? Công dụng hoa thiên lý
Hoa thiên lý là loại hoa bổ dưỡng, khi nấu chín thì có vị ngọt mềm, bùi bùi và thơm nhẹ.
Kết quả phân tích cho thấy trong hoa thiên lý có chứa chất đạm, chất xơ, đường bột, vitamin B1, B2, C, PP, tiền sinh tố A và các khoáng chất như Kẽm, Sắt, Phốt pho, Can xi…
Vì vậy, ăn hoa thiên lý sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như:
- Cải thiện bệnh vô sinh ở nam giới do tiếp xúc mực in, xăng pha chì, bình ắc quy… khiến cho bị nhiễm chì (hoa thiên lý có chứa nhiều kẽm nên khi đi vào cơ thể, nó sẽ giúp đẩy chì ra khỏi tinh dịch).
- Bồi bổ sức khỏe cho trẻ mau lớn.
- Tăng sức đề kháng cho người già (giúp giảm nguy cơ phì đại tuyến tiền liệt).
Theo y học cổ truyền, hoa thiên lý còn có các công dụng sau:
- Giúp giải nhiệt và làm tan màng mộng.
- Giúp bổ tim, an thần và ngủ ngon hơn.
- Giúp bổ thận và giảm đau lưng.
- Giảm nhức xương cốt và cải thiện chứng tiểu đêm.
- Giúp kháng viêm và mau lên da non.
- Giúp giảm viêm giác mạc và giảm tình trạng mờ đục màng mắt.
- Giúp giảm viêm kết mạc do sởi, viêm kết mạc cấp tính và mãn tính.
- Ngăn ngừa nổi rôm sảy (vào mùa hè nắng nóng).
- Giúp thư giãn tinh thần.
Cách dùng: lấy hoa tươi nấu canh ăn hàng ngày (ăn một lượng vừa phải). Với chứng đau nhức xương cốt và mình mẩy, bạn có thể luộc hoa cho chín rồi chấm với muối mè (muối vừng) để ăn thường xuyên.
Lưu ý khi dùng hoa thiên lý
Khi nấu hoa thiên lý, bạn không nên kết hợp với huyết, gan, rau muống hay thịt lợn… vì những thực phẩm này chứa nhiều chất Sắt, khi đi vào cơ thể, chúng sẽ đẩy chất Kẽm ra (làm hao hụt lượng Kẽm bổ sung cho cơ thể).
Lá cây thiên lý có tác dụng gì?
Lá thiên lý được biết đến như là vị thuốc tự nhiên giúp xổ giun kim cho trẻ. Cách dùng như sau: hái lá non rồi nấu canh ăn mỗi ngày một lần, liều lượng vừa phải và ăn liên tục một tuần.
Bên cạnh đó, nếu bị đinh nhọt, bạn có thể hái 50 g lá thiên lý tươi, rửa sạch, giã nát rồi đắp lên (mỗi ngày đắp một lần và đắp liên tục vài ngày để thấy kết quả).
Ngoài ra, trong trường hợp sa dạ con hoặc lòi dom, dân gian ta cũng có bài thuốc từ lá thiên lý như sau:
Hái một nắm lá tươi, rửa sạch, sau đó đem giã nát với một ít muối (khối lượng muối bằng 5 % khối lượng lá), sau đó vắt lấy nước rồi lấy một miếng bông gòn nhúng vào nước ấy, đem đặt vào lỗ hậu môn (hoặc âm hộ). Mỗi ngày, bạn thay bông gòn một hoặc hai lần và nên kiên trì thực hiện liên tục một tuần để thấy hiệu quả nhé!
Rễ cây thiên lý có tác dụng gì, chữa bệnh gì?
Theo kinh nghiệm dân gian, rễ cây thiên lý có tác dụng điều trị tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu ra cặn trắng hoặc tiểu ra máu.
Cách dùng rất đơn giản: lấy 10 – 20 g rễ cây, rửa sạch, cắt nhỏ rồi nấu lấy nước uống hai lần mỗi ngày.
Tư liệu tham khảo
- Tuệ Minh – Dương Thiên, Cây thuốc nam thông dụng trị liệu trong gia đình, NXB Đồng Nai.
Xem thêm: Công dụng làm thuốc của hoa đào