Trái chanh dây (chanh leo) có tác dụng gì? Nó có thể làm những món ăn, thức uống nào và có thể dùng chữa bệnh, làm đẹp hay không?
Nội dung chính ⇒
Chanh dây có hương vị như thế nào?
Chanh dây là loại quả cho hương vị đặc biệt, gần giống với mùi hương của hoa thơm ổi (hoa ngũ sắc). Có người chê mùi của nó gắt, khó chịu nhưng cũng có người uống xong là ghiền. Nếu bạn là một người thích uống chanh dây thì xin chúc mừng bởi đây là loại quả rất tốt cho sức khỏe.
Có thể nói, chanh dây là loài dây ăn quả đa công dụng: vỏ quả làm mứt, thịt quả làm si rô và phần dây leo thì làm thuốc chữa bệnh…
Trái chanh dây có tác dụng gì? Vỏ chanh dây có tác dụng gì?
Không chỉ trái chanh dây mà vỏ của nó cũng có thể làm thành thức ăn, thức uống. Đến bây giờ, tôi vẫn thích hương vị đặc biệt của chanh dây.
1. Chanh dây làm nước giải khát
Được biết, ruột quả chanh dây chín có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, kích thích vị giác, làm thông ruột và giúp an thần. Để có nước giải khát thanh nhiệt từ chanh dây, bạn chỉ cần chẻ quả ra làm hai, múc lớp ruột ra rồi cho thêm đường và nước đá là được.
2. Làm si rô đá bào chanh dây
Đâu có lý do gì lại không dùng chanh dây để làm si rô cho đá bào nhỉ! Một ly đá bào nho nhỏ, mát lạnh, được điểm lên màu vàng của nước, màu đen của hạt và cả cái hương thơm chanh dây kích thích thèm ăn nữa! Hãy thử nhé!
Được biết, sự kết hợp này còn gợi ý cho sự ra đời của nước ép chanh dây đóng hộp (chuyên dùng cho món đá bào). Và để tạo sự bắt mắt cho món đá bào, những nhà bán hàng còn pha trộn si rô chanh dây cùng các màu si rô khác nữa.
3. Làm bánh với chanh dây
Với những người yêu thích chanh dây thì sự kết hợp của loại trái cây này với các nguyên liệu khác luôn là điều tuyệt vời! Nếu bạn là người hay làm bánh bông lan, bánh ngọt, bánh mì thái lát, bánh sinh nhật… thì việc kết hợp chúng với màu sắc, hương vị chanh leo cũng là một gợi ý đấy nhé!
4. Sữa chua chanh dây
Chỉ cần gõ từ khóa “sữa chua chanh dây”, bạn sẽ thấy hàng loạt cách hướng dẫn với món này! Thật tiện lợi với những quả chanh leo và những hộp sữa chua đã bán sẵn phải không ạ!
5. Rau câu chanh dây – thơm ngất ngây
Với món này, hội chị em thích ăn vặt chắc hẳn không lạ gì, nhất là trong món trái cây xô, trái cây dĩa. Rau câu chanh dây vừa có màu tự nhiên, không độc hại, vừa thơm ngon lại còn thanh nhiệt.
6. Làm mứt chanh dây
Bạn đã định làm gì với những miếng vỏ chanh dây chưa? Nếu chưa thì làm mứt nhé! Cách làm cũng không khó đâu ạ. Bạn chỉ cần gọt sạch lớp vỏ, xẻ các đường ngắn bên hông, múc ruột ra rồi ngâm nước muối một tiếng, sau đó rửa kỹ nhiều lần và ngâm đường ít nhất 8 tiếng, cuối cùng, đem ngào lên và phơi nắng cho dẻo lại là được.
7. Chiết xuất dầu từ hạt chanh dây
Bạn biết không, hạt chanh dây còn được dùng để chiết xuất tinh dầu. Tinh dầu này có màu vàng và có chứa các vitamin A, C, các axit béo cùng các khoáng chất như Ka li, Đồng, Ma giê, Can xi, Phốt pho… Do đó, tinh dầu chanh dây thường được dùng trong lĩnh vực làm đẹp nhằm chống viêm, kháng khuẩn, giảm ngứa, dưỡng da, trị mụn và làm chậm quá trình lão hóa.
Tác dụng chữa bệnh và làm đẹp của quả chanh dây (chanh leo)
Cây và trái chanh dây còn được dùng làm thuốc. Có thể kể ra một số bài thuốc như:
1. Thuốc sắc từ dây
Dây chanh dây là vị thuốc Nam có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giảm viêm sưng, đau họng và ho đờm do nóng phổi. Ngoài ra, vị thuốc này còn giúp lợi tiểu, hạ huyết áp, điều trị viêm âm đạo và tiểu ra nước trắng đục (liều dùng từ 25 – 50 g dây/ ngày).
2. Thuốc ngoài da
Nếu chân bạn bị lở loét, hãy lấy quả chanh leo bổ ra và dùng phần cơm hạt bên trong thoa lên vết thương nhé. Lớp áo hạt của loại quả này giúp kháng viêm rất tốt đấy!
3. Mặt nạ dưỡng da trị mụn
Để làm loại mặt nạ này, bạn cần chuẩn bị một quả chanh leo và nửa củ cải trắng. Trước tiên, bạn múc lấy phần ruột quả ra, để riêng. Với nửa củ cải trắng, bạn gọt vỏ, nghiền nát rồi lọc lấy nước, sau đó trộn đều hai thứ lại. Hỗn hợp này rất tốt cho da.
Cách dùng: Lấy hỗn hợp thoa lên mặt khoảng 15 phút, đợi nước tự khô lại thì rửa sạch với nước (sau đó bạn cũng có thể rửa thêm nước hoa hồng để làm sạch lỗ chân lông). Lưu ý, mỗi tuần chỉ nên thực hiện hai hoặc ba lần và nếu da bạn thuộc loại nhạy cảm thì nên thử trước một ít thôi nhé.
Khi dùng chanh dây (chanh leo) cần lưu ý gì?
1. Không uống chanh dây lúc đói và không nên dùng những quả chưa chín hẳn (vì trong quả chanh dây chưa chín có một lượng độc tố nhỏ) (5).
2. Mỗi ngày không nên dùng quá 2 ly nước chanh dây và không dùng liên tục trong thời gian dài.
3. Không uống chanh dây cùng lúc với nhân sâm và các thuốc khác để tránh tương tác (nhất là thuốc an thần, thuốc chống đông máu).
4. Nếu bạn nhạy cảm với mùi hương gắt thì có thể bạn không hợp với chanh dây. Bên cạnh đó, loại quả này cũng có thể gây dị ứng với biểu hiện thường thấy là nổi mề đay.
5. Theo kinh nghiệm dân gian, những người bị hạ huyết áp, loét dạ dày, thể tạng hàn cũng không nên dùng loại quả này.
6. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng làm thuốc.
Thông tin thêm về dây và quả chanh dây (chanh leo)
1. Chanh dây, hay còn gọi là chanh leo, dây mát, lạc tiên trứng, chùm bao trứng, tây phiên liên, passion fruit (tên Tiếng Anh…), là loại dây leo có tên khoa học là Passiflora edulis, thuộc họ Lạc tiên (1).
2. Chanh dây có nhiều loại. Nếu xếp theo màu sắc thì có các loại quả với màu vỏ từ vàng đến tím. Nếu xếp theo màu của lớp cơm bên trong thì có loại cơm trắng, cơm vàng. Nếu xếp theo hình dạng quả thì có quả tròn, quả hình ovan (hình trứng)…
Ở Việt Nam, có hai loại chanh leo thường được trồng là loại vỏ màu tím (P.edulis f. edulis) và loại vỏ màu vàng (P. edulis f. flavicarpa). Ngoài ra, gần đây còn xuất hiện loài chanh leo chuối (P. tripartita var. Mollissima) được du nhập vào khiến nhiều người bất ngờ.
3. Quả chanh dây có mức năng lượng khá cao: khoảng 97 kcal/ 100 g cơm quả tươi (đây là kết quả phân tích trên loại quả vỏ tím).
Không chỉ thế, trong cơm quả chanh dây còn chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể (như vitamin A, B2, B3, B9, C, Can xi, Sắt, Phốt pho, Ka li, Ma giê, Kẽm…).
4. Hiện tại thì chanh dây quả tím được ưa chuộng hơn. Nhìn chung, chanh dây là loại quả có thể dự trữ rất lâu. Dù lớp vỏ ngoài của quả bị khô rút, móp mép thì lớp cơm hạt bên trong vẫn sử dụng được. Tuy nhiên, với những quả có lớp vỏ bị mốc thì các bạn không nên dùng.
Xem thêm: Rau diếp (rau xà lách) và các bài thuốc chữa bệnh theo y học cổ truyền
Tư liệu tổng hợp
- Passiflora edulis, https://vi.wikipedia.org/wiki/Passiflora_edulis
- Mứt chanh dây, https://cookpad.com/vn/cong-thuc/4012661-m%E1%BB%A9t-chanh-day
- Vương Ngọc Điển, Trái cây chữa bệnh, NXB Phụ nữ.
- Passion Fruit Oil: What Is It & What Are The Benefits?, https://theidleman.com/blogs/grooming/passion-fruit-oil-benefits