Chúng ta thường nghe nói có “thềm quế cung trăng” hay “cây quế cung trăng”. Vậy, cây quế cung trăng là cây gì? Là cây quế mà ta lấy vỏ làm thuốc hay là cây mộc hương?
Nội dung chính ⇒
Cây quế cung trăng là cây mộc hương?
Tương truyền trên mặt trăng có một cây quế rất to. Ngày nay, nhiều người cho rằng đó là cây quế mà ta hay dùng vỏ và cành non để làm gia vị, làm thuốc. Tuy nhiên, không phải như vậy!
“Cây quế cung trăng” mà ta hay nói đến là một loài khác. Đó là cây quế hoa (ở Việt Nam gọi là cây mộc hương), cây có hoa rất thơm.
Thật ra, hình ảnh “cây quế cung trăng” vốn bắt nguồn từ thần thoại Ngô Cương đốn quế của Trung Quốc, đại khái kể rằng:
Xưa kia, có anh chàng đốn củi tên là Ngô Cương bị đày tới cung trăng. Theo lệnh của các vị thần, Ngô Cương phải chặt cho được cái cây gỗ to mọc ở đó thì mới được tha. Thế nhưng, hễ anh vừa chặt xong thì cái cây ấy liền lại, vì thế mà Ngô Cương vẫn còn ở đó cho đến giờ.
Cái bóng đen của Ngô Cương trên mặt trăng, ngày nay ta gọi là chú cuội còn cái cây gỗ to trên mặt trăng, tương truyền đó là một cây quế, tức cây quế hoa (mộc hương). Ở đây, cần lưu ý rằng quế hoa cũng có nhiều loại với các màu hoa khác nhau như vàng, đỏ, trắng, cam…
Vì hình ảnh “cây quế” thường gắn liền với cung trăng nên khi nói “cung quế”, người ta sẽ hiểu đó là cung trăng, chẳng hạn như trong bài thơ Muốn làm thằng cuội của Tản Đà:
“Cung quế đã ai ngồi đó chửa
Cành đa xin chị nhắc lên chơi” (7).
Mặt khác, vào thời phong kiến, khoa cử ở Trung Quốc thường được tổ chức vào mùa thu, đúng lúc trăng tròn và quế hoa nở rộ. Vì vậy, người ta gọi những thí sinh thi đỗ là “bẻ quế cung trăng, ghi tên bảng vàng” (thiềm cung chiết quế, kim bảng đề danh) (5).
Hơn nữa, hàng năm, vào mùa thi, nhiều người còn dùng quế hoa làm thành bánh Quảng Hàn cho các sĩ tử ăn để mong họ thi đỗ (tương truyền trên mặt trăng có một cung điện rất đẹp, gọi là Quảng Hàn cung).
Ngoài ra, khi sinh con trai, có nơi người ta còn trồng cây quế hoa (cùng với cây hòe) với mong muốn sau này đứa trẻ ấy sẽ thành đạt trên đường khoa cử. Truyện Kiều có câu “Một cây cù mộc, một sân quế hòe” là vậy.
Vài nét về cây quế hoa
Ở Trung Quốc, quế hoa (桂花) là tên gọi chung của nhiều loài cây thân gỗ, chậm lớn, sống lâu năm và thuộc họ Nguyệt quế. Ở Việt Nam, quế hoa chính là cây mộc hương, mộc tê hay hoa mộc…
Có một số loại quế hoa thường được nhắc đến là “kim quế”, “đan quế”, “ngân quế”, “chu sa quế”, … và “nguyệt quế”.
Về vòng nguyệt quế
Trong các loại quế hoa vừa kể trên thì có một loại được gọi là “nguyệt quế” (Laurus nobilis).
Chính loài này mới là cây “nguyệt quế” thực thụ (tức “nguyệt quế Hy Lạp”) mà người Hy Lạp cổ đại đã dùng để kết thành “vòng nguyệt quế” cho người chiến thắng (vì lá của nó có hương thơm).
Như vậy, chúng ta cần phân biệt cây “nguyệt quế” thực thụ này với ít nhất một loài khác cũng được gọi là “nguyệt quế”, đó là cây nguyệt quới (như ảnh dưới đây), cây có tên khoa học là Murraya paniculata. Loài này có hoa rất thơm, thường được trồng làm cảnh nhưng không có liên quan gì đến “cây quế cung trăng” được nói đến trong bài này.
Nói tóm lại, “cây quế cung trăng” theo tương truyền chính là cây quế hoa, tức cây mộc hương (hoa mộc) ở Việt Nam. Và nếu hỏi đó là loại quế hoa nào, màu gì thì có thể tạm thời xác định rằng đó là “đan quế” (loại có hoa màu đỏ cam). Bởi, văn học cổ Trung Quốc hay dùng từ “đan quế” để chỉ mặt trăng và theo như hình ảnh minh họa trên trang Bách khoa toàn thư mở Trung Quốc (baike.baidu.com) nhìn hình ảnh cây quế hoa cũng gần giống cây “đan quế” (đan quế là một loại quế hoa).
Cũng cần nói thêm, sau này, khi ta có sự tích “Chú cuội cây đa” thì cái bóng trên mặt trăng mới được gọi là “cây đa” (và thực tế thì chẳng có cái cây nào trên mặt trăng cả!).
Xem thêm: Có bao nhiêu loại quế được nói đến trong thơ ca?
Tư liệu tổng hợp
1. Hoa mộc, https://vi.wikipedia.org/wiki/Hoa_m%E1%BB%99c, ngày truy cập: 03/12/2019.
2. Miết trì, https://www.thivien.net/Chu-Văn-An/Miết-trì/poem-9ibRa4_GTbgGPDd6ScCnVQ, ngày truy cập: 03/12/2019.
3. 桂, https://hvdic.thivien.net/whv/%E6%A1%82, ngày truy cập: 03/12/2019.
4. Đan quế, https://hvdic.thivien.net/hv/%C4%91an%20qu%E1%BA%BF, ngày truy cập: 03/12/2019.
5. Muốn làm thằng cuội, https://www.thivien.net/T%E1%BA%A3n-%C4%90%C3%A0/Mu%E1%BB%91n-l%C3%A0m-th%E1%BA%B1ng-Cu%E1%BB%99i/poem-sbqdCYaN8hZcftE4htdOYg, ngày truy cập: 03/12/2019.
6. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học và kỹ thuật, HN, 2004, trang 923.
7. Quế trèn, https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BA%BF_tr%C3%A8n, ngày truy cập: 27/11/2019.
8. Quế khâu, https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BA%BF_quan, ngày truy cập: 27/11/2019.
9. Quế đơn, https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BA%BF_%C4%91%C6%A1n, ngày truy cập: 27/11/2019.
10. Nguyệt quới, https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%87t_qu%E1%BB%9Bi, ngày truy cập: 27/11/2019.
11. 月桂, https://zh.wikipedia.org/wiki/%E6%9C%88%E6%A1%82, ngày truy cập: 27/11/2019.
12. 蟾宫折桂,金榜题名, https://www.139y.com/whjc/48173.html, ngày truy cập: 27/11/2019.
13. Nguyệt quế, https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%87t_qu%E1%BA%BF, ngày truy cập: 27/11/2019.
14. 蟾宫折桂是什么意思?谈金榜题名时——蟾宫折桂图, http://blog.sina.com.cn/s/blog_c4eb82540101heh1.html, ngày truy cập: 27/11/2019.
15. Hòe, https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%B2e, ngày truy cập: 27/11/2019.