“Những chiến binh thời cổ đại đã dùng lửa như một cách chuẩn bị cho cuộc chiến.
Ở phương diện khác, lửa cũng có thể được dùng… để một người tự chuẩn bị cho sự phát triển về mặt tâm linh.
***
Về cuộc sống, về mặt trải nghiệm sống, chúng ta có thể phân loại lửa bên trong chúng ta thành ba loại.
1.
Loại đầu tiên là jataragni.
Jatara, nghĩa đen có nghĩa là dạ dày hay quá trình tiêu hoá, là sự đốt cháy trong quá trình tiêu hoá. Nếu không có sự đốt cháy trong dạ dày của bạn, bạn sẽ không thể tiêu hoá thức ăn, bởi vì thức ăn đóng vai trò như nhiên liệu và bạn cần phá vỡ nhiên liệu để giải phóng năng lượng cần thiết. Vì vậy, có một sự đốt cháy đang diễn ra trong dạ dày của bạn.
Nếu ngọn lửa này được nuôi dưỡng tốt hoặc được tiếp thêm đầy đủ nhiên liệu, nó sẽ trở thành ngọn lửa có khả năng tái sinh.
Vì vậy, hai chiều kích là ngọn lửa (dùng để đốt cháy nhiên liệu) trong quá trình tiêu hóa và ngọn lửa tự tái sinh, chúng ta đều có thể gọi chung là jataragni.
Nếu jataragni của bạn mạnh mẽ, nếu bạn duy trì jataragni tốt, bạn sẽ có một cơ thể khỏe mạnh.
2.
Một dạng khác được gọi là chitagni.
Ở giữa hai loại này còn nhiều loại khác nữa nhưng tôi không muốn làm rối sự tồn tại của bạn. Tôi đang làm cho nó đơn giản hơn với bạn.
Một cái thuộc về vật lý, một cái thuộc về chiều kích của tâm trí và vượt lên cả tâm trí. Nó được gọi là chitagni.
Chiều kích kế tiếp của lửa (chiều kích thứ ba) được gọi là bhootagni – Nguyên hỏa – Lửa gốc – Ngọn lửa căn bản. Nếu nguyên hỏa của bạn hoạt động, bạn sẽ thấy vở kịch cơ thể và tâm trí sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nhiều với bạn nữa.
Sự hứng thú và sự tập trung của bạn sẽ hoàn toàn chuyển sang một chiều kích khác của tạo hoá. Khía cạnh căn bản hơn của tạo hoá chính là cách mà sự sống đang diễn ra, chứ không phải là sự tiêu khiển bằng những trò hề của cơ thể và tâm trí.
***
Vì vậy, với ba khía cạnh này – nếu bạn làm chủ được jataragni, bạn sẽ có một cơ thể khỏe mạnh và cường tráng.
Nếu bạn làm chủ được chitagni, tâm trí sẽ phục vụ bạn.
Nhưng nếu bạn có quyền làm chủ hoặc có một chút khả năng quản lý bhootagni thì khi đó, bạn sẽ có quyền làm chủ cơ bản đối với quá trình sống.
***
Vượt lên trên những điều này, còn có thứ gọi là sarvagni, bởi vì chiều kích vật lý của sự tồn tại hay chiều kích vật lý của vũ trụ, của tạo hoá… theo khoa học hiện đại, nó chỉ chiếm ít hơn 2%.
Vì vậy, nếu bạn biết toàn bộ vũ trụ, bạn chỉ biết 2% của sự tồn tại.
Vì vậy, Sarvagni là chiều kích đó: không còn nguyên tố nào, cũng chẳng còn tạo vật mà bạn biết, hay nói cách khác, sẽ không còn bản chất vật lý nữa.
Nhìn chung, một yogi muốn truy cập vào bản chất của sự sống sẽ không còn quan tâm tới bản thân mình trong jataragni, chitagni hay bhootagni. Anh ấy sẽ chỉ tập trung vào sarvagni bởi vì đây là ngọn lửa tối thượng nhưng nó là một ngọn lửa nguội lạnh.
Nó không bùng cháy như jataragni. Jataragni là một ngọn lửa rõ ràng – đốt cháy trong quá trình tiêu hóa.
Chitagni thì không biểu lộ rõ ràng nhưng lại hiện diện rất nhiều.
Bhootagni cũng vậy, không biểu lộ rõ ràng nhưng cũng rất mạnh mẽ ở đó.
Sarvagni hầu như không hiện diện nhưng nếu không có nó thì sẽ không có gì xảy ra. Nó là ngọn lửa nền tảng hay còn gọi là ngọn lửa tối thượng, ôm lấy các dạng lửa khác trong nó.
Người hỏi: Trong nghi lễ yagnas và homas.., chúng tôi cúng dường thức ăn và một số thứ khác vào homakund (bàn thờ lửa). Điều đó có nghĩa là ngọn lửa sẽ trở thành phương tiện mang lễ vật dâng lên thượng đế. Liệu ngài có thể nói về điều này không? Thậm chí, cho tới nay, mẹ tôi vẫn dâng một phần thức ăn đã nấu chín vào ngọn lửa và nói rằng những lễ vật này là cho thần linh. Cái gì đang xảy ra vậy?
Sadhguru: Nếu bạn nấu ăn dở tệ thì đây là điều tốt. Không không, tôi không nói mẹ bạn nấu ăn dở. Bà ấy sống ở Andhra Pradesh, hẳn bà ấy phải nấu ăn giỏi.
Nhưng nếu bạn là một người nấu ăn dở thì việc này là tốt. Thay vì ném nó vào jataragni (ám chỉ dạ dày) thì ném nó vào lửa sẽ an toàn hơn với mọi người (cười).
Nếu không thì, bạn cần hiểu điều này: những gì bạn đang thấy như nghi lễ hiện giờ chỉ là phần còn sót lại của một nền khoa học rất tinh vi đã từng tồn tại trong một khoảng thời gian. Vì vậy, những phần tàn dư này có những hình thức riêng của chúng. Cúng dường thức ăn vào ngọn lửa là một phần quan trọng.
Đây là một phần của…, bạn biết đấy, bạn phải thấy những nghi lễ, những nghi lễ rất tinh vi, tôi nghĩ ở vùng Kakinada, Karnataka, Bijjala, có thể là Rajputs, có thể là Marathas cũng có. Họ có những nghi lễ phức tạp trước khi binh sĩ ra trận. Tất cả những nghi lễ này đều tập trung hướng đến việc tạo ra hoặc đốt lên lửa jataragni trong những chiến binh hay trong lực lượng quân đội, hừng hực máu lửa.
Họ không muốn lửa chitagni. Nếu một chiến binh chỉ nghĩ về chính anh ấy thì nó chỉ có hại cho cuộc chiến. Anh ấy không nên nghĩ gì cả. Anh ấy chỉ cần đơn giản làm theo những gì được giao. Anh ta hừng hực lửa ở đây (chỉ vào luân xa 3). Không có lửa ở đây (chỉ vào luân xa 6), không có xung quanh, chỉ có ở đây (chỉ vào luân xa 3). Vì vậy, những nghi lễ được tạo ra để hướng đến jataragni.
Vì vậy, trước khi ra trận, những nghi lễ tinh vi được cử hành để khiến jataragni cháy lên, để không cá nhân nào nghĩ đến bản thân họ, bởi vì nếu tất cả mọi người đều nghĩ thì nó sẽ không đi tới đâu. Chỉ một vài người cần động não, những người còn lại chỉ cần làm. Điều này đến từ sự khôn ngoan nhất định.
Ngày nay, quân đội chúng ta đang cố gắng làm điều tương tự bằng cách hành quân: “Trái, phải, trái, phải, đằng sau quay, đằng sau quay, làm cái này, làm cái kia.”. Chẳng ai biết tại sao họ cứ đằng sau quay rồi lại quay, nhưng mục đích chính ở đây là khiến tâm trí phục tùng, để bạn không còn thắc mắc gì về mọi thứ, bởi vì trong hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc chiến, nếu tất cả mọi người đều chỉ nghĩ tới bản thân họ thì sẽ điên lên mất. Chỉ một vài người biết cần nghĩ cái gì, những người còn lại chỉ cần làm. Đó là cách hiệu quả nhất để xử lý những tình huống như vậy.
Hãy xem, điều này đến từ văn hoá dâng cúng thức ăn, và nghi lễ tâm linh là để tạo nên ngọn lửa jataragni trên diện rộng. Có thể trong nhà bạn, nếu bạn cố gắng xây dựng jataragni, nó cũng có thể phần nào hướng đến sức khoẻ và hạnh phúc. Nếu một phần nhỏ thực phẩm được cúng tượng trưng thì được. Nhưng nếu bạn ném một nửa số thực phẩm vào lửa thì bạn không đủ tự tin vào tài nấu nướng của mình rồi, bạn biết đấy.
Người hỏi: Trong truyền thống Ấn Độ, lửa được sử dụng trong nghi lễ aarti và pooja rất phổ biến. Điều gì xảy ra khi một người dâng aarti lên guru, một bức ảnh của một vị thần hoặc một thần tượng, hoặc trên Ganga, và sau đó mọi người chấm aarti lên mặt. Có sự thay đổi nào về yếu tố lửa sau nghi lễ aarti không?
Sadhguru:Không phải ngọn lửa thay đổi. Như chúng ta đã nói, cái bạn đang nói tới là cái ngược lại với cái tôi đã nói.
Nghĩa là – nếu một hình thức nhất định toát ra năng lượng nhất định và bạn không biết hay bạn không có khả năng kết nối với nó, và bạn muốn kết nối với nó thì lửa là một trung gian tốt để gắn kết.
Như chúng ta đã nói, lửa được sử dụng theo nhiều cách để gắn kết mọi người lại với nhau. Không có lửa thì sẽ không có đám cưới nào ở Ấn Độ vì lửa được sử dụng như một cầu nối để gắn kết mọi người lại với nhau. Và dù là lửa được bạn thêm vào hay lửa jataragni trong mỗi người thì trong trạng thái đam mê, nó cũng sẽ bùng cháy và đến với nhau, theo bất kì cách nào. Không có lửa thì không có sự hợp nhất trên mọi khía cạnh. Dù đó là phương diện vật lý, cảm xúc hay tinh thần, nếu không có lửa sẽ không có sự hoà điệu, hợp nhất.
Nói sâu thêm, dù dưới hình dạng của một bức ảnh hay một vị thần, nếu nó có thể tỏa ra năng lượng nhất định, để bạn sẵn sàng với nó thì lửa là một phương tiện tốt.
Vì vậy, bạn sẽ thấy rằng khi bạn vào đền Devi, nếu một vài người đứng đó, đốt lửa lên, và họ sẽ kết nối. Không phải Devi sẽ không kết nối với bạn nếu không có lửa, cô ấy luôn sẵn sàng kết nối. Nhưng để có lợi cho bạn, để bạn sẵn sàng với Devi, để làm nó theo cái cách mà… Hãy xem, nếu bạn nhìn vào nó theo cách thông thường, bạn không thể kết nối. Bất cứ thứ gì, đất và nước luôn ở đó trong ai đó hoặc trong thứ gì đó.
Nhưng nếu ngọn lửa được thắp lên giữa mọi người, thứ gì đó sẽ được kết nối. Vì vậy, toàn bộ quá trình là để kết nối bạn với chiều kích đó. Vì vậy, ngọn lửa được huơ (di chuyển) xung quanh một vị thần sẽ làm được điều đó.
Hào quang của lửa, không phải là bản thân ngọn lửa, mà là akash được tạo ra xung quanh ngọn lửa… có thể chạm đến phẩm chất thần thánh. Vì vậy, khi ngọn lửa đến với bạn, bạn không đặt tay của bạn vào lửa mà chỉ hơ tay xung quanh để nhận lấy akash và đặt lên mắt, hoặc đỉnh đầu của bạn, hoặc vào tim bạn. Bạn muốn nhận được akash và bạn muốn lợi ích từ nó. Bạn đang cố gắng lấy một chút tính thần thánh cho lợi ích của bạn, để có được nó và biến nó thành một phần của bạn. Toàn bộ quá trình aarti là một nỗ lực đạt được điều đó.
Đây là tất cả những điều khác biệt để giúp một người từ từ nâng cao ngọn lửa của họ. Nhưng trên hết, trong hệ thống yoga, có nhiều quá trình không cần dùng tới lửa vì tất cả lửa đã luôn cháy sẵn bên trong. Đây là điều bạn đã nghe từ thời cổ đại, những vị yogi thực hành tapas. Từ tapas có nghĩa là nhiệt hoặc lửa. Vì vậy bạn đang tạo ra ngọn lửa của chính bạn. Đó là loại lửa gì? Bạn có muốn jataragni không? Hay chitagni, hay bhootagni, hay bạn muốn sarvagni?
Mỗi loại sẽ có nhiều sadhanas khác nhau tương ứng để đạt được nó, để một người được hưởng lợi ích từ nó.
Vì vậy, sử dụng sự trợ giúp từ bên ngoài là cần thiết khi khả năng bên trong của chúng ta chưa đủ lớn. Nhưng khi bên trong đã sẵn sàng, lửa sẽ được tạo ra mà không cần bất kì trợ giúp bên ngoài nào. Đó là khía cạnh cơ bản về lửa.