Nấm mèo (mộc nhĩ) là loại nấm mọc trên các khúc gỗ mục. Tuy nhiên, chỉ có loại nấm mọc trên những cây gỗ lành tính như gỗ mít, gỗ dâu, gỗ duối, gỗ liễu… mới được sử dụng.
Bạn đã từng hái nấm mèo mọc tự nhiên trên các khúc gỗ mục bao giờ chưa? Rất thú vị đấy. Đó là loại nấm có hình dáng như lỗ tai mèo, có màu nâu đen và dẻo như cao su vậy. Khi còn tươi, nấm mèo hơi nhầy nên bạn sẽ thấy có chút “nhớp tay” khi hái. Tuy nhiên, sau khi phơi khô, nấm mèo lại rất tiện để sử dụng hàng ngày. Hiện nay, nấm mèo trên thị trường hầu như đều được trồng và rất ít khi thu hái từ tự nhiên (để tránh hái nhầm nấm độc).
Khi dùng, bạn chỉ cần lấy một ít nấm đã phơi khô (tuyệt đối không dùng nấm tươi), cắt bỏ những chỗ bị dính gỗ mục rồi đem ngâm trong nước từ 30 phút đến 1 giờ (nấm sẽ mềm ra).
Lúc này, nấm mèo cũng sẽ dai hơn và bạn có thể đem chúng chế biến thành các món ăn như xào, nấu canh, nhồi nhân thịt… Với những người thích ăn nấm mèo, họ đều hài lòng về độ dai giòn, cắn vào là nghe “tựt, tựt…” của nó.
Thế nhưng, điểm đặc biệt của nấm mèo không chỉ nằm ở độ dai giòn mà còn ở những giá trị mà nó mang lại, trong đó có tác dụng bồi bổ và chữa bệnh.
Nội dung chính ⇒
Nấm mèo (mộc nhĩ) bồi dưỡng cơ thể, bổ sung chất Sắt tự nhiên
Khi nói đến các nguồn dinh dưỡng từ nấm mèo thì không thể bỏ qua chất sắt. Vì vậy, với những người thiếu sắt thì việc chế biến nấm mèo thành các món ăn sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh rất nhiều. Mặt khác, ăn nấm mèo thường xuyên còn giúp ích khí, mạnh tinh thần, da dẻ hồng hào, không bị sần sùi và khô ráp (ăn 2 lần mỗi tuần, mỗi lần 20 g) (3).
Cách dùng: Để nấm mèo mang lại giá trị tẩm bổ cao và giúp đường ruột dễ hấp thu thì các bạn nên chưng nấm mèo với đường phèn (lưu ý, các bạn băm nhỏ nấm rồi chưng cho đến khi chín rục thì hãy dùng).
Nấm mèo (mộc nhĩ) giúp giảm đại tiện ra máu
Cũng với phương pháp chế biến trên, ăn nấm mèo thường xuyên sẽ giúp giảm dần các biểu hiện của chứng đại tiện ra máu vì nấm mèo giúp nhuận tràng rất tốt. Bên cạnh đó, ăn nấm mèo thường xuyên còn ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
Mặt khác, nấm mèo còn là thực phẩm rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường và những người đang muốn giảm cân (vì ăn nấm mèo giúp người dùng mau no).
Nấm mèo (mộc nhĩ) giúp giảm viêm phế quản
Với những người bị viêm phế quản, vào buổi sáng thường muốn khạc nhổ thì nấm mèo chưng đường phèn sẽ là món ăn bồi bổ rất tốt, vừa giúp mát phổi lại giúp dễ khạc đờm.
Nấm mèo giúp an thần và chữa chứng tâm phiền
Tâm phiền là tình trạng thường gặp với các biểu hiện như nóng nảy trong người, hay hồi hợp và bứt rứt khó chịu. Bên cạnh đó, khi tâm thận không tương thông, người bệnh sẽ dễ rơi vào tình trạng mất ngủ khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải.
Theo quan niệm y học cổ truyền, nấm mèo có màu đen nên thông vào kinh Thận và ứng với hành Thủy. Vì vậy, ăn nấm mèo giúp ức chế Hỏa, ức chế sự nóng của Tim, do đó có thể làm thanh tâm hỏa và giúp dễ ngủ hơn.
Cách dùng: ăn nấm mèo chế biến chung với hạt sen.
Như vậy, nếu dùng nấm mèo để chữa bệnh thì bạn nên dùng đều đặn mỗi ngày cho đến khi khỏi bệnh (còn dùng để bổ dưỡng và ngăn ngừa bệnh thì ăn hai lần mỗi tuần, mỗi lần 20 g).
Nấm mèo mọc trên gỗ mục cây dâu, cây liễu có tác dụng gì?
Cũng cần nói rằng, nấm mèo mọc trên các thân gỗ mục khác nhau sẽ có những tác dụng riêng của nó. Trong đó, đáng chú ý là nấm mèo mọc trên gỗ mục cây dâu với các tác dụng như:
- Điều trị băng huyết, rong kinh, hành kinh không dứt: lấy nấm mèo cây dâu sao đen, tán nhỏ và uống, mỗi lần uống ba thìa cà phê, ngày uống 3 lần (3).
- Chữa chứng bỗng dưng đau gấp vùng tim: Lấy nấm mèo cây dâu đốt tồn tính và uống, mỗi lần dùng 8 g, ngày dùng 3 lần (3).
Bên cạnh đó, với loại nấm mèo mọc trên gỗ mục của cây liễu, dân gian còn dùng làm thuốc chữa nôn mửa ra đờm. Cách dùng như sau: lấy 7 cái nấm khô, rửa sạch, ngâm nước cho mềm rồi sắc lấy nước uống (3).
Những lưu ý khi dùng nấm mèo
1. Phụ nữ mang thai không nên dùng (ăn nhiều có thể sẩy thai).
2. Không ngâm nấm mèo bằng nước nóng, không ngâm quá lâu và nên nấu chín kỹ.
3. Thời gian ngâm nấm từ nửa tiếng đến ba tiếng là phù hợp (2).
4. Nấm mèo là loại mộc nhĩ có màu đen, khác với mộc nhĩ trắng (ngân nhĩ, nấm tuyết nhĩ…).
5. Không ăn nấm mèo có nguồn gốc không rõ ràng hoặc nấm mọc trên các cây gỗ có độc (như gỗ lim…) vì sẽ bị ngộ độc nấm.
6. Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng nấm mèo làm thuốc.
Nếu không may bị ngộ độc nấm, có thể sơ cứu tức thời trước khi chuyển đến cơ sở y tế bằng các biện pháp như:
– Dùng đất sét hòa với nước, để cho nước lắng thì gạn lấy phần nước trong mà uống, uống thật nhiều.
– Lấy 30 g rễ cây hoa vàng (vỏ giẻ) hoặc dây kim ngân, nấu lấy nước uống, uống thật nhiều.
Xem thêm: Nấm hương (nấm đông cô) và những món ăn giúp phòng, chữa bệnh
Tư liệu tổng hợp
- Nấm mèo có tác dụng gì, https://vi.wikipedia.org/wiki/N%E1%BA%A5m_m%C3%A8o
- 6 món ngon và cách chế biến mộc nhĩ (nấm mèo) an toàn tuyệt đối, https://caynamviet.com/cach-che-bien-nam-meo
- Nhiều tác giả, Chữa bệnh bằng cây lá quanh nhà, NXB Văn hóa dân tộc, trang 261.