– “Sư phụ,
Tại sao người mà lúc đầu đối với mình rất tốt
Dần dần về sau lại lạnh nhạt với mình?”
– “Vì dễ dàng có được thì không biết trân trọng.
Những gì tốt đẹp ở con, ban đầu làm say đắm lòng người
Nhiều rồi
Lại thành đường biến chất, mặn chát
Đồ ăn quá đậm,
Bỏ đi là xong.”
– “Vậy ban đầu làm sao biết được
Sau này người ấy sẽ thay đổi chứ?”
– “Chân ái phải vun đắp từ từ
Thời gian càng dài càng đối tốt với con.
Người yêu con lúc đầu tiên
Là muốn có được con.
Nhưng người yêu con cuối cùng
Mới là người muốn ở bên con.” (1).
Vì sao trong cuộc sống tình cảm, càng dễ dàng có được thì lại càng mau chóng mất đi?
Không biết bạn đã xem qua Tây du ký phiên bản kinh điển năm 1986 chưa?
Trong phim, thay vì dùng phép thần thông hô biến một cái – kinh văn đã có tại Đại Đường;
Thì Quan Âm phải hóa thành lão hòa thượng, tìm người hữu duyên để trao tích trượng, cà sa…
Đường Tăng phải từ giã vua Đường đi ngàn dặm xa xôi…
Vậy mà, đến yết kiến Phật Tổ, bốn thầy trò lại chỉ nhận toàn giấy trắng – “vô tự kinh văn”.
Cho đến khi tôn giả A Nan và Ca Nhiếp đòi biếu quà, Đường Tăng mới nghĩ đến cái bát vàng “ngự ban” – thứ tài sản vật chất quý nhất của bốn thầy trò – tượng trưng cho của cải thế gian… thì họ mới nhận được chân kinh thật sự và được thụ phong.
“Ta biết việc đó từ lâu rồi (chuyện tôn giả A Nan và Ca Nhiếp lấy bát vàng xong thì mới đưa cho chân kinh)
Có điều, kinh thư không thể truyền một cách dễ dàng và cũng không thể lấy được một cách đơn giản.”
Đưa kinh xong, Phật Tổ còn phải dặn đi dặn lại Đường Tăng: ngươi phải nói với hết thảy chúng sinh “không được coi thường… phải quý hóa… phải trân trọng“.
Mới hay, cái gì phải đánh đổi bằng thời gian, tinh thần và vật chất của cải thì người ta mới lĩnh hội được hết ý nghĩa của sự có được; trong thâm tâm mới hình thành cảm giác trân quý.
Kinh văn cho không thì chẳng ai thèm đọc. Thứ gì khó có được thì người ta mới sợ mất đi, mới biết giữ gìn.
Suy cho cùng, đến việc hóa độ cũng phải nương theo quy luật tâm lý của con người (2).
Bạn có thấy cuộc sống này cũng như vậy không?
Tình cảm cho không thì thường bị rẻ rúng.
Vì không cần đánh đổi, nên người ta cũng không sợ mất.
Cho nên, đối với những thứ dễ dàng có được (như tình cha mẹ, tình bạn bè, tình yêu…);
Người nào biết trân trọng (vì nó dành sẵn cho ta mà không đòi hỏi ta phải đánh đổi);
Thì người đó đã gần thoát khỏi cái phần người rồi, cũng như Đường Tăng, lấy được kinh rồi, còn chờ cái nạn thứ 81 nữa là trọn thành sứ mệnh.
Vậy nên,
Đối với thức ăn, có nhiều cũng đừng lãng phí.
Đối với mọi người, thấy họ dễ dãi cũng đừng khinh nhờn.
Hãy trân trọng.
Biết ơn tự nhiên, biết ơn đất trời.
Biết ơn tiếng chim hót trong buổi sớm mai…
Với những thứ muốn có được, bạn phải kiên tâm nỗ lực nhiều hơn.
Bởi những giá trị càng khó có được thì khi có được nó, bạn lại càng cảm thấy hạnh phúc.
Và trân quý.
(1) Đoạn trích trên được lấy từ Nhất Thiền tiểu hòa thượng – một thầy một trò, hỏi đáp về những vấn đề thắc mắc của nhân sinh.
(2) Đạo Phật có cách giải thích khác hơn về việc Đường Tăng đưa bát vàng mới lấy được chân kinh.