Nói về cây sơn đậu và sơn đậu căn, trước tiên phải kể đến bằng sáng chế Hoa Kỳ của các nhà khoa học như Clemens Erdelmeier và Egon Koch.
Theo đó, các nhà khoa học đã tìm ra liệu pháp chữa bệnh bằng chiết xuất cây khổ sâm (Sophora flavescens) và cây sơn đậu (Sophora subprostrata). Sáng chế này liên quan đến việc phòng ngừa và điều trị các bệnh do thiếu estrogen và rối loạn chuyển hóa estrogen (xem thêm Tại đây).
Nội dung chính ⇒
Cây sơn đậu là cây gì?
Cây sơn đậu là dạng cây bụi, chỉ cao vài mét và phân cành nhiều, có hoa màu vàng và quả khô nẻ, tự phát tán.

Cây có tên khoa học là Sophora subprostrata, thuộc họ Đậu. Ngoài tên gọi này, cây sơn đậu còn được gọi là cây hòe Bắc hay cây hòe Bắc Bộ… (1).
Sơn đậu căn là vị thuốc gì?
Sơn đậu căn là rễ của cây sơn đậu (“căn” là rễ). Đây là vị thuốc cổ truyền của người Trung Hoa cũng như người Việt Nam. Khi dùng làm thuốc, dược liệu này được sao lên rồi mới bào chế.

Sơn đậu căn chữa bệnh gì?
Theo tư liệu Đông y, rễ cây sơn đậu có vị đắng, tính hàn, thông vào các kinh Tâm, Phế, Đại tràng.
Các công dụng của rễ cây sơn đậu bao gồm:
- Thanh nhiệt, làm giảm mụn nhọt độc.
- Giải độc cơ thể, chữa bệnh vàng da.
- Giúp tiêu sưng, tiêu thũng, chữa bệnh phù thũng.
- Chữa bệnh táo bón.
- Chữa ho, viêm họng do nhiệt.
- Giúp giảm đau, sát trùng.
Cách dùng: Mỗi ngày lấy từ 4 – 12 g sơn đậu căn, sao lên rồi sắc lấy nước uống (hoặc dùng ở dạng hoàn tán đều được).
Ngoài ra, rễ cây sơn đậu còn được dùng trong một vài trường hợp như:
– Đau bụng, kiết lỵ hay ngộ độc: dùng phần vỏ rễ của cây sơn đậu, sao vàng (khoảng 6 – 12 g), sắc uống.
– Bỏng da: Lấy rễ cây sơn đậu, tán bột rồi bôi, rắc lên da.
Khi dùng sơn đậu căn làm thuốc cần lưu ý điều gì?
1. Những người thể trạng hư hàn cũng không được dùng.
2. Những người bị cảm lạnh không nên dùng (vì vị thuốc này có tính lạnh).
3. Bệnh nhân đái tháo đường không được dùng.
4. Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng chữa bệnh.
Tư liệu tham khảo
- Hòe Bắc Bộ, https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%B2e_B%E1%BA%AFc_B%E1%BB%99.
- Phạm Thiệp – Lê Văn Thuần – Bùi Xuân Chương, Cây thuốc bài thuốc và biệt dược, NXB Y học, 2000, trang 264.
- Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 754.