Cây quế hay được nói đến trong ca dao là những cây gì? Là cây quế lấy vỏ làm thuốc hay cây quế hoa (mộc hương, hoa mộc)?
Nội dung chính ⇒
Cây quế, tên gọi chung của nhiều loài khác nhau
Ở bài trước, Cây Hoa Lá đã chứng minh cây quế cung trăng theo tương truyền chính là cây quế hoa (tức cây mộc hương, hoa mộc), không phải là cây quế lấy vỏ làm thuốc. Bạn có thể xem lại bài viết ấy tại đây: Cây quế trong cung trăng, tương truyền là cây quế gì?
Ở bài này, Cây Hoa Lá tiếp tục đặt vấn đề: có ít nhất bao nhiêu cây quế được nói đến trong ca dao, thơ ca?
“Em như cây quế trong rừng”
Khi đọc câu ca dao:
“Ở như cây quế trong rừng
Cay không ai biết, ngọt đừng ai hay” (10).
thì ta hiểu đó là cây quế có vỏ thơm và những cành non để làm gia vị, làm thuốc.
“Như nụ hoa quế”
Tuy nhiên, trong một bài ca dao khác thì thật khó để nói đó là cây quế gì, chẳng hạn như bài này:
“Em là gái út nhất nhà
Lời ăn tiếng nói thật thà khoan thai
Miệng cười như búp hoa nhài
Như nụ hoa quế như tai hoa hồng
Ước gì anh được làm chồng
Để em làm vợ, tơ hồng trời xe“.
Ta thấy, chàng trai khen cô gái cười có duyên và cái miệng cười đẹp “như nụ hoa quế” nhưng nụ hoa quế thì trông như thế nào? Bây giờ, chúng mình cùng xem hoa của một số loài quế lấy vỏ nhé:
Những nụ hoa này cũng khá xinh và như thế, nói “nụ hoa quế” trong bài ca dao trên là hoa của loài quế lấy vỏ thì cũng hợp lý. Tuy nhiên, như đã nói trong bài viết cây quế cung trăng, hoa của cây quế hoa (mộc hương) cũng xinh đẹp không kém.
Như vậy, “nụ hoa quế” trong bài ca dao trên là hoa của loài quế lấy vỏ hay là hoa của cây quế hoa (mộc hương)? Hay là của một loài khác nữa?
Dầu bông quế, dầu bông hường
Trong bài ca dao dưới đây, “dầu bông quế” phải chăng là để chỉ dầu quế hoa (mộc hương) vì hoa của loài này rất thơm và theo y học cổ truyền, dân gian còn lấy hoa quế hoa nấu với dầu mè (dầu vừng) để thoa lên tóc, giúp tóc mượt và thơm (8):
“Dầu bông quế, dầu bông hường
Hải đường thơm thiệt là thơm
Tóc em như lông con chó xồm
Xức dầu thì xức, ai thèm dòm bớ em Hai” (9).
Quế già theo gió thơm đường đá
Trong truyện Ngô Cương đốn quế, hình ảnh cây quế khiến người ta liên tưởng đến sự nghiệp của đời người. Trong bài thơ Miết trì, Chu Văn An viết “Lão quế tùy phong hương thạch lộ” (4).
Như vậy, “mùi hương của cây quế già theo gió làm thơm con đường đá” phải chăng cũng là để chỉ cây quế hoa?