Hàng ngày, chúng ta hay nghe nói đến chứng “rối loạn nhịp tim”. Thế nhưng, nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim và cách để phòng ngừa thì không phải ai cũng biết.
Nội dung chính ⇒
1. Rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim là gì?
Rối loạn nhịp tim là tình trạng xung động dẫn truyền trong tim bị rối loạn, khiến cho tim co bóp không theo trình tự thông thường.
Lúc này, máu trong tim được hút đẩy không đều nên ứ lại trong tim. Chính vì thế, máu cũng không đủ để cung cấp cho hệ tuần hoàn.
Rối loạn nhịp tim cho thấy hệ thần kinh tim đã bị tổn thương (có thể là cơ tim, van tim hoặc hệ thần kinh tim bị tổn thương).
Rối loạn nhịp tim có triệu chứng gì?
Các biểu hiện của rối loạn nhịp tim thường rõ rệt, ví dụ như:
- Tim hồi hội, nhịp tim dồn dập hoặc nhịp tim tăng dần.
- Đánh trống ngực.
- Nhịp tim không đều, lúc nhanh lúc chậm hoặc đập loạn xa.
- Hụt hẫng: nhịp tim đập hụt một hơi, nhịp đập cách quãng.
- Khó thở hoặc thở nhanh, hơi thở nông.
- Có khi đau ngực, hoa mắt, choáng váng, thấy quầng xanh trước mắt, đổ mồ hôi, buồn nôn, mệt mỏi triền miên, nhức đầu dai dẳng, ngất xỉu đột ngột, khó diễn đạt suy nghĩ, chướng bụng…
Lưu ý: Tim đột ngột đập nhanh loạn xạ là dấu hiệu nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng, vì vậy, bệnh nhân cần đến bệnh viện sớm.
Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim
Mọi người thỉnh thoảng sẽ trải qua cảm giác tim của mình đập loạn trong một khoảnh khắc, ví dụ như thấy người mình yêu, thấy người mình sợ, biết tin trúng số… Cảm giác này xuất hiện trong thời gian ngắn và rồi nhanh chóng qua đi.
Thế nhưng, với tình trạng rối loạn nhịp tim thường xuyên thì đây lại là dấu hiệu của bệnh tật.
Có 2 nhóm nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim, đó là:
- Bẩm sinh.
- Bệnh về cơ tim, van tim hoặc bệnh về hệ thần kinh tim.
Cách điều trị rối loạn nhịp tim
Tùy vào nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim mà các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp như:
- Cho thuốc uống.
- Can thiệp tim mạch.
- Phẫu thuật.
Về phía bệnh nhân thì người bệnh cũng cần thực hiện lối sống lành mạnh để hỗ trợ điều trị bệnh: không hút thuốc lá, ăn uống hợp lý, vận động vừa phải, giữ tinh thần than thản, thư thái… Những yếu tố này là vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị bệnh tim.
Người bị rối loạn nhịp tim nên ăn gì?
Người bị rối loạn nhịp tim cần lưu ý một số điều như sau:
- Hạn chế mỡ, đồ ăn béo.
- Không được uống bia rượu, cà phê… và không được dùng các chất kích thích.
- Ăn nhiều rau, trái cây.
- Giữ cân nặng ổn định (nếu bị béo phì, thừa cân thì cần giảm cân khoa học bằng chế độ ăn uống).
- Giữ tinh thần bình thản, tránh căng thẳng, lo sợ…
Ngoài ra, nếu bạn đang bị các bệnh lý liên quan đến tim mạch như: mỡ máu cao, xơ vữa động mạch, hở van tim, bệnh tuyến giáp… thì cần điều trị các bệnh ấy.
2. Nhồi máu cơ tim
Nhắc đến nhồi máu cơ tim, người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh một người nào đó đột nhiên cúi đầu, tay ôm ngực vì đau hoặc khó thở, sau đó ngã ngất xuống.
Thật ra, nhiều người chỉ bị một cơn đau ngực thoáng qua (ở ngay xương ức) và khi đi khám bệnh thì mới biết mình bị nhồi máu cơ tim.
Nhồi máu cơ tim là gì?
Nhồi máu cơ tim là tình trạng mạch máu nuôi tim bị tắc nghẽn khiến cho một vùng nào đó của tim bị chết đi.
Nếu là tổn thương nhỏ, người bệnh sẽ bị suy tim và tăng nguy cơ tử vong do đột tử.
Và nếu không được điều trị sớm, tổn thương sẽ ngày càng lớn hơn, vùng cơ tim bị chết sẽ nhiều hơn và gây tử vong.
Ai dễ bị nhồi máu cơ tim?
Có một số trường hợp sẽ dễ bị bệnh tim hơn người bình thường, đó là:
- Gia đình có người từng bị bệnh này.
- Hay hút thuốc lá.
- Lười vận động, hay nằm ngồi một chỗ.
- Hay stress, bất an…
- Đang bị một trong các bệnh sau: rối loạn chuyển hóa mỡ máu, béo phì, tiểu đường, cao huyết áp…
- Từng thực hiện can thiệp mạch vành.
Dấu hiệu, triệu chứng nhồi máu cơ tim
- Đau hoặc khó chịu ở ngay tim (ngực trái).
- Có cảm giác nặng ở xương ức, sau đó nặng dần đến cổ, cạnh hàm, vai trái và tay trái.
- Đau ngực kèm theo khó thở, hồi hộp, buồn nôn, đánh trống ngực, đổ mồ hôi, cảm giác như “trời sắp sập”, đầu óc choáng váng…
Nhồi máu cơ tim thường bộc phát khi người bệnh làm việc quá sức hoặc xúc động mạnh. Cũng có khi bệnh này bộc phát khi thời tiết quá lạnh hoặc lúc ăn xong bữa tiệc thịnh soạn.
Theo khảo sát thì cơn nhồi máu cơ tim thường diễn ra vài giây, có khi vài phút nhưng thường không quá 5 phút.
Nhồi máu cơ tim nguy hiểm không?
Nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm vì nó có thể gây tử vong bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, nếu bạn nhận biết sớm và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ mau khỏi va bạn sẽ an toàn.
Cách điều trị nhồi máu cơ tim
Với trường hợp nhẹ, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc làm tan huyết khối. Với trường hợp cần phẫu thuật, các bác sĩ sẽ phẫu thuật để nong động mạch vành.
Vì vậy, nếu bạn đi điều trị sớm thì chi phí sẽ rẻ hơn và cũng an toàn cho tính mạng hơn.
Quan trọng là: ngay khi có dấu hiệu nhồi máu cơ tim, bạn hãy đi khám bệnh ngay vì hiệu quả điều trị sẽ cao nhất khi bạn điều trị sớm nhất.
Sau khi điều trị xong, bạn cần thực hiện chế độ dinh dưỡng tốt cho hệ tim mạch, đồng thời rèn luyện sức khỏe theo hướng dẫn của bác sĩ.
Lưu ý: Không được tập thể dục quá sức, làm việc quá sức và không được chạy bộ.
Người bị nhồi máu cơ tim chỉ nên làm những việc nhẹ nhàng như quét nhà, quét sân, đi bộ sau khi ăn…
3. Suy tim
Suy tim là bệnh gì?
Tim chúng ta có 2 nhiệm vụ chính, đó là:
- Co bóp để đẩy máu giàu oxy và dinh dưỡng đi khắp cơ thể.
- Giãn ra để hút máu về lại tim.
Vì vậy, khi tim không thực hiện được trọn vẹn chức năng của nó thì đó là suy tim. Vì vậy, suy tim không phải là một bệnh cụ thể mà là tên gọi chung để chỉ tình trạng của tim. Và có nhiều nguyên nhân gây suy tim.
Nguyên nhân gây suy tim
Có nhiều nguyên nhân gây suy tim, chẳng hạn như:
- Bệnh thông liên nhĩ, thông liên thất (bệnh tim bẩm sinh).
- Bệnh van tim (hẹp hai lá, hở hai lá, hở van chủ, hẹp van chủ…).
- Bệnh tim (nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim…).
- Bệnh viêm cơ tim, cơ tim giãn, cơ tim phì đại…
- Bệnh màng ngoài tim (viêm co thắt màng ngoài tim, tràn dịch…).
- Rối loạn nhịp tim, rung nhĩ, tim quá chậm, tim quá nhanh…
- Một số bệnh khác như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tuyến giáp hoạt động thái quá hoặc kém quá, thiếu máu, rối loạn điện giải, nhiễm độc, suy dinh dưỡng…
Triệu chứng, biểu hiện của bệnh suy tim
Có nhiều dấu hiệu cảnh báo bệnh suy tim, chẳng hạn như:
- Khó thở, thở hụt hơi, ngắn hơi, tức thở, thở gấp (đây là dấu hiệu cần lưu tâm nhất).
- Đánh trống ngực.
- Một số dấu hiệu ít thấy như: ho do máu ứ trong phổi, phù do máu ứ ở các tĩnh mạch xa tim, gan to do máu ứ ở gan, tiểu ít do thận không nhận được đủ máu…
Lưu ý: Ngất, ngủ mê, bóng đè, đau ngực… có thể là triệu chứng của bệnh tim nhưng không phải là suy tim.
***
Người bị bệnh tim nên làm gì, không nên làm gì?
- Người bị bệnh tim không nên làm việc nặng sức, gồng gánh, cuốc đất, đi cầu thang cao…, không nên làm việc gấp gáp mà nên thong thả, thấy mệt thì ngưng.
- Không nên nằm suốt trên giường (trừ trường hợp suy tim cấp thì nên nằm nghỉ trên giường). Người bị bệnh tim nên làm những việc nhẹ nhàng, đi tới đi lui, giải trí điều độ để hỗ trợ tim mạch và hệ thần kinh.
- Phụ nữ mắc bệnh tim chỉ nên sinh đẻ một lần (vì khi sinh nở hoặc mang thai thì tim sẽ dễ suy hơn).
- Người bị suy tim độ 3 và độ 4 không nên ngồi lâu trên xe, trên máy bay… vì có thể gây viêm tĩnh mạch (vậy nên cần cử động chân thường xuyên).
- Người bị bệnh tim, đối với chuyện quan hệ tình dục thì không nên gắng sức, chỉ cần vừa phải là được (với trường hợp bệnh tim nặng, cao huyết áp nặng thì nên hỏi ý kiến bác sĩ).
- Người bị bệnh tim nên giữ tinh thần bình tĩnh, thư thái , lạc quan (tránh các cảm xúc mạnh như quá vui, quá buồn, quá sợ, tức giận…).
Người bị bệnh tim không nên ăn gì?
- Người bị bệnh tim cần hạn chế ăn muối: Mỗi ngày, người bị bệnh tim chỉ nên ăn tổng lượng muối không quá 4 g (kể cả muối trong bánh kẹo, snack, thức ăn, nước uống…). Tuy nhiên, nếu thấy có tình trạng giữ nước trong cơ thể (như phù mặt vào buổi sáng, bụng hơi to ra khi đứng lâu, phù mắt cá chân vào buổi chiều, cơ thể nặng nề tăng cân…) thì không nên ăn quá 3 g muối mỗi ngày. Với phụ nữ bị bệnh tim, vào kỳ kinh nguyệt thì hay bị ứ nước, vì vậy, những ngày có kinh thì nên ăn nhạt hơn nữa.
- Người bị bệnh tim không nên uống quá 1,5 lít nước mỗi ngày (mỗi lần uống một ít). Nếu uống 1 – 2 ly nước cùng lúc có thể làm suy tim đột ngột.
Người bị bệnh tim nên ăn gì?
- Người bị bệnh tim nên ăn nhiều rau xanh, trái cây và những thức ăn chứa nhiều Kali (vì khi cơ thể đủ Kali, tim sẽ hoạt động tốt hơn).
- Ăn uống có chừng mực, không nên để tăng cân, béo phì. Nếu thấy tăng cân nhanh do ứ nước, tức tăng quá 2 kg trong 1 – 2 ngày thì phải hỏi bác sĩ (để được tư vấn thuốc lợi tiểu, giúp đào thải bớt lượng nước dư thừa trong cơ thể).
Hai lưu ý khi bị bệnh tim
- Thứ nhất, có một số loại thuốc có thể dẫn đến suy tim (ở người có bệnh tim), ví dụ như thuốc verapamil, diltiazem, quinidine, caffeine, ephedrin… Những thuốc này khi dùng cần phải thận trọng và phải được sự cho phép của bác sĩ chuyên khoa.
- Thứ hai, người bị bệnh tim cần dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời phải có chế độ sinh hoạt phù hợp với tình trạng bệnh (theo hướng dẫn của bác sĩ). Nhìn chung, các thuốc điều trị bệnh tim đều khó dùng và tương đối độc, vì vậy, không nên tự ý dùng.
Tư liệu tham khảo
Bác sĩ tốt nhất là chính mình, tập 8.