Mật ong là loại thực phẩm cao cấp, vừa giúp làm đẹp lại vừa bổ cho sức khỏe.
Tuy nhiên, có một số điều cần lưu ý khi dùng mật ong để tránh bị ngộ độc và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Nội dung chính ⇒
Mật ong có chất độc không?
Theo nhà nghiên cứu Đỗ Tất Lợi (trong quyển Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam) thì nếu ong thợ hút mật từ những bông hoa có độc như hoa cà độc dược, hoa thuốc lá, hoa phụ tử… thì phần mật thu được sẽ có chất độc (trên thế giới, đã có trường hợp ngộ độc do dùng mật ong có chứa chất độc)
Vì vậy, khi mua mật ong, bạn nên chọn chỗ uy tín và hỏi rõ nguồn gốc mật ong, bạn nhé!
Mật ong kỵ gì?
1. Mật ong kỵ sữa và sữa đậu nành. Có câu: “Mật ong, sữa, sữa đậu nành – Ăn cùng tắc tử, phải đành xa nhau!“.
2. Mật ong kỵ với tàu hủ và tào phớ (hay còn gọi là đậu phụ, đậu hủ, tàu hũ nóng, tàu hũ non…), nếu chế biến cùng nhau có thể gây độc tử vong.
3. Mật ong kỵ hành sống, hành lá nên nếu ăn cùng có thể dẫn đến điên cuồng (do tính chất đối chọi), trường ung (do uất nhiệt bên trong) hoặc tạo thành chất độc gây hại cho hệ tiêu hóa.
4. Mật ong cũng kỵ với củ hành tây, nếu ăn chung sẽ sinh ra chất độc gây tiêu chảy, ngộ độc…
5. Mật ong kỵ với củ tỏi, cho nên ăn cùng sẽ gây ngộ độc nguy hại đến tính mạng.
6. Mật ong kỵ sắn (khoai mì), vì vậy, nếu ăn khoai mì cùng với mật thì sẽ bị ngộ độc nặng.
7. Mật ong kỵ với rau hẹ, nếu kết hợp cùng sẽ gây tiêu chảy và làm mất vitamin C trong hẹ (do phản ứng với mật).
8. Mật ong kỵ với củ nén (hay còn gọi là củ hành tăm, củ hành trắng), cho nên, nếu ăn hai loại này cùng lúc sẽ gây bệnh lỵ hoặc ngộ độc.
9. Không ăn mật với rau xà lách vì dễ gây tiêu chảy.
10. Mật ong kỵ rau thì là, cho nên, ăn rau thì là cùng mật thì dễ bị đau mắt đỏ, sưng mắt hoặc tổn hại gan.
11. Mật ong kỵ với chuối hột, hai loại này ăn cùng sẽ gây chướng bụng, ung ruột và thậm chí tử vong.
12. Mật ong cũng kỵ với đậu nành, do đó, nếu dùng cùng lúc hai loại này sẽ gây trướng bụng, trường ung và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
13. Mật ong không hợp với bột sắn dây, do đó, nếu kết hợp cùng có thể gây ngứa ngáy, nóng trong người…
14. Khi ăn mật ong, bạn cũng không nên ăn cùng củ khoai lang vì sẽ tạo điều kiện sinh ra sán, lãi.
15. Không nên ăn mật ong cùng cơm vì sẽ dễ gây đau bao tử.
16. Không ăn mật cùng với quả mận vì có thể làm tổn thương ngũ tạng.
17. Mật ong rất kỵ với cá chép, vì vậy, nếu chế biến chung có thể gây ngộ độc rất nhanh.
18. Mật ong kỵ với cá thờn bơn, vì vậy, nếu ăn chung, nấu chung thì sẽ gây độc chết người.
19. Không ăn mật cùng với cua vì sẽ gây kích thích đường ruột, tiêu chảy và nặng hơn là ngộ độc.
20. Mật ong rất kỵ thạch cao. Nếu ăn 2 thứ này cùng lúc có thể gây mất mạng (vì trướng bụng). Vì vậy, bạn cũng không nên ăn mật ong cùng các món ăn có chứa thạch cao như tàu hũ, tàu hũ nóng, mứt dừa và các loại bánh mứt có dùng thạch cao…
Lưu ý khi mua mật ong
- Không nên mua mật ong có mùi quá nồng.
- Cần chọn nơi thật sự uy tín để tránh mua nhầm mật ong giả.
Cách phân biệt mật ong thật – giả
Để biết mật ong có thật hay không, có nguyên chất hay không, bạn hãy lấy một tờ giấy (giấy tập học sinh), nhỏ 3 giọt mật ong lên và để như thế khoảng nửa ngày (hoặc lâu hơn). Nếu là mật ong thật, nó sẽ không làm thủng tờ giấy vì mật ong thật không chứa nước. Hoặc bạn dùng khăn giấy để thử nghiệm cũng được.
Lưu ý khi dùng mật ong
Ngoài các loại thực phẩm kiêng kỵ đã kể trên, khi dùng mật ong, các bạn cũng cần lưu ý một số điểm như:
- Nên pha mật ong với nước ấm.
- Không nấu, pha mật ong với nước nóng quá 50 độ C vì nhiệt độ nóng sẽ làm mật ong mất đi nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, thậm chí còn biến một số chất trong mật ong thành chất độc. Ngày nay, nhiều nơi bán vịt quay tẩm mật ong – hoặc các món nướng có quét mật ong lên cho thơm – đây là món ăn có hại cho sức khỏe vì mật ong đã bị biến chất khi gặp nhiệt độ.
- Người hay bị tiêu chảy, lạnh bụng không nên dùng.
- Người bị thấp tà không được dùng.
- Không dùng cho trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
- Không đựng mật trong các đồ vật bằng kim loại (nên đựng trong chai lọ thủy tinh).
- Không dùng quá nhiều vì sẽ gây tăng cân mất kiểm soát, tổn thương thần kinh, tụt huyết áp… và các tác tác dụng phụ khác.
Ai nên dùng mật ong?
Mật ong ít chất đạm, ít chất béo và có mức năng lượng vừa phải. Được biết, mật ong giúp làm ấm cơ thể, giải độc cơ thể, giảm ho và nhuận tràng. Vì vậy, những trường hợp sau đây có thể dùng mật ong để cải thiện sức khỏe. Đó là:
- Người bị táo bón.
- Người hay bị vỡ tĩnh mạch và động mạch.
- Người hay bị đau nhức tím bầm.
- Người bị táo bón.
- Người dễ bị đột quỵ (tai biến mạch máu não).
- Người bị viêm loét dạ dày và tá tràng.
- Người hay tê lạnh chân tay.
- Người hay bị ho khi trời trở lạnh.
- Người bị bệnh tim, cao huyết áp, mất ngủ.
- Người bị thiếu máu.
- Người ăn uống không ngon miệng, tiêu hóa kém.
- Người hay bị viêm nhiễm.
- Người sức khỏe suy nhược, dễ bệnh khi thời tiết bất ổn.
Nên dùng bao nhiêu mật ong mỗi ngày?
Cách dùng mật ong: mỗi ngày uống từ 20 – 50 g mật ong nguyên chất (có thể uống đến 100 g nhưng uống với liều này thì sẽ kèm tác dụng nhuận tràng). Khi uống thì nên hòa với nước ấm ấm (không được dùng nước nóng vì sẽ gây hại).
Mật ong có tác dụng gì, chữa bệnh gì?
1. Bồi bổ: Mật ong là vị thuốc có tính bổ (kết quả nghiên cứu cho thấy một số người bị bệnh lao, sau khi uống 100 g – 150 g mật ong mỗi ngày thì sức khỏe và chất lượng máu của các bệnh nhân đều được cải thiện.
2. Giúp giảm độ axit của dịch vị: Theo kết quả điều trị tại một số bệnh viện (ở Liên Xô cũ) thì mật ong giúp giảm axit trong dạ dày (nên có thể làm giảm cảm giác khó chịu khi bị loét dạ dày). Đồng thời, mật ong cũng làm tăng cân (do quá trình tiêu hóa diễn ra hiệu quả hơn).
3. Giúp an thần, dễ ngủ.
4. Giúp giảm nhức đầu, ho khan và viêm họng.
Thông tin thêm: Nói về công dụng của mật ong, sách Bản thảo đồ giải có ghi rằng: “Phong mật (tức mật ong) bổ trung, thanh nhiệt, nhuận ngũ tạng, thông tam tiêu, bổ tỳ vị, điều hòa trăm vị thuốc và giải các chất độc“.
Ngoài ra, mật ong còn được dùng chữa các chứng như:
- Phỏng (bỏng da) do dầu sôi: lấy mật ong trắng thoa lên.
- Bạc tóc khi tuổi còn trẻ (bạc ít): nhổ các sợi tóc bạc rồi lấy mật ong trắng thoa lên da đầu – chỗ đã nhổ tóc bạc (thì sẽ mọc lại tóc đen).
- Đốm đen, điểm đen trên da mặt: nghiền nát bạch phục linh rồi hòa với mật ong, sau đó thoa lên da mặt đều đặn trong một tuần sẽ thấy hiệu quả.
- Loét dạ dày tá tràng: Chuẩn bị 10 g mật ong, 6 g vỏ quả quýt chín phơi khô và 10 g cam thảo sống. Trước tiên, bạn lấy cam thảo và vỏ quýt nấu với 400 ml nước, khi thấy nước rút còn một nửa thì chắt lấy nước và hòa với mật ong rồi chia thành 3 lần uống trong ngày.
Lê chưng mật ong có tác dụng gì?
Dân gian hay dùng lê để chưng (hấp) với mật ong. Tuy nhiên, cách tốt nhất để làm món này chính là chưng (hấp) lê xong, lấy ra thì mới cho mật ong vào (vì mật ong gặp nhiệt độ cao sẽ biến chất, vì vậy, ta chỉ nên cho vào thức ăn sau khi đã chế biến).
Cách làm lê hấp mật ong cụ thể như sau: rửa sạch trái lê, gọt bỏ, bỏ hạt rồi lấy phần thịt quả, cắt nhỏ ra thành hình hạt lựu hoặc hình vuông, sau đó cho vào chén (tô) có nắp đậy và đem đi hấp cho chín (khoảng 15 phút). Sau khi hấp, bạn lấy ra, để cho lê nguội bớt (chỉ còn ấm ấm) thì cho một ít mật ong vào (1 hoặc 2 muỗng), trộn đều rồi ăn.
Công dụng: bồi bổ sức khỏe cho người táo bón, tiêu hóa kém, người bị bệnh gút, viêm niệu đạo và bệnh về hô hấp (ho khan…).
Mật ong có tác dụng gì với da?
Mật ong chứa nhiều dưỡng chất nên giúp dưỡng da rất tốt. Không chỉ thế, mật còn giúp mau liền sẹo và cấp ẩm cho da. Vì vậy, sau khi nặn mụn đầu đen và mụn cám, bạn có thể chấm mật ong lên để giúp vết mụn mau lành nhé!
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các chị em thích làm đẹp thì mật ong không hợp với các mụn sưng, mụn nhọt, mụn bọc và cũng không hợp với da dầu.
Nói cách khác, với da khô, nhăn, thiếu nước (thiếu ẩm) thì thoa một lớp mật ong thật mỏng lên da mặt sẽ giúp da mềm mại, tươi tắn và khỏe mạnh hơn.
Lưu ý: Mỗi tuần chỉ cần thoa 2 – 3 lần (sau 15 phút thì rửa), không nên lạm dụng, bạn nhé!
Mật ong thường và sữa ong chúa (mật ong chúa) khác nhau như thế nào?
Mật ong không phải là chất do ong thợ bài tiết ra mà là do ong thợ đi lấy mật hoa (với tỉ lệ nước từ 40 – 80 %), đem về rồi chế biến và cô đặc lại thành mật ong (với tỉ lệ nước từ 15 – 20 %). Ong cái và ong đực không có nhiệm vụ tạo ra mật.
Có 2 loại mật ong, đó là:
1. Mật ong thường: do các ong thợ làm ra, chứa 67 – 70 % các loại đường (gồm levuloza, glucoza và sacaroza), ngoài ra còn chứa sáp, tinh bột, chất đạm, phấn hoa, chất thơm, sắc tố, amylaza – men tiêu hóa chất bột, invectin – men tiêu hóa chất đường, lipaza – men tiêu hóa chất béo, muối vô cơ và các axit hữu cơ…
2. Mật ong chúa (còn gọi là sữa chúa): không phải do ong chúa (con ong cái duy nhất trong đàn) làm ra mà là do ong thợ làm ra. Trong mỗi tổ ong, có một cái trứng mà từ khi còn là ấu trùng, nó đã được nuôi dưỡng bằng một thứ mật đặc biệt do ong thợ làm ra (và chúng được chứa trong một ổ riêng ở bên canh tầng). Thứ mật đặc biệt để nuôi ấu trùng thành ong chúa, ta gọi là mật ong chúa (hoặc sữa ong chúa, sữa chúa).
Mật ong chúa khác với mật ong thường ở chỗ ít đường hơn, nhiều vitamin, nhiều chất mỡ và chất đạm hơn. Vì vậy, ấu trùng được nuôi bằng mật ong chúa trở thành ong chúa và có tuổi thọ gấp 50 lần ong thợ.
Tư liệu tổng hợp
- Tạp chí Cây thuốc quý, số 04/ 2019, trang 22.
- Những phương thuốc hay – Rau cỏ trị bệnh, trang 30 – 31.
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, trang 954.
- Thuốc Bắc thường dùng, trang 672.
- Mật ong tốt cho sức khoẻ nhưng phải lưu ý điều này kẻo mất mạng, https://khoahoc.tv/mat-ong-tot-cho-suc-khoe-nhung-phai-luu-y-dieu-nay-keo-mat-mang-100784
- Không nên kết hợp mật ong với các thực phẩm sau để tránh gây hại sức khỏe, https://mangyte.vn/news-khong-nen-ket-hop-mat-ong-voi-cac-thuc-pham-sau-de-tranh-gay-hai-suc-khoe-81512.html