Đã bao giờ bạn thấy mệt mỏi trong các mối quan hệ chưa?
Đã bao giờ bạn tự hỏi: Rốt cuộc, phải đối đãi như thế nào thì mới được bền lâu?
Có lẽ không ít người trong chúng ta đã từng có một mối quan hệ rất tốt đẹp với ai đó. Thế rồi, vì một lý do nào hoặc cũng có khi không có lý do gì cả, vô duyên vô cớ – chúng ta mất đi người bạn ấy.
Hình như, cái gì đến rồi cũng sẽ đi. Và cái gì càng nồng nhiệt thì càng dễ nguội lạnh, “càng thắm thì càng chóng phai”.
Lúc này, ta mới mong làm sao 4 chữ “hòa hảo như sơ” – hòa hảo như lúc ban đầu.
Thật vậy, thời gian làm cho con người thay đổi, sự tiếp xúc lâu dần làm cho con người phơi bày sự vô tâm, tính ích kỷ của riêng mình. Vô tình, mỗi ngày hình ảnh của mỗi người càng xấu hơn và nếu không được cứu vớt bằng những đức tính tốt, mối quan hệ ấy sẽ tan vỡ.
Bạn có thấy, khi chơi thân với một ai đó, chúng ta có xu hướng thể hiện sự lấn lướt, sồ sã của mình nhiều hơn không? Và vì biết đã thân rồi nên chúng ta không còn khoang nhượng, không còn tinh tế nhận ra sự khó chịu của đối phương và đôi khi làm tổn thương người kia mà không hề hay biết!
Bạn có cảm thấy, hình như quen ai một thời gian, chúng ta lại ngỡ ngàng nhận ra sự phai nhạt trong cách đối xử của họ với ta, và cũng có khi chính chúng ta cũng không giữ được cảm xúc như lúc ban đầu nữa. Hình như cảm xúc con người là một đồ thị hình Sin, lên cao đó rồi xuống thấp đó, cứ thế lặp đi lặp lại và nếu không khéo gìn giữ, nó sẽ chệch ra xa và không cách nào cứu vớt nữa.
Hòa hảo như lúc ban đầu, sao mà khó đến vậy!
Trong mối quan hệ vợ chồng cũng vậy. Một khi bạn dùng thái độ “không sợ mất” để đối xử, người kia không sớm thì muộn cũng sẽ rời đi.
Một khi bạn – từ một người bao dung, lãng mạn, sợ người khác buồn – trở thành một người gắt gỏng, khó chịu và chỉ biết nghĩ cho sự vất vả của chính mình – thì đối phương sẽ tìm sự bao dung, lãng mạn, dịu dàng ở nơi khác.
Cho nên, trước khi trách người kia phản bội mình, phải chăng chúng ta cũng nên nhìn lại: chính chúng ta đã không còn là phiên bản dịu dàng, dễ thương mà họ từng yêu quý nữa!
Cho nên, người xưa dạy rằng đạo vợ chồng phải “tương kính như tân”, có nghĩa là cung kính như khách. Có như thế, mỗi người mới cảm nhận được sự tôn trọng từ đối phương. Có như thế, chúng ta mới không vô tình làm tổn thương nhau. Dù thân đến thế nào, chúng ta cũng nên giữ sự tôn trọng tối thiểu cần phải có.
Chung sống, kết nối với nhau là một hành trình dài mà hành trang của nó chính là cảm giác được tôn trọng, cho dù là tình bạn hay tình yêu thì cũng vậy.
Bạn trân trọng tôi, tôi ở lại.
Bạn không biết trân quý, tôi sẽ rời đi.
Bởi vì, mỗi người đến với cuộc sống này đều sẽ gặp gỡ, kết giao với rất nhiều kiểu người khác nhau. Và chúng ta cũng không có gì phải buồn nếu biết mình không hợp với một người nào đó.
Thời gian và sự tiếp xúc sẽ là thử thách để mỗi người tự bộc lộ dần tính tình của mình. Cho nên, bạn cũng không cần thất vọng khi đã cố cứu vớt một mối quan hệ mà nó vẫn vẫn tan vỡ. Tạng người của bạn hợp với một người khác, không phải họ.
Một khách hàng đi ngang kệ trưng bày các loại mì, họ cầm một gói mì lên, ngắm nghía, tìm hiểu thông tin thành phần… rồi thấy không thích lắm, bỏ xuống và lấy gói mì khác xem tiếp. Bạn nói xem, gói mì vừa được bỏ xuống ấy có cần phải buồn không?
Trên đời này chỉ có sự đổi thay là tồn tại vĩnh cửu. Mọi thứ đều phải vận động, thay đổi và không có gì có thể đảm bảo một mối quan hệ sẽ bền vững mãi. Cho nên, điều quan trọng chính là thái độ bình thản của chúng ta trước mọi sự đổi thay, vì chúng ta hiểu được đó là sự tất yếu của cuộc sống này.
Đời người, thật may mắn cho những ai có được một người bạn mà sau bao năm không gặp vẫn tin tưởng nhau, vẫn thân thiết như ngày nào.
Thật may mắn cho những ai có được một mối quan hệ “hòa hảo như sơ”, vượt qua được quy luật đổi thay tất yếu của cuộc sống nhờ những giá trị, tư tưởng chung mà cả hai cùng tâm niệm!
Bạn đã liên tưởng đến ai khi đọc những dòng này?
Nếu có, hãy trân trọng họ nhé!
Nếu không có, bạn cũng đừng buồn. Chỉ cần bạn đối đãi với người khác bằng một thái độ thiện ý, không tính toán; họ sẽ hiểu được và trân trọng bạn.
Ngược lại, bạn hãy vui vẻ rời đi nếu bạn luôn cảm thấy thiệt thòi, không được tôn trọng.
Vì sự thật là: bạn có thể vui với chính mình, với những thú vui và nhiều mối quan hệ khác nữa.
Xem thêm: Tổn thương đó, bao giờ sẽ được chữa lành?