Hoa quỳnh mang nét đẹp đài các, thanh sạch, yếu mềm và chỉ nở về đêm. Vì vậy, rất ít người được nhìn thấy hoa quỳnh nở.
Và bạn biết không, hoa quỳnh không chỉ để ngắm mà còn để làm món ăn, bài thuốc. Vậy, hoa quỳnh có tác dụng gì?
Nội dung chính ⇒
Hoa quỳnh có ăn được không? Canh hoa quỳnh có tác dụng gì?
Chỉ cần hai đóa hoa quỳnh vừa nở, bạn đã có thể dùng làm nguyên liệu nấu ăn rồi.
Trước tiên, bạn hái 2 đoá hoa (khoảng 15 – 30 g), cắt bỏ cuống, nhụy rồi rửa sạch các hạt phấn trên hoa. Sau đó, bạn cắt hoa nhỏ ra rồi đem nấu canh với thịt (thịt băm hay thái lát đều được).
Tuy nhiên, vì hoa quỳnh chín rất nhanh nên bạn nhớ nấu canh thịt cho chín trước rồi hãy cho hoa vào và nêm nếm nhé.
Cuối cùng là tắt bếp và thưởng thức.
Công dụng: Món canh này giúp bổ phổi, điều trị lao phổi, viêm phế quản và lao hạch.
Hoa quỳnh có tác dụng gì và cách dùng làm thuốc
Hoa quỳnh được dùng trong nhiều bài thuốc dân gian khác nhau, chẳng hạn như:
1. Điều trị sỏi thận, sỏi bàng quang và sỏi niệu quản
Với trường hợp này, bạn lấy 20 – 30 g hoa quỳnh tươi (hái lúc hoa mới nở, dùng tươi sẽ tốt hơn phơi khô), cắt nhỏ, tẩm với mật ong rồi sao vàng, sau đó đổ 200 ml nước vào, nấu cho nước rút còn 50 ml thì chắt nước ra, để nguội và uống (uống mỗi ngày một lần và uống liên tục vài tuần).
Nếu không thích nấu, bạn cũng có thể hãm với nước sôi rồi uống như trà.
Ngoài ra, để tăng hiệu quả điều trị bệnh, bạn cũng có thể dùng bài thuốc kết hợp gồm các vị sau đây: 30 g hoa quỳnh, 20 g rau diếp cá, 10 g rễ tranh và 20 g kim tiền thảo, tất cả rửa sạch, cắt nhỏ ra rồi nấu lấy nước uống (nấu lấy nước đặc rồi chia ra ba lần uống mỗi ngày).
2. Điều trị ho đờm, ho hen, ho lao và làm thuốc bổ mát
Để điều trị các bệnh này, bạn hái hoa quỳnh mới nở, rửa sạch, xắt nhỏ ra rồi đem chưng với mật ong và chắt nước uống (có thể ăn cả cánh hoa).
Liều lượng: nếu là người lớn thì dùng 2 đóa hoa tươi mỗi ngày, nếu là trẻ em thì dùng 1 đóa hoa mỗi ngày.
3. Điều trị viêm họng
Để chữa viêm họng, bạn lấy 30 g hoa quỳnh và 10 g lá xương sông, tất cả rửa sạch, xắt nhỏ rồi cho vào chén cùng 10 ml mật ong và đem chưng cách thủy trong 30 phút.
Sau đó, bạn lấy ra, để nguội, trộn đều rồi chắt lấy nước và chia thành 2 lần uống trong ngày.
4. Rượu hoa quỳnh
Vì hoa quỳnh tươi khó tìm nên khi thấy hoa nở, dân gian thường hái rồi phơi khô hoặc hái hoa tươi, đem ngâm rượu để dùng dần.
- Cách ngâm rượu như sau: Khi thấy hoa quỳnh nở, ta cắt lấy hoa tươi và cho vào bình rượu trắng để ngâm sao cho rượu ngập đều hoa. Sau 10 – 15 ngày, ta có thể dùng rượu này (thời gian ngâm càng lâu thì càng tốt).
- Cách dùng: mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần chỉ uống 1 lượng rất nhỏ: 1 – 2 ml.
- Công dụng: giúp giảm đau bụng do ăn uống khó tiêu và tan máu bầm do té ngã.
Thân cây hoa quỳnh có tác dụng gì?
Thân cây hoa quỳnh được dân gian dùng ngoài da khi bị mụn nhọt, mụn đinh (gây viêm tấy, đỏ đau) và giúp tan máu bầm trên da do té ngã.
Cách dùng: lấy cây tươi giã nát rồi đắp lên.
Xem thêm: Hoa mơ có tác dụng gì? Cách dùng hoa mơ làm thuốc chữa bệnh
Tư liệu tổng hợp
- Chữa bệnh bằng cây thuốc quanh nhà (Thanh Huyền), NXB Hồng Đức.