Quả thị thơm không xa lạ gì với nhiều người nhưng không phải ai cũng biết hết các công dụng của nó. Và không chỉ quả mà lá và rễ cây thị cũng được dùng chữa bệnh.
Nội dung chính ⇒
Quả thị ăn được không?
Quả thị rất thơm, khi sống có màu xanh, khi chín có màu vàng và ăn được.
“Cứng thì quả ổi còn ương,
Mềm thì quả thị chín vàng đã lâu”
(Ca dao)
Tuy nhiên, cần lưu ý chỉ nên ăn những quả thị đã chín hẳn và không nên ăn nhiều vào lúc đói. Đó là do trong quả thị có chứa tanin (nhất là quả thị còn sống). Chất này khi đi vào cơ thể và gặp axit trong dạ dày (được tiết nhiều vào lúc đói) thì sẽ gây kết tủa và làm tổn hại đường ruột.
Quả thị giúp xổ giun cho trẻ
Quả thị không chỉ có hương thơm đặc trưng giúp thư giãn tinh thần mà còn được ông bà ta dùng làm thuốc. Trong đó, bài thuốc phổ biến nhất là giúp xổ giun cho trẻ.
Theo công trình Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2 , mỗi ngày có thể cho trẻ ăn hai hoặc ba quả thị chín vào buổi sáng sớm, lúc bụng đói để xổ giun kim. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, chúng ta chỉ nên dùng quả chín hẳn, không còn chát và nếu có điều kiện thì nên dùng các biện pháp xổ giun cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ.
Sau khi ăn thịt quả, phần vỏ quả cũng có thể tận dụng làm thuốc chữa giời leo bằng cách phơi thật khô rồi tán mịn, sau đó rắc lên những chỗ bị lở loét.
Xét về góc độ dinh dưỡng, thịt quả thị có chứa chất đạm, đường, chất béo, chất xơ và chất chát (vỏ quả có chứa tinh dầu thơm).
Lá thị giúp thông hơi, gây trung tiện
Trong một vài trường hợp, việc gây trung tiện (xì hơi) có ý nghĩa hết sức quan trọng vì trung tiện là dấu hiệu cho biết hoạt động tiêu hóa đang diễn ra tốt (lúc này cơ thể đã thải thành công những khí hôi thối ra khỏi ruột bằng đường hậu môn).
Vì vậy, việc các bệnh nhân “xì hơi” sau khi phẫu thuật ổ bụng (hay phẫu thuật đường tiêu hóa nói chung) là tín hiệu tốt cho biết đường ruột đã thông (không xì hơi được sau khi mổ là một trong những dấu hiệu của biến chứng “tắc ruột sau mổ”).
Theo tư liệu y học cổ truyền, lá thị là vị thuốc có tác dụng gây trung tiện (xì hơi) và giúp tiêu viêm rất tốt.
Vì vậy, trong trường hợp bị đầy hơi, chướng bụng hoặc muốn “trung tiện” sớm sau khi mổ, có thể dùng lá thị để thúc “xì hơi” bằng cách nấu nước uống (khoảng 30 g lá mỗi ngày và theo chỉ dẫn của bác sĩ), đồng thời lấy thêm một miếng bông gòn tẩm lấy nước đó, đem đắp vào rốn người bệnh. Nếu không dùng cách này, người bệnh cũng có thể lấy lá thị đã phơi khô cắt thành các sợi mỏng như sợi thuốc hút, sau đó cuộn vào giấy làm thành điếu hút và hút như hút thuốc lá (3 lần mỗi ngày).
Cần lưu ý, không được uống lá thị quá liều vì sẽ dẫn đến hạ huyết áp, gây hại cho tim và thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng.
Ngoài ra, đối với các vết thương bị viêm nhiễm, lở loét có giòi và liên tục chảy nước thì có thể dùng lá thị khô, tán thật nhuyễn như bột rồi rắc lên da vì lá thị kháng viêm rất tốt.
Vỏ cây thị giúp giải nhiệt độc, trừ giun sán
Vỏ rễ: Ngoài lá và quả thì rễ cây thị cũng được dùng làm thuốc. Tuy nhiên, dân gian không dùng cả rễ mà chỉ cạo lấy lớp mỏng trắng bên trong của rễ để dùng.
Theo y học cổ truyền, vỏ rễ cây thị có vị đắng, tính lạnh và có các tác dụng như:
– Giải nhiệt độc, chữa nôn ói và trừ giun sán: liều dùng mỗi ngày khoảng 40 g, sắc lấy nước uống.
– Trị lở ngứa: lấy lớp mỏng trắng bên trong nấu lấy nước và rửa da thường xuyên.
– Trị viêm tinh hoàn và mụn nhọt mới phát: lấy lá thị tươi giã nát, thêm một chút rượu rồi chắt lấy nước uống, phần bã thì đắp lên da.
– Trị lở ngứa và sâu quảng: lấy vỏ rễ cây thị (bỏ lớp ngoài và chỉ lấy lớp trong), nấu nước rồi rửa (hoặc lấy lá nấu lấy nước thật đặc và rửa).
Vỏ thân: Ngoài vỏ rễ thì vỏ thân cây thị cũng được dùng làm thuốc (cách bóc vỏ tương tự như vỏ rễ: người ta cạo lấy vỏ cây, bỏ lớp vỏ ngoài và chỉ lạo lấy lớp tơ trắng bên trong). Công dụng của vỏ thân cây thị là giúp giảm đau và giúp dễ rút gai, dầm ra khỏi da (giã với muối rồi đắp vào vết thương).
Thông tin thêm về cách xổ giun bằng cây cỏ
Ngoài quả thị và vỏ rễ cây thị thì dân gian còn dùng nhiều vị thuốc khác giúp xổ giun hiệu quả. Trong số đó, có thể kể đến cây cỏ may, một loại cỏ mọc hoang dại trên khắp đất nước ta (trong Đông y, cây cỏ may còn được gọi là trúc tiết thảo, tên khoa học là Chrysopogon aciculatus).
Cách dùng cỏ may làm thuốc xổ giun như sau: Lấy khoảng 18 g hạt cỏ may, sao lên cho vàng rồi nấu với 0, 5 lít nước, nấu đến khi nước sắc đặc lại, còn chừng 150 ml thì tắt bếp, để nguội và uống hết thuốc này sau bữa ăn.
Cây thị có tên khoa học là gì?
Cây thị có tên khoa học là Diospyros decandra, thuộc họ Thị: Ebenaceae (tên tiếng Anh của quả thị là Gold apple).
Ngoài tên gọi Thị, cây còn được gọi bằng các tên khác như thị sáp (loại quả nhỏ, đáy bằng), thị rừng, thị muộn (dạng quả hình cầu, đáy tròn), thị mười nhị…
Quả thị, cây thị trong văn hóa, nghệ thuật, chuyện cổ tích
Làm thân trâu ngựa chẳng nài gian lao”
“Đừng chê tôi xấu tôi già
Tôi đi bán thị, mọi bà mọi hôn”.
“Thò tay ngắt ngọn xoan đào
Muốn ăn thị chín thì vào rừng xanh“
“Con tôi khóc héo, khóc hon
Khóc đòi quả thị méo trôn đầu mùa.”
“Buổi sáng ngủ dậy
Ăn bụng cơm no
Chạy ra ngoài gò
Bắt một con công
Đem về biếu ông
Ông cho trái thị
Đem về biếu chị
Chị cho bánh khô
Đem về biếu cô…”
“Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện
Sẽ được nhìn thấy các bà tiên
Thấy chú bé đi hài bảy dặm
Quả thị thơm cô Tấm rất hiền”.
(Bài thơ Nói với em của Vũ Quần Phương – đã được phổ nhạc).
“Thị ơi thị
Thị rụng bị bà
Bà để bà ngửi
Chứ bà không ăn…”
(Truyện cổ tích Tấm Cám)
“Từ trong quả thị
Cô Tấm bước ra
Duyên dáng dịu hiền
Như một nàng tiên“
(Lời bài hát)
Cách trồng cây thị
Cây thị là cây trồng quen thuộc ở Đông Nam Á và đã đi vào những câu chuyện cổ tích từ xưa. Trẻ em, người già và các cô gái đa phần đều thích thị.
Cây thị được trồng ở nhiều nơi để lấy quả ăn, cúng lễ và bày cỗ Trung thu. Về phương pháp nhân giống, cây thị đa phần được trồng bằng hạt nhưng sau khi hạt thị phơi khô thì lại mất sức nảy nầm (tương tự như hạt xi rô vậy). Vì vậy, vào khoảng cuối thu (tháng 8, tháng 9), khi quả thị chín vàng thì hái ăn, ăn xong thì lấy hạt đem gieo ngay. Sau chu kỳ lạnh lẽo của mùa đông (khoảng 3 – 4 tháng), hạt sẽ nảy mầm vào mùa xuân năm sau (khi thấy cây con đã ra đủ rễ thì nhổ ra trồng ở nơi thích hợp, lưu ý tránh động và làm gãy rễ cái).
Cây thị không kén đất trồng và có thể trồng trên nhiều tỉnh thành của cả nước. Tuy nhiên, cây thị lại sợ ngập úng. Nhìn chung, thị là loài cây không cần chăm sóc nhiều nhưng sau khi thu hoạch quả cũng nên cắt tỉa bớt cành già, cành sâu bệnh.
***
Nhiều năm trước, tôi tình cờ được thấy quả thị. Lúc ấy, trong đầu tôi lóe lên câu hỏi: Đây là quả thị trong truyện cổ tích Tấm Cám sao? Là quả thị mà cô Tấm bước ra, hiền ngoan, xinh đẹp? Là quả thị thơm mà bà lão đã đem về nhà, chỉ để ngửi chứ không ăn?
Vâng, trước mắt tôi, loại quả màu vàng, da căng cứng. Thì ra, cổ tích đến từ những ước mơ về đời sống và những gì đi vào cổ tích đều mang một nét đẹp diệu kỳ, thiêng liêng hơn: nét đẹp của ước mơ dân gian.
Đó là lý do vì sao người ta nâng niu quả thị.
Tư liệu tổng hợp
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 410. 422
- Võ Văn Chi, Cây thuốc An Giang, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật An Giang, 1991, trang 140, 511.
- Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 852.
- Phạm Thiệp – Lê Văn Thuần – Bùi Xuân Chương, Cây thuốc bài thuốc và biệt dược, NXB Y học, 2000, trang 287.
-
Nhiều tác giả, Chữa bệnh bằng cây lá quanh nhà, NXB Văn hóa dân tộc, trang 250.
- Quả thị có tác dụng gì, https://cadao.me/the/qua-thi/