Dây lõi tiền là vị thuốc chữa bệnh khá quen thuộc trong y học cổ truyền. Tuy nhiên, có nhiều loại lõi tiền khác nhau và có loại còn chứa chất độc. Vì vậy, khi dùng làm thuốc, chúng ta cần nhận dạng để phân biệt và sử dụng an toàn.
Phân biệt hai loại lõi tiền thường gặp
Ở nước ta, dây lõi tiền còn được gọi là dây mối. Tuy nhiên, chúng không phải loại dây mối mà chúng ta thường lấy lá vò thành thạch để ăn mà thuộc các loại khác (vì lá lõi tiền có vị đắng).
Trong y học cổ truyền, hai loại lõi tiền này có tên là “phấn cơ đốc” (lõi tiền rễ dài) và “thiên kim đằng” (tạm gọi là lõi tiền rễ củ).


Có thể thấy, hai loài dây leo này có hình dáng tương đối giống nhau: lá đều có hình tam giác, nhẵn bóng, không có lông và mặt dưới nhạt màu.

Tuy nhiên, hai loại này vẫn có một số điểm khác biệt.
Đặc điểm phân biệt | Phấn cơ đốc (Lõi tiền rễ dài) 粪箕笃 | Thiên kim đằng (lõi tiền rễ củ) 千金藤 |
Các tên gọi thông dụng | Đại cung đằng, xạ chen, phấn cơ đốc… | Thiên kim đằng, sơn mã quy… |
Tên khoa học | Stephania longa | Stephania japonica |
Đặc điểm dây và rễ | Thân leo mềm, toàn dây không có lông, rễ rất dài. | Thân leo, toàn dây không có lông, rễ phát triển thành củ. |
Đặc điểm lá | Cuống lá dài từ 3 – 5 cm. | Cuống lá dài 5 – 10 cm. |
Phân bố | Mọc hoang ở khắp nước ta nhưng tập trung ở các tỉnh phía Bắc. Ngoài ra, loài này cũng được tìm thấy ở Trung Quốc, Lào, Ấn Độ, Thái Lan, Philippine… | Phân bố ở nhiều nước như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Lào, Malaysia, Indonesia, Philippines, New Guinea, Úc… |
Như vậy, đặc điểm rõ nhất để phân biệt hai loại này là phần rễ: phấn cơ đốc có rễ dài còn thiên kim đằng có rễ phát triển thành củ.

Công dụng chữa bệnh của phấn cơ đốc (lõi tiền rễ dài)
Theo y học cổ truyền, dây phấn cơ đốc (lõi tiền rễ dài) có vị đắng, tính lạnh và được dùng điều trị các bệnh như:
- Tiểu tiện khó, tiểu không thành dòng.
- Phù nề, chân tay sưng nhức.
Cách dùng: mỗi ngày dùng từ 6 – 12 g dây và lá phơi khô, sắc trong 400 ml nước đến khi còn 100 ml thì chia thành 2 lần uống trong ngày.
Đối với chứng đau dây thần kinh tọa, có thể lấy 30 g rễ phấn cơ đốc và 60 g hạt ý dĩ (bo bo), sắc lấy nước rồi thêm mật ong vào và uống hàng ngày (với bệnh đau thấp khớp cũng dùng tương tự).
Ngoài ra, để giúp lợi tiểu tiện, điều trị tiểu buốt và phù nề, có thể kết hợp 6 g phấn cơ đốc (dây và lá) với 6 g mã đề, 6 g mộc thông và 10 g đậu đen, sắc trong 600 ml nước đến khi nước rút còn 200 ml thì chia thành nhiều lần uống trong ngày.
Ở Trung Quốc, phấn cơ đốc còn được biết đến với các công dụng như:
- Thanh nhiệt giải độc, lợi thấp thông tiện.
- Trị chứng sang ung thũng độc, nhiệt bệnh phát cuồng.
- Điều trị vàng da, viêm thận.
- Điều trị viêm dạ dày ruột, lỵ, táo bón và tiểu ra máu.
Các ghi chép về công dụng của phấn cơ đốc
– Lĩnh nam thái dược lục: Phấn cơ đốc có tác dụng sinh cơ chỉ huyết, điều trị lỵ, vàng da, phát cuồng (với bệnh ung vú thì giã nát dây, lá cùng với đường nâu rồi thoa lên da).
– Lục xuyên bản thảo: Phấn cơ đốc có tác dụng thanh lương giải độc, thông đại tiện, trị viêm dạ dày ruột, đại tiện bí kết và rắn cắn.
– Nam ninh thị dược vật chí: Phấn cơ đốc giúp thanh nhiệt lợi thủy, ngoại xoa ác sang, tiêu thũng độc (4).
Công dụng và độc tính của thiên kim đằng (lõi tiền rễ củ)
Thiên kim đằng vị đắng cay, tính lạnh và có chứa một lượng độc nhỏ. Theo các ghi chép, trong rễ củ của thiên kim đằng có chứa chất độc là picrotoxin (chất này có thể gây co giật và tê liệt hô hấp nếu dùng với liều cao).
Mặc dù vậy, trong y học, với liều vừa phải, dây và lá thiên kim đằng vẫn được ứng dụng làm thuốc để điều trị các bệnh như tiểu rắt, tiểu buốt, phù nề và rắn cắn (ngày dùng 6 – 12 g thuốc sắc dây và lá đã phơi khô, nếu là trường hợp rắn cắn thì lấy thêm một lượng vừa đủ giã đắp bên ngoài).
Ở Trung Quốc và một số nước trên thế giới, dây thiên kim đằng còn được dùng với các công dụng như:
- Thanh nhiệt, giải độc.
- Giảm đau, lợi thủy, tiêu thũng.
- Điều trị tiêu chảy, lỵ, đau dạ dày, sốt.
- Điều trị viêm gan, yết hầu sưng đau, phong thấp tê đau.
Tuy nhiên, như đã nói, vị thuốc này hơi có độc nên không được dùng quá liều vì sẽ gây nôn mửa và các biểu hiện trúng độc khác. Ngoài ra, khi dùng dây lõi tiền làm thuốc, các bệnh nhân cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có hướng dẫn phù hợp trong từng trường hợp cụ thể, tránh những tác hại không đáng có.
Về một loại lõi tiền khác (dây mối, Stephania hernandifolia)
Ngoài hai loại trên thì còn ít nhất một loại lõi tiền nữa cũng được gọi là dây mối. Đó là loài Stephania hernandiifolia, có tên tiếng Trung là “đồng diệp thiên kim đằng” (桐叶千金藤), hay còn gọi là “mao thiên kim đằng”. Loài này cũng có dạng thân dây giống hai loài trên và cũng có củ.

Đồng diệp thiên kim đằng phân bố ở nhiều tỉnh trên khắp nước ta, nhất là vùng đồi núi và trung du (ngoài ra cũng được tìm thấy ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Ấn Độ, Indonesia, Philippin, Úc…). Theo y học cổ truyền thì loài này có thể chữa tiểu dắt, tiểu buốt và tiêu chảy (dùng lá) (8).
Ở Trung Quốc, đồng diệp thiên kim đằng được biết đến là loại thảo dược có vị đắng, tính mát, thông vào Phế, Vị, Đại tràng, Bàng quang và có các công dụng như:
- Thanh nhiệt giải độc, khu phong trừ thấp, thông kinh hoạt lạc.
- Trị sang, tiết (mụn nhọt, ghẻ lở), phong thấp tê đau (7).
Tư liệu tổng hợp
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 241.
- Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 161.
- Võ Văn Chi, Cây thuốc An Giang, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật An Giang, 1991, trang 330.
- 粪箕笃, https://baike.baidu.com/item/%E7%B2%AA%E7%AE%95%E7%AC%83/22507145
- 千金藤, https://baike.baidu.com/item/%E5%8D%83%E9%87%91%E8%97%A4
- Stephania japonica, http://www.tropical.theferns.info/viewtropical.php?id=Stephania+japonica
- 桐叶千金藤, https://baike.baidu.com/item/%E6%A1%90%E5%8F%B6%E5%8D%83%E9%87%91%E8%97%A4/1634551
- Stephania hernandifolia (Willd.) Spreng, http://tracuuduoclieu.vn/stephania-hernandifolia-willd-spreng-cissampelos-hernandifolia-willd.html
Xem thêm: Tác dụng của hoa ngâu và cách dùng hoa ngâu làm thuốc