Tới mùa cà na, mẹ tôi thường dặn thằng em tôi: “Thọc thì thọc chứ không được trèo nghe. Cây cà na, trèo mà lỡ té là chết đó”. Dân gian quê tôi cũng kiêng, không cho con nít leo cây này vì họ cho rằng dù bạn té từ nhành cao hay nhành thấp xuống thì đều sẽ chết.
Điều này thì không ai giải thích được và chỉ có thể ngoan ngoãn nghe theo thôi. Ông bà ta thường bảo “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Không leo cà na thì bạn có thể lấy cây trúc làm lồng thọc rồi thọc lấy trái, vừa ít tốn công mà lại an toàn.
Nội dung chính ⇒
Trái cà na làm món gì?
Trái cà na có gì ngon mà con nít lại thèm đến vậy?
Hãy làm một phép thử: Bạn hãy đăng tấm ảnh một rổ cà na, hoặc đơn giản hơn là hỏi mấy đứa nhỏ “ăn cà na không”? Ắt hẳn, câu trả lời của bạn sẽ là “ở đâu”, “ôi thèm quá”, “chảy nước miếng hết rồi”.
Thật ra, trái cà na chua chát vô cùng và còn có mùi đặc trưng hơi ngái ngái (dù là giống cà na ngọt thì quả nó vẫn chua, chỉ là nhẹ hơn chút thôi).
Vậy mà khi đập cho giập, ngâm bóp nhiều lần rồi nêm nếm để làm cà na muối ngọt thì lại thơm ngon đáo để! Cái hương cà na đặc trưng thơm chua dâng lên tới mũi, lấy một miếng chấm muối ớt là “ngon đến tê tái” – bạn nào đã ăn qua chắc hẳn sẽ biết cảm giác này!
Và nếu không giỏi ăn chua thì bạn có thể làm cà na ngào đường! Món này hấp dẫn không kém kẹo hồ lô ngào bên Tàu đâu nhé!
Cây cà na là cây gì? Quả cà na miền Bắc gọi là gì?
Cây cà na ở miền Nam, ở miền Bắc gọi là cây côm háo ẩm, hay còn gọi là côm cánh ướt, có tên khoa học là Elaeocarpus hygrophilus.
Ở miền Bắc cũng có một cây gọi là cà na nhưng nó không phải là cây cà na ở miền Nam mà là cây trám trắng (có tên khoa học là Canarium album). Cây này có quả giống quả cà na nhưng lá của nó khác hơn (1) (2).
Thường thì cây cà na miền Nam mọc nhiều từ Khánh Hòa vào các tỉnh Nam Bộ (ra tới Côn Đảo). Loại cây này có khi mọc hoang, có khi được trồng và ngày nay, nhiều người thường chọn giống cà na Thái vì trái to, nhiều và ít chua hơn.
Cây cà na ở miền Nam có công dụng gì?
Quả: Quả cà na già có vị chua chát, thường được dùng ăn sống, chấm với muối hoặc làm cà na muối ngọt, ngào đường (để ăn chơi), muối dưa, ngâm nước mắm ớt (để ăn với cơm)… Ngoài ra, cà na còn được dùng làm mứt.
Về công dụng làm thuốc, quả cà na chưa được đề cập đến nhiều. Tuy nhiên, vị chua của quả cà na giúp kích thích thèm ăn rất tốt. Những đứa trẻ ăn một hai trái cà na là bắt đầu đói bụng, ăn cơm rất ngon!
Lưu ý: Không ăn quá nhiều vì có thể gây táo bón.
Lá: Kết quả nghiên cứu được đăng trên Tạp chí khoa học Đại học Cần Thơ cho thấy cao chiết lá cây cà na có khả năng kháng khuẩn đáng kể, giúp chống lại các vi khuẩn như Staphylococcus aureus, Escherichia coli và Bacillus subtilis… (3). Bên cạnh đó, theo tạp chí Chemical Papers thì chiết xuất từ lá cà na còn chứa các hoạt chất giúp chống lại sự nhân lên của virus cúm (4).
Tư liệu tổng hợp
- Cây cà na, http://hodinhhai.blogspot.com/2013/05/cay-ca-na.html,
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, NXB Y học, HN, 2018, trang 613.
- Khảo sát hoạt tính kháng oxy hóa và kháng khuẩn của cao phân đoạn sắc ký cột silica gel từ cao chiết lá cà na (Elaeocarpus hygrophilus Kurz.), https://ctujsvn.ctu.edu.vn/index.php/ctujsvn/article/view/3566,
- Molecular networking-based chemical profiling and anti-influenza viral and neuroprotective effects of Elaeocarpus hygrophilus Kurz, https://link.springer.com/article/10.1007/s11696-021-01723-7,