“Đêm qua sân trước một nhành mai” có phải để chỉ cây Nhất chi mai – một loại mơ nở hoa hai lần mỗi năm nên còn được gọi là Nhị độ mai?
Nội dung chính ⇒
“Nhất chi mai” là hoa mai vàng hay hoa mơ?
Năm nào cũng vậy, xuân đến rồi đi, nhiều người cảm khái và ngâm lên câu thơ của thiền sư Mãn Giác:
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai
Nguyên văn:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai (1)
Có người cho rằng “nhất chi mai” trong câu thơ trên là cành mai vàng miền Nam, hay còn gọi là hoàng mai, huỳnh mai (tên khoa học là Ochna integerrima, thuộc họ Mai). Tuy nhiên, không phải như vậy!
“Nhất chi mai” trong câu thơ trên là để chỉ hoa mơ, tức hoa của loài Mơ – Prunus mume, không thuộc họ Mai như cây mai vàng mà thuộc họ Hoa hồng. Đây là loài hoa có thể chịu được giá lạnh mùa đông và có nhiều màu sắc khác nhau tùy theo giống loài, trong đó, có hai màu hoa thường thấy nhất là trắng và đỏ.
Vì sao như vậy?
Thật ra, “mai” chính là tên Hán Việt của “mơ” – loài cây khá phổ biến ở miền Bắc nước ta. Và chúng ta có chữ “ô mai” với ý nghĩa ban đầu là để chỉ quả mơ hun khói, có màu nâu mà người miền Nam hay gọi là “xí muội”.
Quan trọng hơn, giống mai vàng vốn chỉ phù hợp với khí hậu miền Nam trong khi thiền sư Mãn Giác lại ở miền Bắc (vào thời của ông – thế kỷ XI, lãnh thổ nước ta vẫn chưa mở rộng xuống phía Nam). Vì vậy, “nhất chi mai” trong câu “Đêm qua sân trước một nhành mai” (Đình tiền tạc dạ nhất chi mai) là để chỉ cây mơ, hoa mơ (12).
Trong bài hát “Một nhành mai” do Phí Ngọc Thanh thể hiện, các bạn có thể thấy những hình ảnh rất đẹp về hoa mơ.
“Nhất chi mai” là cây mơ gì, giống mơ gì?
Như đã chứng minh, “nhất chi mai” trong câu “Đêm qua sân trước một nhành mai” (Đình tiền tạc dạ nhất chi mai) chính là cây mơ.
Thế nhưng, cây mơ lại có nhiều giống khác nhau. Ở nước ta, có một số giống mơ thường được nhắc đến là mơ đào (quả mẩy như quả đào), mơ trắng (quả khi chín có màu vàng sáng), mơ chấm đen (quả khi chín có những chấm màu tím đen), mơ chấm son (tức Thanh mai, quả khi chín có một chấm đỏ như son)… và mơ Nhất chi mai (16).
Trong các giống mơ kể trên thì có một loại độc đáo tên là Nhất chi mai, hay còn gọi là Nhị độ mai. Cây này rất hiếm thấy quả nhưng hoa thì lại nở hai lần mỗi năm: lần thứ nhất vào cữ rét buốt nhất của mùa Đông và lần thứ hai là vào cuối xuân, tầm khoảng tháng hai, khi các giống mơ khác đều đã ra quả hết.
Theo quan niệm dân gian, Nhất chi mai (Nhị độ mai) quý ở chỗ lúc chớm nụ thì có màu hồng, khi nở hoa thì bung cánh trắng và gặp ánh nắng thì lại chuyển sang hồng. Sắc hoa thanh cao, trang nhã và đặc biệt là hoa nở ở lần sau lại đẹp hơn lần trước.
Quay trở lại chi tiết “nhất chi mai” trong bài thơ của thiền sư Mãn Giác, liệu nó có phải là cây mơ Nhất chi mai (Nhị độ mai) vừa nói trên đây?
Bây giờ, chúng ta hãy đọc lại một lần nữa nguyên văn hai câu thơ cuối của thiền sư:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Người ta thường bảo xuân tàn hoa rụng. Thế nhưng, hãy nhìn xem, trước sân đêm qua vẫn còn đó Nhất chi mai.
Có phải đây mới thực sự là nội dung mà thiền sư muốn nói đến? Đâu phải xuân tàn thì hoa rụng hết mà vẫn còn đó những loài không tàn rụng (là Nhất chi mai). Nếu đúng như vậy, bài thơ của thiền sư Mãn Giác sẽ mang một ý nghĩa khác nữa (so với những cách giải thích trước đây).
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là vào thời của thiền sư Mãn Giác, tên gọi Nhất chi mai vẫn chưa xuất hiện thì sao? Như thế thì “nhất chi mai” sẽ được hiểu là “một nhành mai”. Và ở đây, loài mai (mơ) có thể nở khi xuân tàn (như trong lời thơ đã nói), khi hoa của các loài mơ khác đều đã rụng hết thì dường như cũng chỉ có Nhất chi mai (Nhị độ mai).
Như vậy, đến đây, chúng tôi tạm thời xác định “nhất chi mai” trong câu thơ của thiền sư Mãn Giác chính là tên của cây mơ Nhất chi mai, hay còn gọi là Nhị độ mai, Bạch mai, Hàn mai… Trong tương lai, nếu có thêm các thông tin khác, chúng tôi sẽ cập nhật thêm.
Vài nét về hoa và quả Nhất chi mai
Có ý kiến cho rằng Nhất chi mai (hay còn gọi là Nhị độ mai) là loài cây khó nhân giống vì không có quả và khó chăm sóc. Tuy nhiên, theo những người yêu thích loại cây này thì Nhất chi mai vẫn có quả (mặc dù rất hiếm thấy).
Loại quả này tròn bóng, nhỏ hơn so với các giống mơ khác, có thể ăn được và có vị chát như quả mận Bắc.
Hơn nữa, cây Nhất chi mai có tên gọi dân dã là Nhị độ mai, tức loài mơ nở hoa lai lần nhưng theo các nhà vườn, nếu người trồng biết cách chăm sóc thì cây vẫn có thể nở hoa vào mùa hè và mùa thu. Tuy nhiên, hoa ở các vụ này nhỏ và không đẹp bằng vụ hoa chính.
Bên cạnh đó, cũng có nhà vườn cho rằng cây Nhất chi mai nở hoa hai lần: lần thứ nhất là vào trước Tết (nở đồng loạt với các giống mơ khác) và lần thứ hai là ngay dịp Tết, lúc này hoa nở bung xòe cực đẹp (chứ không phải xuân Tàn mới nở như nhìn nhận chung). Sự khác biệt này có thể là do kỹ thuật chăm sóc khác nhau.
Nhìn chung, Nhất chi mai là loại cây kén người chơi, đòi hỏi kinh nghiệm cùng kỹ thuật chăm sóc để cây không bị chảy nhựa bỏ cành và có thể ra hoa đúng lúc.
Cách nhân giống Nhất chi mai – “Đêm qua sân trước một nhành mai”
Nhất chi mai (Nhị độ mai) là một loài Mơ thuộc chi Mận mơ, họ Hoa hồng, được nhân giống bằng cách giâm cành.
Thực hiện: Các bạn chọn những cành khỏe, cắt một đoạn chừng 10 cm rồi đem giâm bình thường như cách giâm các loài cây khác. Sau khoảng 1 tháng hoặc hơn, rễ cây sẽ mọc ra và phát triển thành cây mới.
Từ cách nhân giống này, có người cho rằng tên gọi Nhất chi mai có thể xuất phát từ một cành mai được dùng để nhân giống (đây là quan niệm cá nhân để tham khảo).
Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm của những người trồng Nhất chi mai thì thời điểm giâm cành tốt nhất là vào đầu xuân và loại cành được chọn là những cành nhỏ mà khỏe (không nên chọn cành to).
Giá cây Nhất chi mai dao động bao nhiêu? Mua bán ở đâu và kết nối với cộng đồng chơi hoa Nhất chi mai như thế nào?
Cây Nhất chi mai được bán công khai rộng rãi ở miền Bắc (một số nhà vườn vẫn giao hàng toàn quốc). Những cây Nhất chi mai bụi, loại nhỏ, đường kính sát gốc 1 cm, cao tầm 40 – 60 cm thường được bán với mức giá dao động từ 50 – 150 ngàn đồng. Loại này vẫn có hoa.
Còn với những cây Nhất chi mai được tạo thế, đa dạng về kiểu dáng như dáng thác đổ, dáng trực hay dáng tam đa… thì mức giá cũng khác nhau, dao động từ vài triệu đến vài chục triệu.
Hiện tại, trên cộng đồng Facebook có nhiều hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và mua bán cây Nhất chi mai. Bạn có thể tham gia để giao lưu và học hỏi, chẳng hạn như Hội những người yêu Nhất chi mai (Nhị độ mai) (một số hình ảnh trong bài viết này cũng được lấy từ hội này):
Đường link đến nhóm này: https://www.facebook.com/groups/776389706059339/
Phân biệt Nhất chi mai với hoa mai trắng Miến Điện và hoa mơ trắng miền Bắc
Hoa Nhất chi mai có nhiều cánh và nhiều nhị. Đặc biệt, búp hoa Nhất chi mai có màu hồng rất đẹp, sau khi nở thì bung xõa các cánh trắng và gặp nắng thì chuyển sang hồng. Cây này còn được gọi là cây mai trắng, trùng tên với cây mai trắng Miến Điện (ở miền Tây), trông giống như cây mai vàng miền Nam nhưng có cánh hoa màu trắng.
Ngoài ra, cũng cần phân biệt cây Nhất chi mai với cây mơ trắng miền Bắc. Đây là hai giống mơ khác nhau mặc dù đều thuộc loài Mơ Prunus mume.
Hoa mơ trong thơ ca và đời sống hàng ngày
Hoa mơ gần gũi với đời sống con người và cũng đi vào rất nhiều tác phẩm văn chương, từ trung đại đến hiện đại. Bà Huyện Thanh Quan ngày xưa, phải chăng đã từng ít nhất một lần đứng giữa rừng mơ, ngắm nhìn vẻ đẹp của hoa mơ trong gió để rồi viết nên câu thơ bất hủ:
“Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn”
(ngàn mai là rừng mai).
Thật vậy, hoa mơ nở giữa tuyết lạnh là tượng trưng cho sự kiên cường, vươn lên trong nghịch cảnh. Khi các loài hoa khác hầu như đều không chịu nổi cái giá buốt của mùa đông thì hoa mơ vẫn nở một cách hiên ngang, ngạo nghễ, đường hoàng.
Nhờ vẻ đẹp ấy, hoa mơ được vinh danh là một trong Tuế hàn tam hữu (ba người bạn của giá lạnh: tùng, trúc, mai) và khi nói đến Tứ quân tử thì cũng phải kể đến hoa mơ (tùng, cúc, trúc, mai).
Thảo nào, ai đó đã rất ngạo nghễ mà vẫn phải khiêm cung nép mình trước khí tiết của hoa mơ:
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
Dịch:
Mười năm bàn luận cầu cổ kiếm
Đời này chỉ cúi đầu trước mai hoa (hoa mơ)
(Cao Bá Quát/ Ngải Tuấn Mỹ) (2).
Trong thơ ca, hoa mơ đi còn đi vào những vần thơ đẹp vô ngần:
“Bắc phong xuy đảo nhân
Cổ mộc hóa vi thiết
Nhất hoa thiên hạ xuân
Vạn lý Giang Nam tuyết”
Dịch:
Gió bắc thổi xô người.
Cây già cứng như sắt
Hoa nở khắp trời xuân
Vạn dặm Giang Nam tuyết (15).
(bài thơ Vịnh mai của Tuệ Sơn)
Thông tin thêm:
Trong y học, hoa mơ trắng còn được dùng chữa bệnh.
Xem thêm: Hoa mơ và các món ăn, bài thuốc chữa bệnh theo y học cổ truyền
Tư liệu tham khảo
- Cáo tật thị chúng, https://www.thivien.net/M%C3%A3n-Gi%C3%A1c-thi%E1%BB%81n-s%C6%B0/C%C3%A1o-t%E1%BA%ADt-th%E1%BB%8B-ch%C3%BAng/poem-6bWbNmO7lol7pdNguEXQvQ.
- Cao Bá Quát, https://www.thivien.net/Cao-B%C3%A1-Qu%C3%A1t/author-2eyz08Vw3mwjAHFJik43sA.
- Từ Châu đạo trung, https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-Du/T%E1%BB%AB-Ch%C3%A2u-%C4%91%E1%BA%A1o-trung/poem-D-bWpjLle9k2lqrysB28kA.
- Mơ (cây), https://vi.wikipedia.org/wiki/M%C6%A1_(c%C3%A2y).
- Mai vàng, https://vi.wikipedia.org/wiki/Mai_v%C3%A0ng.
- Tìm hiểu cành Mai trong bài kệ của Mãn Giác Thiền sư, https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=5ED652.
- Vương Ngọc Điển, Trái cây chữa bệnh, NXB Phụ nữ.
- Tảo mai, https://www.thivien.net/Tề-Kỷ/Tảo-mai/poem-c42Fo3ZSG5A6O9_dwtyy2A.
- 中药绿萼梅的副作用与禁忌, https://www.ys991.com/zhongyi/cy/13324.html.
- Nguyễn Văn Đàn – Vũ Xuân Quang – Ngô Ngọc Khuyến, Cây hoa chữa bệnh – hoa trị liệu pháp, NXB Y học, Hà Nội, 2005.
- Cây nhất chi mai (cây mai trắng), https://blogcaycanh.vn/cay_canh/d/cay-nhat-chi-mai-cay-mai-trang,
- Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận Đình tiền tạc dạ nhất chi mai, https://thuvienhoasen.org/a22061/nhat-chi-mai
- 越南汉诗有哪些优秀作品, https://www.zhihu.com/question/46780291/answer/103946568
- Cáo tật thị chúng (Mãn giác thiền sư), Tác phẩm văn học thi kệ nổi tiếng Lý – Trần, https://so1vn.vn/cao-tat-thi-chung-man-giac-thien-su-tac-pham-van-hoc-thi-ke-noi-tieng-ly-tran/
- Tìm hiểu về Mai hoa: Orunus mume sieb.et. Zucc, https://caytrongvatnuoi.com/cay-canh/mai-hoa-prunus-mume-sieb-et-zucc/
- Nhớ Nhị độ mai, https://nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-van-hoa/item/19450602-.html