Quả mơ (quả mai) không chỉ được chế biến thành các món ăn như ô mai, mứt, mơ ngâm đường, mơ muối… mà còn được dùng làm thuốc chữa bệnh.
Nội dung chính ⇒
Vài nét về quả mơ
Cây mơ xa lạ với người miền Nam nhưng rất gần gũi với người miền Bắc. Thế nhưng, quả mơ thì có lẽ nhiều người ở miền Nam cũng đã ăn rồi mà không biết tên.
Đó là trái xí muội ngọt mà bạn có thể dễ dàng mua ở các cửa hàng, hiệu thuốc và ở chợ. Loại này được làm từ quả mơ, có lớp lông phủ bên ngoài, thịt rất dai, ngọt và có màu đỏ hồng.
Ngoài loại xí muội ngọt như trên thì còn có xí muội mặn, cũng được làm từ quả mơ. Loại này ăn cũng rất ngon.
Không chỉ thế, quả mai còn được dùng làm mứt, ngâm rượu, ngâm muối, ngâm đường, sấy dẻo… và làm thuốc.
Với mỗi gia đình và mỗi cơ sở sản xuất, người ta lại có những cách thức chế biến, kết hợp khác nhau từ quả mơ. Bạn đã nghe đến món Mơ muối Umeboshi nổi tiếng của Nhật Bản chưa?
Về cây mơ
Mơ (tên Hán Việt là mai) là tên của nhiều loại cây có cùng tên khoa học là Prunus mume (thuộc họ Hoa hồng), như cây mơ đào, mơ trắng, thanh mai, nhất chi mai… Có loại mơ cho nhiều quả và có loại hiếm thấy quả.
Tùy theo giống cây mà màu sắc, kích thước, mùi vị của quả (cũng như màu sắc hoa và số cánh hoa…) sẽ khác nhau. Trong đó, giống mơ trắng là loại thường được dùng làm thuốc, có hoa màu trắng, quả chín màu vàng trông rất đẹp mắt.
Giá trị dinh dưỡng và công dụng làm thuốc của quả mơ trắng
Quả mơ trắng lúc còn non có màu xanh, khi chín có màu vàng, có lớp lông mịn phủ bên ngoài và có vị chua.
Trong quả mơ có các chất dinh dưỡng nào
Trong quả mơ có các dưỡng chất chính như đường, chất đạm, chất béo, các vitamin như A, B2, B3, B5, B6, B7, B9, C, E… và các khoáng chất như Can xi, Sắt, Natri, Kẽm, Đồng, Phốt pho, Ka li, Ma giê, Se….
Quả mơ có công dụng gì?
Quả mơ xanh có vị chua, tính bình, có tác dụng điều trị sưng tấy, háo nước, kiết lỵ, đau nhức cơ bắp, sưng họng và các bệnh về cổ họng.
Cách dùng: lấy 10 – 15 g quả xanh sắc uống trong ngày.
Làm ô mai mơ chữa bệnh
Quả mơ còn được chế biến theo dạng ô mai, gọi là ô mai mơ.
Ô mai mơ có tác dụng bổ phổi, làm sạch ruột, thúc đẩy quá trình bài tiết mật, điều trị vi khuẩn gây ra kiết lỵ và làm giảm tình trạng dị ứng protein. Ngoài ra, ô mai mơ còn giúp giải độc, trị ho, làm tan đờm và giúp giảm tiểu tiện ra máu…
Cách dùng: lấy 4 – 6 quả ô mai sắc uống mỗi ngày. Ngoài ra, ô mai mơ còn được dùng chữa trị các bệnh ngoài da như ghẻ lở (nướng chín kỹ rồi tán bột, rắc lên da).
Lưu ý, trên thị trường có bán nhiều loại ô mai, tuy nhiên, các loại này có thể được làm từ nhiều loại trái cây khác nhau như sấu, me, chanh…. Do đó, khi mua ô mai làm thuốc, các bạn nên lưu ý mua đúng ô mai mơ.
Ngâm rượu mơ chữa bệnh
Quả mơ xanh còn được dùng ngâm rượu. Rượu này thơm, dễ uống và ngâm càng lâu thì càng ngon. Mỗi ngày, trước hoặc sau bữa ăn, uống 1 ly nhỏ rượu mơ sẽ giúp thúc đẩy tiêu hóa, nhuận tràng, giảm ho và dồi dào sức khỏe.
Cách thực hiện: Rửa sạch quả mơ, móc bỏ cuống quả rồi lau sạch nước và để cho khô. Sau đó, lấy quả xếp vào keo và đổ đường phèn vào theo tỉ lệ 1 kg quả mơ : 1 kg đường phèn. Kế đến, đổ rượu nếp vào sao cho rượu ngập đều các quả (lưu ý nên chọn keo ngâm to một tí cho nước rượu không ngập sát miệng keo).
Với rượu này, các bạn đậy kín trong 3 tháng thì có thể dùng nhưng để ngâm từ 6 đến 8 tháng thì sẽ ngon hơn. Khi dùng, các bạn có thể uống không hoặc cho thêm đá tùy thích. Lưu ý, người bị bệnh gan không nên dùng rượu mơ.
Quả mơ (quả mai) và các món ăn chữa bệnh
Cháo ô mai mơ
Thành phần: 15 g ô mai, 4 quả hồng táo, 100 g gạo tẻ và đường phèn vừa đủ (tùy theo sở thích về độ ngọt).
Cách nấu: Lấy ô mai rửa sạch, cho vào nồi và đổ nước vào, nấu cho đến khi ô mai chín mềm và nước rút lại một nửa thì vớt bỏ hạt. Sau đó, dùng phần nước đã nấu ô mai tiếp tục nấu với gạo tẻ và hồng táo. Đến bước này, các bạn cần cho thêm nước vào để nấu cho đến khi thành cháo thì dùng, sau đó cho thêm đường phèn vào tùy theo khẩu vị. Cháo này ăn vào buổi sáng và buổi tối.
Công dụng: Cháo ô mai (ô mai chúc) giúp sát khuẩn, tiêu viêm, dưỡng vị, giảm đau, điều trị các bệnh lỵ trực trùng mạn tính và viêm đại tràng. Cháo này cũng phù hợp với trẻ nhỏ bị đau bụng do giun vì có tác dụng an giun.
Cháo ô mai trần bì
Thành phần: 20 g ô mai, 30 g trần bì (vỏ quả quýt chín phơi khô) và 50 g gạo tẻ.
Cách nấu: Lấy ô mai và vỏ quýt khô nấu với nước trong nửa tiếng, khi thấy các vị trên ra chất thuốc thì vớt cái ra, lấy nước đó nấu với gạo tẻ cho thành cháo rồi ăn.
Công dụng: Điều trị chứng nôn mửa khi đang có thai và thể vị nhiệt.
Các bài thuốc chữa bệnh từ quả mơ và ô mai mơ
1. Điều trị bệnh bạch biến
Các bạn mua ô mai về, tách lấy phần thịt khoảng 75 g, sau đó ngâm rượu cùng 75 g bổ cốt chỉ (lượng rượu vừa đủ), sau nửa tháng thì dùng rượu này thoa lên da.
2. Điều trị viêm túi mật
Lấy 8 quả ô mai, 50 g kim tiền thảo và 50 g ngũ vị tử, sắc lấy nước rồi chia ra nhiều lần uống trong ngày.
3. Điều trị chán ăn và dạ dày thiếu axit
Chọn 2 quả mơ tươi, tách lấy thịt, nghiền nát rồi vắt lấy nước, sau đó cho thêm một ít đường trắng và uống (lưu ý hòa với nước nóng để uống).
4. Điều trị tay chân lở loét
Lấy 6 quả mơ tươi, tách lấy thịt rồi xay nát, sau đó nấu chung với 50 g vỏ lựu, thấy nước hơi đặc thì dùng rửa ngoài da (rửa vài lần trong ngày).
5. Điều trị bệnh chàm
Lấy 5 quả mơ tươi, tách lấy thịt rồi xay nát, sau đó nấu chung với 50 g ngũ bội tử và dùng nước này để bôi, rửa vết chàm (rửa vài lần trong ngày).
Những lưu ý khi dùng quả mơ (quả mai) chữa bệnh
- Quả mơ có vị chua, tuy nhiên, sau khi chế biến thành các món ăn, nhất là xí muội ngọt thì quả mơ sẽ rất ngọt vì đã có thêm phụ gia. Tuy nhiên, các bạn nên chú ý về nguồn gốc sản xuất để đảm bảo sản phẩm không gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, với ô mai mơ ngọt, nếu ăn nhiều quá các bạn có thể bị gắt cổ, khó chịu và khát nước…
- Nếu ăn mơ và các món ăn từ mơ lâu ngày (hoặc ăn quá nhiều) thì sẽ gây hại tỳ vị và dễ bị sâu răng. Vì vậy, nếu không dùng với mục đích chữa bệnh, các bạn chỉ nên xem đây như một món ăn chơi.
- Những người bị mất ngủ, lở loét dạ dày hoặc có các vấn đề về dạ dày không nên dùng.
- Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng chữa bệnh.
Thông tin thêm về quả mai và ô mai
Theo tư liệu y học thì thịt quả mơ (quả mai) có vị chua đặc trưng là vì chứa đến 27 % axit, ngoài ra còn chứa nhiều chất cần thiết cho cơ thể như: caroten, vitamin C và các chất giúp chậm lão hóa.
Trong Đông y, ta còn có vị thuốc ô mai chính là quả mai hun khói. Ô mai có màu đen (“ô” nghĩa là đen), vị chua, bề ngoài nhăn nheo và có các công dụng như: trừ phiền nóng, thương hàn, đờm, ho lâu ngày không khỏi, hư lao, miệng khô, đau mình mẩy, nóng trong xương.
Xem thêm về công dụng của ô mai tại đây.
Đọc thêm về món mơ ngâm đường
“Mua được mơ núi chùa Hương hồi cuối mùa xuân, người ta ngâm với đường, nếu được thêm cả đường phèn thì càng quý. Ðến mùa hè, nó trở thành bình si-rô đặc biệt thơm ngon hương vị làng quê Việt Nam. Nhiều người cố tình quên bẵng cái bình “nước cốt mơ” ấy đi, một năm sau, nó trở thành một thứ “rượu vang” tuyệt hảo. Và, nếu uống thứ “rượu vang” đó vào những buổi mùa đông gió rét, dẫu không phải là thi sĩ, người ta vẫn nhớ đến Nhị độ mai ở Hương Sơn, nó đẹp như trong thơ Bà Huyện Thanh Quan: “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi…” (theo Tân An) (8).
Xem thêm: Hoa mơ có tác dụng chữa bệnh không?
Tư liệu tham khảo
- Mơ (cây), https://vi.wikipedia.org/wiki/M%C6%A1_(c%C3%A2y).
- Mơ tam thể, https://vi.wikipedia.org/wiki/M%C6%A1_tam_th%E1%BB%83.
- Mai vàng, https://vi.wikipedia.org/wiki/Mai_v%C3%A0ng.
- Tìm hiểu cành Mai trong bài kệ của Mãn Giác Thiền sư, https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=5ED652.
- Mơ châu Âu, https://vi.wikipedia.org/wiki/M%C6%A1_ch%C3%A2u_%C3%82u.
- Vương Ngọc Điển, Trái cây chữa bệnh, NXB Phụ nữ.
- Nguyễn Văn Đàn – Vũ Xuân Quang – Ngô Ngọc Khuyến, Cây hoa chữa bệnh – hoa trị liệu pháp, NXB Y học, Hà Nội, 2005, trang 29.
- Nhớ Nhị độ mai, https://nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-van-hoa/item/19450602-.html
- Cây thuốc Nam thông dụng trị liệu trong gia đình, NXB Đồng Nai.