Có nhiều khi, chúng ta ăn những thứ kỵ nhau và dần dần sinh bệnh mà không hay biết. Vậy, cần kiêng kị gì khi ăn uống?
1. Ăn hải sản không nên uống bia rượu
Hải sản (tôm, hàu, cá, cua…) cùng với thịt là những thực phẩm chứa nhiều đạm nên lượng purine cũng cao.
Khi đi vào cơ thể, các purine này sẽ được chuyển hóa và sau quá trình chuyển hóa thì sẽ sinh ra một lượng “sản phẩm phụ”, đó là axit uric (được thải cùng nước tiểu).
Tuy nhiên, khi thận yếu, không thể thải hết các axit uric thừa thì lâu dần, chúng sẽ kết tinh thành các tinh thể sắc nhọn gây đau đớn (bệnh Gút) (1).
Không chỉ thế, khi chúng ta uống rượu bia, cơ thể tích tụ thêm axit lactic mà chất này thì cạnh tranh với axit uric để được bài tiết. Do đó, càng uống nhiều bia rượu thì lượng axit uric dư thừa lại tồn đọng càng nhiều, nguy cơ bị Gút lại càng cao.
2. Không nên ăn cải bó xôi cùng tàu hủ (đậu hủ)
Tàu hủ chứa nhiều magnesium chloride và calcium sulfate. Trong khi đó, cải bó xôi chứa nhiều axit oxalic.

Vì vậy, nếu ăn hai món này cùng lúc (ví dụ như cải bó xôi nấu canh đậu hủ) thì sẽ xuất hiện phản ứng hóa học giữa các chất trên, tạo thành oxalic magnesium và oxalic calcium (làm ảnh hưởng đến việc hấp thu canxi và dễ gây sỏi thận).
3. Không ăn thịt nguội, xúc xích, thịt lạp… cùng các thức uống chứa axit hữu cơ
Để bảo quản xúc xích, thịt lạp và thịt nguội…, các nhà sản xuất thường cho thêm nitrate vào để bảo quản lâu hơn và chống mốc.
Tuy nhiên, chất nitrate này khi gặp các loại axit hữu cơ (như axit lactic, axit citric, axit nitric, axit malic…) sẽ chuyển thành nitrosamine – chất gây ung thư.
4. Không ăn tôm, cua cùng các thức ăn chứa nhiều vitamin C
Tôm, cua là những thực phẩm chứa nhiều arsenic hóa trị 5. Vì vậy, nếu ăn chúng với các loại rau quả chứa nhiều vitamin C thì arsenic hóa trị 5 sẽ bị chuyển thành arsenic hóa trị 3, chất này rất độc hại.
Một số thông tin cần biết về sự triệt tiêu dinh dưỡng giữa các loại thực phẩm
Có những thực phẩm kết hợp với nhau không gây độc hại nhưng lại làm giảm dưỡng chất, triệt tiêu dưỡng chất lẫn nhau, chẳng hạn như:
1. Hạn chế ăn thực phẩm giàu chất xơ với thực phẩm giàu chất Kẽm
Kẽm là khoáng chất giúp làm lành vết thương và có nhiều trường hợp bị mụn là do thiếu Kẽm.
Được biết, một trong những nguyên nhân cơ bản gây thiếu Kẽm chính là cơ thể không thể hấp thu được hết lượng Kẽm mà nó nhận được (từ thực phẩm).

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do bạn ăn thực phẩm chứa Kẽm (thịt nạc, cá, hàu, lựu, bơ…) cùng lúc với thực phẩm giàu chất xơ (rau củ quả…). Lúc này, sự hấp thu Kẽm sẽ bị giảm đi.
Ghi chú: Nếu không thể ăn các thức ăn chứa nhiều Kẽm, bạn có thể mua viên uống bổ sung Kẽm.
2. Hạn chế uống rượu vì rượu làm giảm sự hấp thu vitamin
Và không chỉ làm giảm sự hấp thu các loại vitamin đâu! Uống rượu còn gây hại gan, thận, hệ tiêu hóa và cả hệ thần kinh.

Kể cả rượu thuốc, bạn cũng không nên uống quá liều chỉ định vì bản chất của nó cũng chứa rượu.
Xem thêm: Rượu và rượu thuốc
3. Hạn chế cà phê và trà vì sẽ làm giảm sự hấp thu Sắt
Được biết, Sắt là khoáng chất quan trọng tham gia vào quá trình tạo máu và có nhiều trong rong biển, nấm mèo, thịt nạc…
Tuy nhiên, trong cà phê và trà lại có chứa axit tannic – chất làm giảm sự hấp thu Sắt. Vì vậy, không nên uống trà và cà phê khi ăn các thức ăn chứa nhiều chất Sắt, bạn nhé!
Ghi chú: Bạn nên uống cà phê và trà cách bữa ăn khoảng 1 tiếng.
4. Không ăn hẹ, cải bó xôi và rau dền cùng thực phẩm giàu Can xi
Hẹ, cải bó xôi (rau chân vịt) và rau dền đều chứa nhiều axit oxalic – chất này cản trở sự hấp thu Can xi.
Vì vậy, không nên nấu hẹ, cải bó xôi và rau dền cùng với thức ăn giàu Can xi (như tôm khô, cua ghẹ…) hay uống cùng các thức uống giàu Canxi (như sữa bò), bạn nhé!
Tư liệu tham khảo
- Bác sĩ tốt nhất là chính mình, tập 2, trang 45.
Xem thêm: Người bị tiểu đường có ăn được khoai lang không?
Từ khóa: kiêng kị ăn uống