Văn hóa, ở một chừng mực nào đó cho thấy sự thích ứng của con người với thế giới tự nhiên. Vùng Tây Nam Bộ – mảnh đất Chín Rồng – ngay từ thời khai hoang mở cõi đã là một vùng sông nước để trải qua mấy trăm năm khai phá, kiến lập; văn hóa sông nước lại đi vào đời sống vật chất, tinh thần của cư dân trên mảnh đất phù sa và trở thành niềm tự hào không gì lay chuyển được.
Nói như Bùi Thế Cường và Solvay Gerke thì “nước là nguồn chiến lược”, “là nguồn sống cơ bản, nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản, giao thông và cho sinh hoạt hàng ngày, bao gồm nước uống.” (1).
Không thể hoài nghi sự ảnh hưởng của văn hóa sông nước đến văn học nghệ thuật vùng châu thổ Cửu Long cũng như cần phải thừa nhận rằng, văn học dân gian ĐBSCL đã và sẽ là một trong những nơi thể hiện, lưu giữ nền văn hóa ấy. Điều này cho phép người tiếp cận có thể thông qua những tác phẩm văn học dân gian ĐBSCL để khám phá những dấu ấn của nền văn hóa sông nước.
Thêm vào đó, trong khi từ các thể loại văn học dân gian như truyền thuyết, tục ngữ, ca dao… cho đến âm nhạc cổ truyền như các bài bản của đờn ca tài tử, các điệu lý, điệu hò… đều đã được quan tâm nghiên cứu nhiều từ góc độ văn hóa thì các bài viết về câu đố, bài vè ở ĐBSCL vẫn còn khá khiêm tốn. Bên cạnh đó, chính những bài vè, câu đố ĐBSCL ấy lại là nơi phản ánh một cách gần gũi, chân thực, nôm na và bình dị nhất những sự vật, con người có ý nghĩa đối với đời sống nhân dân.
Có những tác phẩm như bài Vè chim chóc, Vè các thứ lúa… thực sự đã hội tụ đậm đặc bức tranh đầy màu sắc về môi trường sông nước mà con người nơi đây sinh sống. Hơn thế nữa, hiện nay, trong hoàn cảnh các hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian đã không còn phổ biến và ngày càng mai một đi, liệu việc tìm về dấu ấn văn hóa sông nước trong các bài vè, câu đố ĐBSCL có còn cần thiết và có đóng góp gì trong việc gìn giữ, bảo vệ văn hóa sông nước nói chung không?
Bốn mươi bài vè và hai trăm linh tám câu đố trong công trình sưu tập Văn học dân gian ĐBSCL (NXB Giáo dục, 1997) của tập thể khoa Ngữ văn – Trường Đại học Cần Thơ là con số khá khiêm tốn nhưng lại là nguồn tư liệu bổ ích cho những ai muốn nghiên cứu về văn học dân gian của vùng đất sông rạch này.

“Nếu vẻ hoang vu, u tịch là mặt thứ nhất của thiên nhiên vùng đất mới thì mặt thứ hai là sự giàu có, phong phú về sản vật của nó” [3, tr.10]. Một liên tưởng thú vị rằng miền Trung như chiếc đòn gánh gánh hai đầu đất nước là Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL đã cho thấy tiềm năng kinh tế, văn hóa của vùng đất đã trở thành vựa trái cây, vựa lúa lớn nhất cả nước này. Trù phú, xanh tươi, đa dạng và độc đáo là sự miêu tả phổ biến nhưng lại chính xác khi nói về sản vật ở ĐBSCL.
Rõ ràng, chính sự đa dạng về địa hình (sông, ruộng, ao, đầm, bưng, cù lao..) và những ưu đãi về đất đai, khí hậu, đặc biệt là về nguồn nước mà môi trường tự nhiên ở ĐBSCL đã trở thành nơi cư trú, phát triển của nhiều loài động thực vật, trong đó có cả những loại quý hiếm và những loại chỉ thích nghi tốt với môi trường ngập nước. ĐBSCL có những vườn chim, vườn trái cây, rừng ngập mặn, những cánh đồng lúa kết hợp nuôi tôm cá, những hình thức nuôi cá lồng, bè… mà khó có mảnh đất nào trên đất nước Việt Nam có thể so sánh được về quy mô và cả sự đa dạng, độc đáo của nó. Chính vì vậy, đi tìm sự trù phú của sản vật sông nước trong các bài vè, câu đố ĐBSCL cũng là hành trình tìm về sự ảnh hưởng, giá trị cũng như dấu ấn của văn hóa sông nước trong đời sống của cư dân.

Trong các bài vè và câu đố mà chúng tôi khảo sát thì động, thực vật sông nước có cả sự đa dạng, phong phú về loại và cả về loài, có những loài ngày nay không còn xuất hiện nữa. Hiển nhiên, sự đa dạng này không làm nên đặc trưng chủ đạo của văn hóa sông nước Tây Nam Bộ nhưng nó cho phép ta hình dung về một vùng đất không chỉ là “địa linh nhân kiệt” mà còn là “cái thúng treo của đòn gánh”, “cái thúng” ấy chứa đựng biết bao của ngon vật lạ, đủ loại, đủ loài ở các môi trường sông nước khác nhau. Có những loại sống trong nước nhưng cũng có những loại sống gần và thích nghi tốt với sự ngập nước. Để làm nên sự trù phú ấy, sông nước đã có một vai trò không nhỏ.
Trong các sinh vật sống gắn bó với môi trường sông nước thì có ít nhất 17 loại hoa màu khác nhau (củ ấu, trái bần, trái bông súng, trái cóc kèn, trái đậu nhựa, bông sen, bông súng, cây bần, cây đước, cây bắp, cây mía, cây môn, cây lúa, cây lác, lục bình, rau muống, cây dừa nước…) và hơn 10 loài động vật (con vẹm, con tôm, con rắn, con ếch, con rùa, con ba ba, con cua, con ba khía, con vịt, con cuốc…) trở thành đối tượng của những câu đố hoặc được nhắc đến trong những bài vè. Con ba khía từ những con sông đi vào Sông nước Cà Mau của Đoàn Giỏi, đi vào những bài ca và đến câu đố, chúng lại được chú ý nhiều hơn. Riêng con vịt đã trở thành hình ảnh gắn bó với đời sống người dân ĐBSCL. Trong bài Vè con vịt, người dân đã có cách nói rất cảm tình và tự nhiên về loài vật này:
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè con vịt
Những ngày vui thích
Xuống vũng lội chơi… [3, tr.263]
Hơn thế nữa, các bài vè ở ĐBSCL còn thể hiện sự phong phú về loại của các sản vật sông nước mà đặc biệt là chim, lúa và cá. Thật khó có một vùng sinh thái nào lại hội tụ đông đúc và đủ sắc màu của các loại động thực vật như Tây Nam Bộ.
Về lúa, trong hai bài vè là Vè lúa miền Tây và Vè các thứ lúa đã đề cập đến hơn 20 loại lúa như: lúa nàng già, lúa nàng lôi, lúa nàng điền, lúa nàng phật, lúa nàng nhái, lúa nàng út, lúa nàng tây, lúa ráng mây, lúa ba túc, lúa xương rồng, lúa chàng chum, lúa lộn, lúa tàu binh, lúa thơm, lúa tàu lai, lúa nàng hương, lúa đuôi trâu, lúa col – bà – ao, lúa nàng thân, lúa trắng soi, lúa đen mỡ, lúa hiền, lúa trắng lớn, lúa trắng nhỏ, lúa ho so, lúa nếp quạ, lúa nếp kẹo, lúa nếp ruồi, lúa nếp mùa…
Đặc biệt, qua hai bài Vè các thứ cá I và Vè các thứ cá II, hơn 60 loại cá đã cho ta cái nhìn đầy ngưỡng mộ đối với sự trù phú của thủy sản Tây Nam Bộ: cá cơm, cá nhát, cá chim, cá đuối, cá bạc đầu, cá đối, cá khoai, con ức thịt, cá lòng tong, cá nhái, cá linh, con úc khạo, cá dao, cá cóc, cá khô, cá hố, cá chai, cá lóc, cá bóng thê, cá bống kèo, cá bống mú, cá thu, cá nàng chó, cá trê, cá dứa, cá sặc, cá chim gian, cá sửu, cá lăng, cá vượt, cá heo, cá hớt, cá chìa vôi, cá chim nhớt, cá thiều, cá cháy, cá kình, cá thác lác, cá bã trầu, cá lót mít, cá mại, cá thác lác, cá trê vàng, cá bống, cá mè, cá ngựa, cá ròng ròng, cá lạc mạ, cá bã trầu, cá lang chuột, cá lia thia, cá trán đục, cá bạc đầu, cá trên dốc, cá trài bông, cá chốt, cá đồng tiền, cá hội lỡ, cá lù đù, cá tát, cá vồ…
Về các loại chim chóc, các bài Vè chim chóc I, Vè chim chóc II và Vè các loài chim đề cập đến hơn 50 loại chim khác nhau, trong đó nhiều loài chim sinh sống và thích nghi tốt với môi trường sông nước như: chim diệc mốc, cồng cộc, chim thằng chài, chim nhân óc, chim thầy chùa, bìm bịp, cò ma, con chằng nghịch, con điên điển, con le le, chim bánh ít, chim chằng bè…
Bên cạnh đó, bài Vè củi cũng cho ta cái nhìn ngưỡng mộ về nguồn nhiên liệu ĐBSCL với nguồn củi đến từ nhiều loại cây sông nước:
Vì củi nhiều thứ
Củi đước củi đòn
Củi ruộng củi giồng
Than tràm than đước
Củi bụp dừa nước… [3, tr.289]
Có thể thấy, yếu tố sông nước có vai trò vô cùng quan trọng trong việc làm nên sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái ĐBSCL. Dấu ấn của nó trong các bài vè, câu đố ĐBSCL đã nói lên một điều rằng, từ thực tế đời sống đi vào văn học dân gian, văn hóa sông nước ĐBSCL là một cuộc hành trình vừa tự nhiên, vừa thể hiện ý thức phản ánh đời sống của con người. Những gì gần gũi với cư dân được thể hiện một cách nôm na, bình dị nhất và không gì hơn là qua các bài vè, câu đố bên cạnh những điệu lý, câu hò. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở sự đa dạng về giống loài, văn hóa sông nước ĐBSCL còn được thể hiện qua đời sống sinh hoạt, lao động của cư dân.
Mặc dù còn khá khiêm tốn nhưng các bài vè, câu đố ĐBSCL đủ để bộc lộ những đặc trưng của văn hóa sông nước trong đời sống của người miền Tây. Những câu đố về cái nơm cá, cái chài cá, cái lờ, cái cầu, chiếc ghe… đã phác thảo những nét đầu tiên cho bức tranh đời sống nông nghiệp đậm dấu ấn sông nước ở ĐBSCL. Không chỉ thế, thông qua các bài vè như Vè con trâu, Vè làm ruộng, Vè đi cấy; người ta còn có thể thấy nét đặc trưng trong lao động nông nghiệp của người miền Tây: hình thức vần công. Sự đổi công cho nhau để kịp thời trong lúc gặt hái, lúc làm cỏ, lúc cấy mạ… đã cho thấy tính đoàn kết tập thể khi người dân trồng lúa trên những cánh đồng mênh mông, “thẳng cánh cò bay” ở Tây Nam Bộ. Những cánh đồng ấy nhất là vào mùa nước nổi hay những lúc cấy mạ cần được vần công để kịp con nước: Rủ nhau cào cỏ – Làm ruộng vần công (Vè con trâu) [3, tr.258], Rủ nhau cào cỏ – Chế đất vần công (Vè làm ruộng) [3, tr.299]… Trong bài Vè đi cấy, khung cảnh lao động ngày mùa đã được tái hiện qua việc cấy lúa trên những ruộng nước khi người dân đề cập đến việc cấy nổi, cấy thưa và vần công cấy:
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè đi cấy
Cấy không theo kịp
Cấy nổi cấy thưa
Trông cho mau trưa
Đặng về mà nghỉ
Chị em thủ thỉ
Tôi mới vần công. [3, tr.301]
Và như thế, thật khó để bác bỏ vai trò của những con sông dẫn nước và phù sa cho những cánh đồng để phục vụ hoạt động nông nghiệp ở ĐBSCL.
Ngoài hình thức vần công, các câu đố về người và hoạt động của con người ở ĐBSCL còn làm nổi bật lên hình ảnh người nông dân chăn vịt, nuôi vịt chạy đồng – một hình thức chăn nuôi đặc biệt phổ biến ở ĐBSCL để tận dụng mùa gặt lúa, mùa nước nổi và nguồn lợi thủy sản làm thức ăn cho vịt với câu đố về người chăn vịt:
Hiên ngang mà đứng giữa đàng
Cầm cờ tập trận, rộn ràng tiến quân. [3, tr.233]
Hơn thế nữa, đáng chú ý là trong các bài vè nói láo ĐBSCL thường phóng đại đặc điểm đối tượng hay hiệu quả công việc nhưng hoạt động lao động, sinh kế của con người được đề cập đến lại rất thật. Chẳng hạn, trong bài Vè nói láo II có những câu như:
Vô rừng bắt ổ ong ruồi
Mật thì ba máng, sáp thì hai ghe… [3, tr.285]
Bắt vồng trồng một vồng khoai
Khoai lang một củ chở hai ghe lườn. [3, tr.286]
Những công việc như bắt ong, bắt vồng trồng khoai là những việc làm dễ bắt gặp trong đời sống cư dân ĐBSCL. Ong làm mật trên những cây xoài, cây mít, trong những bụi tre, những cây tràm và nhất là trong các khu rừng, số lượng mật lại càng nhiều hơn. Những câu chuyện về nghề bắt ong của các tác giả dân gian hay tác giả văn học đã cho thấy điều đó. Bên cạnh đó, việc lên liếp, bắt vồng để trồng hoa màu ở ĐBSCL cũng cho thấy tính chất thấp, trũng và hay ngập nước ở nhiều khu vực của ĐBSCL. Hiển nhiên, trong đó, sông nước và thủy văn đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống hàng ngày của cư dân, nhất là trong mùa nước nổi với nguồn lợi phù sa, thủy sản và cả những tổn thất kèm theo. Thêm vào đó, ngay cả trong các vế phóng đại sự thật “mật thì ba máng, sáp thì hai ghe” hay “khoai lang một củ chở hai ghe lườn” cũng cho thấy rằng, các phương tiện đi lại trên sông nước (ghe, ghe lườn) đã tồn tại gần gũi và gắn bó mật thiết trong đời sống và cả trong tâm thức của người dân, nó thường xuất hiện trong hoạt động lao động của con người qua các bài vè cũng như từng xuất hiện trong ca dao những khi phô bày tình cảm:
“Ghe ai đỏ mũi xanh lườn
Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em”
Thế nhưng, không chỉ là hoạt động lao động mà đời sống sinh hoạt hàng ngày của cư dân ĐBSCL cũng mang đậm dấu ấn sông nước. Nếu trong văn học, một cách nói ví von rất hay rằng ở nước Nam ta ra ngõ gặp nhà thơ thì về địa lý, khi nói về sự phổ biến của sông nước Tây Nam Bộ, có thể ví rằng ở ĐBSCL, ra ngõ là gặp con sông. Hệ thống sông rạch ở đây chằng chịt như mạng nhện và, “ta càng thấy đời sống người nông dân Nam Bộ gắn bó với đường thủy đến chừng nào, ta mới hiểu tại sao nhiều làng mạc, phố xá, thị trấn ngoảnh mặt ra sông, coi mặt này là mặt tiền, còn đường bộ chỉ đưa vào mặt hậu, vào ngõ sau.” [2, tr.65]. Trong bài Vè thuế Tây, cư dân đã thể hiện sự gần gũi tuyệt đối với môi trường sông nước ngay cả khi trốn thuế Tây. Ở đây, sông nước đã chở che cho con người:
Tính mưu tính kế
Tính tứ lung tung
Nhảy sông đất sình bùn
Cái đầu đội cỏ. [3, tr.309]
Cũng thật thiếu sót nếu như không nói đến tính hài hước của người miền Tây khi từ trong tâm thức của họ, sông nước trở nên vô cùng gần gũi và xuất hiện cả trong những câu nói châm biếm. Và ở đây, con sông đã trở thành nơi tạo ra tiếng cười:
Đi thì như rắn liu điu
Cẳng cao, cẳng thấp té nhào xuống sông. [3, tr.287]
Không chỉ con sông mà phương tiện trên sông nước cũng xuất hiện góp phần tạo nên sự hài hước, dí dỏm trong lời tự thuật của kẻ uống rượu:
Cuộc đời nghĩ lại thêm buồn
Tôi đây uống rượu xuống xuồng quên bơi [3, tr.287]
(Vè uống rượu)
Tuy nhiên, văn hóa sông nước ĐBSCL còn được thể hiện trên nhiều yếu tố khác như văn hóa ứng xử của con người với sông nước hay trường từ vựng về sông nước… Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến hai nội dung nổi bật được thể hiện trong các bài vè và câu đố ĐBSCL như đã trình bày trên đây, bao gồm tính đa dạng về sản vật sông nước và dấu ấn văn hóa sông nước trong đời sống sinh hoạt, lao động của cư dân.
Công trình sưu tập Văn học dân gian ĐBSCL của khoa KHXH & NV (Trường Đại học Cần Thơ) đã được công bố năm 1997, cách nay khoảng 20 năm. Trong khi chờ đợi một công trình sưu tập mới mang tính phổ quát và cập nhật hơn, liệu những câu đố, bài vè ĐBSCL cách nay mấy mươi năm có vai trò gì trong việc tìm ra bản sắc, đặc trưng văn hóa sông nước Tây Nam Bộ trong hoàn cảnh hiện tại? Thậm chí, có nhiều bài vè, câu đố đến nay đã không còn xuất hiện trong dân gian; và cả sự đa dạng sinh vật hay dấu ấn văn hóa sông nước trong đời sống con người ĐBSCL ngày nay cũng không còn đậm đà như một thời các bài vè, câu đố đã từng thể hiện. Thế nhưng, ngày nào những con sông còn xuôi chảy trên châu thổ Cửu Long thì ngày đó, văn hóa sông nước vẫn sẽ còn tồn tại, bằng biểu hiện này hay biểu hiện khác. Và như thế, việc tìm hiểu về dấu ấn văn hóa sông nước trong các bài vè, câu đố của một thời đã qua cho ta chiếc chìa khóa xuyên thời gian để trở về và đối chiếu, nhận thức để thấy rằng: trong dòng chảy của thời gian trên mảnh đất Tây Nam Bộ, văn hóa sông nước đã biến đổi như thế nào, và những gì cần giữ lại, những gì cần phát huy?
Văn hóa sông nước ĐBSCL đã để lại dấu ấn trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn học dân gian. Việc tìm hiểu dấu ấn văn hóa sông nước qua các bài vè, câu đố ĐBSCL chỉ là một đóng góp rất nhỏ trong việc xác lập một cái nhìn toàn diện về văn hóa sông nước ĐBSCL. Vấn đề là, thông qua cái nhìn ấy, ta thấy được văn hóa sông nước đã ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống của con người như thế nào, đã làm đẹp cuộc sống con người như thế nào; từ đó có được ý thức trân trọng, giữ gìn nền văn hóa ấy. Và càng yêu mến văn hóa sông nước miền Tây bao nhiêu, ta càng tự hào về “văn minh chợ nổi”, “văn minh miệt vườn”, “văn minh sông rạch”… bấy nhiêu.
Trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều mối đe dọa đến môi trường sông nước ở ĐBSCL như sự tác động thô bạo trong khai thác các nguồn lợi sông nước, tình trạng ô nhiễm môi trường, thiên tai và biến đổi khí hậu, việc xây dựng các đập nước ở thượng nguồn sông Mê kông… đã làm cho chúng ta thực sự phải nhìn nhận và hành động để bảo vệ nền văn hóa của mình. Hiển nhiên, đó không phải là việc của một cá nhân và những tác nhân gây hại đến môi trường sông nước – văn hóa sông nước không phải lúc nào cũng bộc lộ ngay và rõ ràng những nguy cơ của nó. Vậy nên, trong khi chờ đợi những chính sách hiệu quả, thiết thực để bảo vệ tài nguyên nước ĐBSCL, để giữ gìn văn hóa sông nước; trong khi chờ đợi những quyết định mang tính bước ngoặt và hiệu quả từ các quốc gia thành viên của Ủy hội sông Mê kông; thiết nghĩ, không gì hơn là mỗi người dân ĐBSCL trước tiên phải tự gìn giữ, nuôi dưỡng vẻ đẹp văn hóa sông nước của mình. Và không chỉ là để tránh nó bị mai một, tan rã; việc gìn giữ văn hóa sông nước ĐBSCL còn là để tăng sức đề kháng, để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.
Tư liệu tham khảo
- Bùi Thế Cường – Solvay Gerke, Nước là nguồn chiến lược: Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Từ điển bách khoa, HN, 2013.
- Phan Quang, Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Văn hóa, TP.HCM, 1981.
- Hà Thắng – Nguyễn Hoa Bằng – Nguyễn Lâm Điền (chủ biên), Văn học dân gian Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Giáo dục, HN, 1997.