Người ta hay khuyên phải nỗ lực đến cùng nhưng có khi, dừng lại đúng lúc mới là bản lĩnh.
Nội dung chính ⇒
Có khi cần nỗ lực đến cùng…
Theo bạn, để thành công, chúng ta cần nhất yếu tố nào?
Sẽ có rất nhiều yếu tố cần nêu ra, đúng không?
Thế nhưng, với mình, yếu tố cần nhất chính là kiên trì nỗ lực đến cùng.
Bởi vì, người giỏi không hẳn là người làm được việc khó. Có khi, người giỏi chỉ là người kiên trì làm được một việc dễ dàng cho đến lúc thành công.
Bởi rất nhiều người đã bỏ cuộc giữa chừng.
Thế nhưng, đó là khi chúng ta có mục tiêu và hành động đúng đắn.
Có khi cần dừng lại đúng lúc…
Nếu bạn đã nỗ lực rất lâu mà không thấy thành công thì hãy tự hỏi xem: có khi nào mình đã làm sai không?
Trong cuộc sống, có rất nhiều tình huống chúng ta không nắm bắt được hết nên có khi, chúng ta sẽ nhận thức và hành động sai.
Cho nên, dừng lại đúng lúc cũng là cách giúp chúng ta thành công nhanh hơn (thay vì sai đến cùng rồi mới nhận ra và bắt đầu lại).
Bạn có đồng ý quan điểm này không?
Trong cuộc sống, có lẽ thái độ tốt nhất chính là trung dung tùy thuận. Cái nào cần nắm thì nắm, nắm không nổi thì buông. Như thế có khi lại thông minh, lại thức thời.
Thật ra, có nhiều khi chúng ta biết mình đi sai mà vẫn không đủ can đảm để dừng lại.
Không phải ai cũng đủ bản lĩnh để buông cái mà họ đã bỏ ra bao nhiêu công sức xây dựng, theo đuổi.
Rất nhiều cô gái biết rõ là mình bị phụ bạc mà vẫn không đủ dũng khí để từ bỏ.
Bởi từ bỏ người yêu hiện tại cũng có nghĩa là phải yêu lại từ đầu, nghĩa là bao nhiêu tình cảm vun đắp vừa qua đều không còn nữa.
Họ sợ cảm giác mất mát nên không dám thay đổi, không dám làm lại từ đầu.
Cũng như người chơi bài, chơi thua đấy nhưng vẫn chơi vì không dám dừng lại vì họ nghĩ rằng dừng lại nghĩa là thua. Thế nhưng, nếu tiếp tục thì có khi lại càng thua hơn.
Giữa thua lỗ ít và thua lỗ nhiều, thua lỗ ít cũng là một thành công.
Khi bạn sẵn sàng chấp nhận mất mát để có được hướng đi đúng đắn, bạn sẽ không sai thêm và không tốn nhiều thời gian cho đoạn đường lầm lỡ (về sau).
Thay vào đó, chúng ta hiểu rằng đây là cái giá phải trả để thông thái hơn, để lựa chọn đúng đắn hơn và thành công sớm hơn.
Lời kết
Chúng ta đa phần đều là những người mau chán và ham có kết quả nhanh.
Cho nên trên đoạn đường đi đến thành công, có rất nhiều người đã chán nản giữa chừng và có khi, họ đã dừng lại ở ngay điểm gần vạch đích.
Thế nhưng, bạn có thấy rằng, nếu như trên đoạn đường đó, thỉnh thoảng có một trở ngại xảy ra, nó sẽ làm chúng ta giật mình, rời khỏi cơn thôi miên của con đường và bừng tỉnh.
Giống như một người bộ hành, càng đi càng nhập hồn vào con đường cho đến khi thấy một tảng đá lớn chặn ngang.
Lúc ấy, họ mới phát hiện ra hình như mình đã đi nhầm đường vì con đường này lạ quá. Và rồi họ dừng lại, tìm lối đi khác.
Cũng có khi, họ quyết định giải quyết chướng ngại vật đó vì họ biết: chỉ có làm thông con đường này thì mới đi tiếp được.
Và việc lựa chọn dừng lại hay đi tiếp là tùy vào nhận thức và dũng khí của mỗi người.
Cho nên, hơn bao giờ hết, nếu bạn đang gặp khó khăn thì đừng nản chí.
Hãy tự nhắc mình:
Khó khăn xuất hiện là để giúp chúng ta suy xét lại chính mình.
Khó khăn cũng là nguồn kích để chúng ta xốc lại tinh thần, sống và làm việc nghiêm túc hơn.
Một việc mà phải khó khăn mới đạt được, có khi nó lại kích thích tính chinh phục của chúng ta và khi đã thành công, chúng ta mới thấy mình trưởng thành đầy đủ.
Phải oằn mình sau bao nhiêu lâu để chuẩn bị, người ta mới lột xác” và trở thành phiên bản mà họ ước mong.
Cho nên, lời cuối cùng mình muốn gửi đến các bạn là:
Đừng sợ trở ngại và nghịch cảnh vì nó còn muôn điều thú vị bên trong.
Xem thêm: Tổn thương đó, bạn đã chữa lành chưa? Nếu không quên được thì phải làm sao?